2 bài Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

0
888
Thơ Hàn Mặc Tử là thơ trữ tình hướng nội
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


2 bài Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]

Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 hiện có của Hỗ Trợ Ôn Tập: Văn mẫu hay nhất lớp 11

Ngoài ra các bạn có thể xem các tài liệu lớp 11 tại đây: Tài Liệu Lớp 11

Bài liên quan: 5 bài văn mẫu Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Đề bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Bài văn mẫu 1

Cảnh sắc thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng dào dạt cho các thi nhân thả hồn mình sáng tác tuyệt bút thơ ca. Nếu bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu luôn giàu sức sống, tươi mới thì thiên nhiên nơi thôn Vĩ trong “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử lại mang nét giản dị, thơ mộng, thấm đẫm nỗi buồn da diết, bâng khuâng của thi sĩ với hai bức tranh thiên nhiên ở mỗi khoảnh khắc.

Quảng Cáo

Bài thơ được gợi cảm hứng trực tiếp từ tấm ảnh của Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử trong ấy “có mây, nước, có cô gái chèo đò với chiếc đò ngang, có mấy khóm tre, có cả ánh trắng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước” cùng với mối tình duyên thầm kín mà thi nhân dành cho nàng đã viết nên những vần thơ da diết, nỗi buồn ở những ngày cuối đời cận kề với căn bệnh nan y. Thôn Vĩ Dạ – một thôn nhỏ bên bờ sông Hương thơ mộng, nơi người con gái mang tên loài hoa ấy theo cha về đó sống. Nơi đây là một khu nhà vườn tuyệt đẹp đã từng là nguồn cảm hứng cho biết bao nhà thơ rung cảm để sáng tác.
Mở ra cho bức tranh thiên nhiên bình minh tươi đẹp là dạng thức câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” Câu hỏi ấy vừa giống như lời trách móc nhẹ nhàng cũng là mời về chơi của cô gái thôn Vĩ hay là lời tự trách bản thân của nhà thơ gợi cho ta nhiều băn khoăn, trăn trở. Ẩn phía sau đó là vẻ đẹp thiên nhiên có nắng sớm rọi trên hàng cau, có một khu vườn mướt xanh như ngọc:

“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Vừa bước chân đến vườn dội vào mắt ta là ánh nắng mới_thứ ánh nắng sớm tinh khôi, tinh khiết không rực rỡ chói lòa mà dịu nhẹ ấm áp. Trong vườn có những hàng cau vươn mình thức dậy đón nắng mới đầu tiên, bởi cau là loài cây cao nhất ở đó có thể hứng nắng sớm nhất khi mặt trời thức giấc tỏa nắng. Đi sâu vào trong hiện ra là một màu xanh mướt như ngọc của cây cối. Tính từ “mướt” được sử dụng gợi tả không gian trải dài chỉ một màu xanh thuần khiết. Chỉ với hai câu thơ đặc tả cảnh nhiên nhiên với từ ngữ được chọn lọc đã cho thấy một bức tranh tràn đầy sức sống của nắng mới hiện lên. Nổi bật trên nền tranh ấy là hình ảnh người con gái duyên dáng, e thẹn sau lá trúc trong câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Gương mặt ấy phải chăng là của một ai đó cụ thể hay là sự cách điệu hóa để chỉ nét đẹp tâm hồn dịu dàng, thướt tha của con gái Huế xinh đẹp.
Khoảnh khắc bình sáng sớm tươi đẹp đã khép lại mở ra cho người đọc cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong đêm sông trăng có mây, gió, nước trôi, hoa bắp và chiếc thuyền đơn độc:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
…Có chở trăng về kịp tối nay?”
Hàn Mặc Tử mang trong mình căn bệnh hủi (bệnh phong) đáng sợ, cuộc đời tuổi trẻ của ông phải đối mặt với cơn đau bệnh tật nên trong dự cảm thi sĩ luôn có sự li biệt, xa cách với những người thân yêu. Nên hình ảnh thiên nhiên ở đây cũng nhuốm màu bi thương của tác giả. Gió, mây là cặp hiện tượng tự nhiên vốn được song hành cùng với nhau gió ở đâu mây theo đó, gió thổi thì mây bay nhưng trong mắt của thi nhân thì ngược lại gió, mây mỗi nơi một hướng, ngược chiều nhau. Trên trời thì mây gió li biệt, dưới dòng nước thì buồn thiu có hoa bắp lay nhẹ nhàng hô ứng với tốc độ chảy chậm chạp của nước. Tác giả đã sử dụng biệt pháp nhân hóa khiến cho dòng nước cũng có cảm xúc, cũng biết buồn thiu. Nỗi buồn ấy bắt nguồn từ sự cô đơn, buồn tủi của nhà thơ bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ánh trăng vốn là nguồn cảm hứng, là người bạn tri âm, tri kỉ, là nơi trú ngụ cuối cùng linh hồn để trốn tránh thực tại của thi nhân. Trong thơ Hàn Mặc Tử ta đã có vô số lần bắt gặp ánh trăng đêm có một loạt các bài thơ viết về trăng như: Uống trăng, Đà Lạt trăng mờ, trăng sáng, trăng và trăng ngọc, một miệng trăng, ngủ với trăng, rượt trăng, say trăng, trăng tự tử…và còn biết bao bài thơ nữa nhà thơ gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào ánh trăng. Ở bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đó là sự tan chảy của ánh trăng đêm trên bề mặt làm cho dòng nước tắm trong ánh trăng hóa thành dòng sông trăng lung linh, mờ ảo. Trên con sông trăng ấy có con thuyền cô đơn đậu đó. Thuyền đi có chở về cho kịp tối nay không? Câu hỏi tu từ gợi nỗi niềm băn khoăn của thi sĩ, cũng như bao đêm khác nhưng từ “kịp” khiến ta có cảm giác đêm nay thật ngắn ngủi và đó như là một cuộc chạy đua với thời gian cuộc đời. Bến trăng, sông trăng, thuyền trăng chỉ là những hình ảnh mà nhà thơ tưởng tượng ra để thể hiện tâm trạng tiếc nuối cho mối tình dang dở, yêu tha thiết sự sống và vẻ đẹp cuộc đời. Cảnh vật thiên nhiên như ngưng đọng lại, thấm đẫm nỗi buồn đau sâu thẳm của thi nhân. Càng yêu tha thiết thiên nhiên bao nhiêu thì Hàn Mặc Tử càng phải chịu nỗi đau tâm hồn và thể xác bấy nhiêu. Đúng như L.Tolstoi đã từng nói: “Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình”.

Như vậy chỉ với những nét vẻ điểm xuyết đơn giản, nhẹ nhàng nhưng tinh tế và sâu sắc qua cái nhìn thi nhân thiên nhiên tươi đẹp của xứ Huế mộng mơ hiện lên thật sinh động, giàu sức sống nhưng cũng thấm đẫm nỗi buồn đau bâng khuâng, da diết. Ai đó đã nói rất đúng: “Nghệ thuật có thể làm ra những vần thơ đẹp nhưng chỉ với tâm hồn mới làm nên thi ca”. Nếu không có một tình yêu thiên nhiên xứ Huế thơ mộng làm sao Hàn Mặc Tử có thể vẽ nên được bức tranh tuyệt mĩ như vậy về thôn Vĩ.

Bài văn mẫu 2

Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 16 tuổi, ông là một thiên tài mà tài năng được bộc lộ rất sớm. Hồn thơ ông vừa có những nét ma mị vừa có nét trong trẻo, tươi sáng, cho thấy một phong cách thơ đa dạng, phức tạp. Đây thôn Vĩ Dạ có thể coi là một trong những bài thơ hay nhất của ông, tác phẩm đã dựng lên khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, hiền hòa, mà cũng đầy cô đơn của một tâm hồn khát khao yêu thương, khát khao sống mãnh liệt.

Đây thôn Vĩ Dạ được mở đầu bằng bức tranh thật thơ, thật mộng với những đường nét lung linh, tươi sáng. Câu hỏi mở bài: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” như một lời trách móc nhẹ nhàng mà cũng đầy tình cảm dành cho Hàn Mặc Tử. Rồi để sau đó mở ra khung cảnh thôn Vĩ mơ mộng, đậm chất xứ Huế:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Không gian thật thân thuộc, gần gũi đối với bất cứ người Việt Nam nào. Những hàng cau chạy thẳng tắp, cao vút đón đợi cái nắng tinh khôi đầu tiên của ngày mới. Hai chữ nắng lặp lại trong câu thơ đem đến cho người đọc sự ấm áp, trong lành với thứ ánh sáng dịu nhẹ lan tỏa khắp không gian. Năng mới là thứ nắng vừa lên, không gay gắt, chói chang mà dịu nhẹ, tinh tế như chính tính cách của con người xứ Huế mơ mộng. Nắng ấy cũng đem đến cho ta cảm giác tươi mới, trong lành. Dịch chuyển điểm nhìn xuống dưới, cả một khung vườn, cả một viên ngọc khổng lồ hiện ra trước mặt. Sắc xanh phủ kín khắp nơi, cái nắng mới chiếu rọi xuống những hạt sương li ti, bé nhỏ tạo thành một viên ngọc khổng lồ mang màu xanh ngọc bích. Tuyện vời và đẹp đẽ biết bao. Nếu câu thơ đầu đem đến cho người đọc sự thanh khiết, tươi mới thì câu thơ này lại đem đến cho chúng ta sự non tơ, mỡ màng. Chỉ với một từ “mướt” thôi cũng đã làm bừng dậy cả sức sống của muôn vàn cỏ cây. Kết hợp với biện pháp so sánh Hàn Mặc Tử đã hoàn chỉnh bức tranh thôn dã tràn đầy sức sống. Nhưng để bức tranh đó trở nên hoàn thiện hơn, ông cũng không quên điểm vào đó chân dung mờ ảo, hư thực của nét mặt chữ điền. Thật khó để có thể xác định được mặt chữ điền ở đây là ai, có thể là người con gái, có thể là người con trai ở thôn Vĩ. Chính tính mơ hồ đó đã làm câu thơ trở nên đa nghĩa, giàu giá trị hơn. Đồng thời khuôn mặt chữ điền cũng tạo nên sự hài hòa giữa cảnh vật và thiên nhiên. Đó là sự hài hòa tự nhiên, đậm chất Huế.
Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh tuyệt đẹp, trong sáng, tinh khiết, nhưng thoắt đã xuất hiện một bức tranh khác, bức tranh đẹp mà u buồn, cô đơn vào một đêm trăng trên sông:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Hai câu thơ đầu vẽ nên khung cảnh đượm buồn với sự xuất hiện của các sự vật: gió, mây, hoa bắp, sông. Khung cảnh rộng rãi, thoáng đãng nhưng lại ẩn chứa sự mơ hồ, xa xăm. Mọi sự vật đều chia lìa: Gió theo lối gió, mây theo lối mây, dường như giữa chúng không hề có một mối liên hệ nào với nhau. Nghệ thuật đối tài tình đã nhấn mạnh sự chia lìa, cũng như sự cách trở. Tưởng là gần nhau mà hóa ra lại là chia li muôn trùng. Dòng sông lặng lỡ trôi trong cái thinh lặng của buổi đêm, trong con mắt của thi nhân con sông trở nên “buồn thiu”, bâng khuâng, man mác buồn. Nhịp lay nhẹ, khẽ khàng của hoa bắp như càng làm nổi bật hơn sự hiu quạnh của cảnh vật, cũng như sự cô đơn trong chính lòng người. Ngoại cảnh chia lìa, tan tác càng xoáy sâu hơn vào tâm hồn của nhân vật trữ tình, ông tìm đến với trăng để bám víu. Trăng trong thơ Hàn Mặc tử là người bạn, người tri kỉ đối với ông:
Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa
Sương đẫm trăng lồng bóng thiết tha
Hay:
Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho trăng xuân tràn về say chới với
Trong bài thơ này, cả một sông trăng, thuyền trăng để cứu vớt nỗi cô đơn của ông: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”. Không gian ngập đầy ánh trăng vừa huyền ảo vừa ma mị như gợi nhắc về một quá khứ xa xôi, quá khứ tươi đẹp trước đây của ông. Nhưng lời thơ cất lên có gì đó như nghẹn lại, khắc khoải hơn, “thuyền ai” một câu hỏi vang ra mà không có hồi đáp, câu hỏi trở nên vô vọng. Và câu thơ sau chứa đựng đầy sự băn khoăn, liệu trăng có kịp trở về tối nay – một khoảng thời gian quá ngắn ngủi. Dường như ông đang chạy đua với thời gian để dành giật, để được sống. Hai câu thơ đã thể hiện khao khát gặp gỡ, niềm yêu cuộc sống cũng như nỗi niềm lo âu, khắc khoải về sự muộn màng, dở dang. Ở khổ thơ này thiên nhiên đã mờ dần, dường như không còn định hình được rõ ràng nữa, và sang đến khổ thơ cuối cùng ranh giới giữa các sự vật hiện tượng hoàn toàn không thể phân biệt được nữa: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà”. Mọi sắc thái đều được đẩy lên cực độ: trắng quá, mờ nhân ảnh. Khung cảnh dường như đi vào cõi mơ, cõi hư ảo chứ không còn là cõi thực nữa. Thế giới ở đây và thế giới ngoài kia nhòe mờ, khắc sâu nỗi cô đơn, tuyệt vọng được đẩy lên đến cực điểm của nhân vật trữ tình.

Bằng việc sự dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa,.. ngôn từ tinh tế, hàm súc, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh xứ Huế vừa đẹp đẽ, lung linh vừa huyền ảo, ma mị. Đằng sau bức tranh thiên nhiên đó là tình yêu cuộc sống mãnh liệt, nhưng rơi vào tuyệt vọng, sự bi kịch.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here