2 bài văn mẫu Nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngất ngưởng

0
4104
Viết đoạn văn ngắn về
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


2 bài văn mẫu Nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngất ngưởng

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]

Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 hiện có của Hỗ Trợ Ôn Tập: Văn mẫu hay nhất lớp 11

Ngoài ra các bạn có thể xem các tài liệu lớp 11 tại đây: Tài Liệu Lớp 11

Bài liên quan: Nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Đề bài: Nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.

Dàn ý mẫu

I. Mở bài
– Giới thiệu những nét tiêu biểu về Nguyễn Công Trứ: một nhân vật lịch sử nổi tiếng in đậm dấu ấn không chỉ trong văn chương mà còn trong nhiều lĩnh vực khác, thơ văn ông phản ánh nhân sinh và thế sự sâu sắc

Quảng Cáo

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Bài ca ngất ngưởng là một trong số những bài hát nói tiêu biểu thể hiện tài năng, chí khí và ý thức cá nhân của Nguyễn Công Trứ – đó chính là nhân cách nhà nho chân chính

II. Thân bài
1. Làm rõ vấn đề “nhân cách nhà nho chân chính”

– Nhân cách: phẩm cách, phẩm đức, phẩm hạnh con người

– Nhà nho chân chính: Nhà nho sống với những nguyên tắc, chuẩn mực, của bản thân, không làm trái với lương tâm, dám khẳng định tài năng và bản lĩnh của mình

2. Nhà nho chân chính là người dám thể hiện bản lĩnh, đem tài năng cống hiến chốn quan trường

– Sự xuất hiện của nhà nho với tài năng, bản lĩnh và cá tính phóng khoáng

+ “ Vũ trụ nội mạc phi phận sự”: thái độ tự tin khẳng định mọi việc trong trời đất đều là phận sự của tác giả ⇒ Tuyên ngôn về chí làm trai của nhà thơ.

+ “Ông Hi Văn…vào lồng”: Coi nhập thế là việc làm trói buộc nhưng đó cũng là điều kiện để bộc lộ tài năng của nhà nho chân chính

– Tác giả điểm lại việc mình đã làm ở chốn quan trường và tài năng của mình ⇒ Những việc làm mà nhà nho chân chính nên làm, cần làm

+ Tài năng: Giỏi văn chương (khi thủ khoa), Tài dùng binh (thao lược) ⇒ Tài năng lỗi lạc xuất chúng

+ Khoe danh vị, xã hội hơn người: Tham tán, Tổng đốc, Đại tướng (bình định Trấn Tây), Phủ doãn Thừa Thiên

⇒ khẳng định tài năng và lí tưởng phóng khoáng của một nhà nho với tài năng xuất chúng

3. Nhà nho chân chính còn là người có phong cách lối sống tự nhiên, ung dung tự tại

– Nhà nho chân chính theo Nguyễn Công Trứ có cách sống theo ý chí và sở thích cá nhân

+ Cưỡi bò đeo đạc ngựa.

+ Đi chùa có gót tiên theo sau.

+ Bụt cũng nực cười: thể hiện hành động của tác giả là những hành động khác thường (lưu ý nhân cách nhà nho chân chính ở đây được chứng minh theo quan điểm nhà nho của Nguyễn Công Trứ)

⇒ Cá tính người nghệ sĩ mong muốn sống theo cách riêng

– Nhà nho với triết lí tự nhiên , ung dung tự tại, lấy tận hưởng lạc thú làm lẽ tồn tại

+ “ Được mất … ngọn đông phong”: Tự tin đặt mình sánh với “thái thượng”, tức sống ung dung tự tại, không quan tâm đến chuyện khen chê được mất của thế gian

+ “Khi ca… khi tùng” : tạo cảm giác cuộc sống phong phú, thú vị, từ “khi” lặp đi lặp lại tạo cảm giác vui vẻ triền miên .

+ “ Không …tục”: Khẳng định lối sống riêng độc nhất của bản thân mình

⇒ Nhà nho chân chính theo Nguyễn Công Trứ là con người thoát mình khỏi những tư tưởng phong kiến siêu hình, bảo thủ

4. Nhà nho chân chính theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ còn là người mang trong mình đạo lí trung quân

+ “ Chẳng trái Nhạc.. Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung”: Sử dụng điển cố , ví mình sánh ngang với những người nổi tiếng có sự nghiệp hiển hách như Trái Tuân, Hàn Kì, Phú Bật…

⇒ khẳng định bản lĩnh, khẳng định tài năng sánh ngang bậc danh tướng. Tự khẳng định mình là bề tôi trung thành.

+ “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”: vừa hỏi vừa khẳng định vị trí đầu triều về cách sống “ngất ngưởng”

⇒ Nhà nho chân chính không phải là người khuôn mình vào những quy tắc, nguyên tắc bảo thủ lạc hậu mà là sống chân chính với tài năng và quan niệm của mình

III. Kết bài
– Khái lược một số nét đặc sắc trên phương diện nghệ thuật thể hiện thành công nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

– Suy nghĩ bản thân về nhân cách nhà nho chân chính

Bài văn mẫu 1

Nguyễn Công Trứ là người học rộng, tài cao, làm nhiều chức quan lớn trong triều đình. Nhưng cuộc đời ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở trên con đường hoạn lộ, khi đang làm chức quan lớn trong triều, ông đột ngột bị giáng chức, nhưng khí chất của một nhà nho chân chính thì không gì có thể lay chuyển được. Ông vẫn giữ lối sống “ngất ngưởng” khác thường. Vẻ đẹp của nhà nho chân chính đã được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của ông.

Nhân cách để nói về tư cách, phẩm chất đạo đức của con người, nhà nho là cách gọi những người tri thức xưa, theo lối Nho học. Như vậy, nhân cách của một nhà nho chân chính tức là phải biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nhân cách nhà nho chân chính đối với Nguyễn Công Trứ được thể hiện khi ông còn làm quan trong triều, có đến khi ông cáo quan về hưu.

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc Bình Tây cờ đại tướng

Có khi về phủ doãn Thừa Thiên.”

Mở đầu tác phẩm ông đã khẳng định mọi việc trong trời đất này đều thuộc phận sự của chính tác giả. Và quả thật trong cuộc đời mình, ông thi đỗ đạt và giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, nhưng đồng thời ông cùng bộc lộ nỗi buồn vì bản thân bị “vào lồng” sống cuộc đời gò bó, chật hẹp. Các chức vụ ông được giữ đều là những chức vụ quan trọng: Tham tán, Tổng đốc đông, Bình Tây đại tướng, Phủ doãn Thừa Thiên. Bản thân Nguyễn Công Trứ là người có ý thức rất rõ ràng trách nhiệm của một kẻ sĩ với đời. Dù biết rõ ra làm quan sẽ mất đi sự tự do, nhưng ông vẫn sẵn sàng vào cái lồng đó, bởi ở đấy ông mới có cơ hội đem tài năng cống hiến cho đất nước, làm tròn chí làm trai của một nam nhi: “Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển”. Nếu như các nhà Nho luôn sống theo lối khiêm nhường dù bản thân có tài giỏi đến đâu cũng không bao giờ bộc lộ, thì ngược lại ông Hi Văn lại sẵn sàng bộc lộ, dám thể hiện mình và khẳng định bản lĩnh cá nhân: “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Dường như sau lời thơ của ông ta còn thấy được thái độ coi thường của tác giả với những loại người bất tài nhưng hám danh lợi, sống cuộc đời luồn cúi, trong khuôn khổ. Nhưng con đường làm quan của ông cũng đầy thăng trầm, một cá nhân khi có những biểu hiện khác thường, cách tân so với đám đông thường sẽ bị mọi người ghét bỏ, tìm mọi cách hãm hại. Bởi vậy con đường hoạn lộ của ông mới thăng giáng bất thường như vậy. Có lẽ, lối sống “ngất ngưởng” của ông không phù hợp với khuôn khổ chật hẹp, gò bó của xã hội phong kiến.

Khi ông từ quan, chính là khoảnh khắc cái tôi ngất ngưởng có cơ hội được thể hiện rõ nhất:

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng định một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Nguyễn Công Trứ đã thực sự được sống cuộc đời tự do, tự tại, như con chim được tháo cũ sổ lồng. Những hành động lời nói của ông là biểu hiện của lối sống rất “ngông” đây cũng là nét phẩm chất làm nên cốt cách Nguyễn Công Trứ. Ông Hi Văn cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa, ông làm biết bao con mắt dõi theo. Về hưu ông dựng nhà ở núi Đại, với mây trắng phau phau bao phủ bốn phía, như chốn bồng lai tiên cảnh. Đồng thời ông cũng thường xuyên đi viếng, thăm thú cảnh chùa nhưng lúc nào cũng dắt theo các cô hầu con. Điều này thật trái với quy tắc của nhà chùa. Nguyễn Công Trứ đã bất chấp mọi luật lệ, sống cuộc đời phá cách, ngang tàng, ngất ngưởng khiến cho bụt “cũng phải cười ông ngất ngưởng”.

Không chỉ vậy, ông còn bày tỏ quan điểm về lẽ sống: “Được mất dương dương người thái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong”. Ông đưa ra quan niệm giữa được – mất trong cuộc đời này là chuyện bình thường và mỗi người cần bình thản đón nhận những biến đổi của cuộc sống. Đồng thời ông cùng khẳng định ông bỏ ngoài tai những lời khen – chê của thiên hạ đối với mình, thỏa thích vui chơi bất cứ những điều mình muốn: “Khi ca khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không Phật, không Tiên, không vướng tục”.

Khổ thơ cuối, như một lời tổng kết của Nguyễn Công Trứ: “Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú/ Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung/ Trong triều ai ngất ngưởng như ông”. Dù có thể ông không phải một danh tướng, danh nho nhưng trước sau lòng trung với vua ông vẫn vẹn đạo, đây chính là phẩm chất cao quý của nhà nho, thật đáng trân trọng. Ông đã dành cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, làm trọn đạo vua tôi, ở đời ai có thể ngất ngưởng được như ông?

Qua bài Bài ca nhất ngưởng, ta có thể thấy rằng, lối sống ngất ngưởng của ông đều được xuất phát từ quan niệm Nho giáo đó là đề cao lòng trung quân, đây cũng chính là nhân cách của một nhà nho chân chính. Nhân cách ấy thật đặc biệt, khác lạ, ông không khuôn mình, trói buộc theo những tư tưởng Nho học, mà “ngất ngưởng” theo cách của riêng mình nhưng vẫn vẹn đạo với vua, với nước. Đây cũng chính là điểm nhấn tạo nên dấu ấn riêng biệt cho Nguyễn Công Trứ.

Bài văn mẫu 2

Nguyễn Công Trứ là người có tài có chí có đức. Xuất thân dòng dõi Nho gia, ngay từ nhỏ đã học vỡ lẽ sách thánh hiền, thi cử đỗ đạt và ra làm quan lớn dưới các triều đại của nhà Nguyễn. Ông không chỉ là nhà quân sự, chính trị tài ba mà còn là một nhà thơ tài năng dùng thơ ca để “tỏ chí” và khẳng định bản thân. Trong các tác phẩm văn chương của ông tiêu biểu nhất là “Bài ca ngất ngưởng” thể hiện nhân cách nhà Nho chân chính nhưng có nhiều nét khác biệt vượt lên lễ giáo nho gia làm nên một nhân cách mới mang đặc trưng riêng của Nguyễn Công Trứ.

“Bài ca ngất ngưởng” có thể coi là bản tự thuật ngắn gọn, tóm tắt lại cuộc đời và tính cách ông Hi Văn (tên hiệu của tác giả). Ông phô bày giá trị bản thân với thái độ ngang tàn, lối sống thật thà và “ngông” của mình. Qua đó hiện lên nhân cách nhà Nho chân chính có quan điểm sống tiến bộ xứng đáng được người đời ca tụng và học tập.

Vậy nhà Nho họ là ai? Nhà Nho chính là người trí thức thời xưa theo học Nho giáo_ đó là hệ thống đạo đức, triết lí và tôn giáo do Khổng Tử đề ra để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Những con người ấy đi theo chuẩn mực luân thường đạo lí thì được gọi là các nho sĩ, nho sinh hay nhà nho. Nhân cách là gì? Nhân cách là tư cách, phẩm chất đạo đức làm người có trong mỗi chúng ta. Nhân cách ấy làm nên giá trị con người và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vậy nhân cách nhà Nho chân chính được hiểu như thế nào? Tìm hiểu chi tiết qua tác phẩm “Bài ca ngất ngưởng” được Nguyễn Công Trứ thể hiện nhân cách của mình.

Trước hết, nhân cách của một nhà Nho chân chính phải là người có “Chí làm trai”. Ngay từ những câu thơ mở đầu ông đã khẳng định: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” nghĩa là mọi việc trong vũ trụ chẳng có việc nào không phải phận sự của ta. Tư tưởng ấy rất nhiều lần được ông thể hiện trong các tác phẩm như “Gánh trung hiếu” với câu thơ “Vũ trụ chức phận nội”, hay trong bài “Luận kẻ sĩ” có câu “Vũ trụ giao ngô phận sự” tức đều có nghĩa là mọi việc trong vũ trụ là phận sự của ta. Ý nói đến trách nhiệm của kẻ sĩ đối với cuộc đời. Tư tưởng nhập thế cống hiến cho đời được tiếp nối truyền thống của cha ông như: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều là các nhà Nho chân chính từ xưa.

Thứ hai, nhân cách nhà Nho chân chính được biểu hiện là con người biết “tu thân” bởi theo quan niệm của nho gia có ba việc “tu thân, trị quốc, bình thiên hạ” mà người nho sĩ phải làm được. Trong “tu thân” thì việc học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Học tập là theo đuổi con đường hoạn lộ công danh. Cũng như bao các nhà nho khác Nguyễn Công Trứ luôn cố gắng thi đỗ để ra làm quan cống hiến tài đức củ mình cho nước cho dân. Điều đó được minhg chứng bằng việc ông đã từng giữ nhiều chức quan trong triều được tóm tắt lại bằng bốn câu thơ:

“Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây, cờ đại tướng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.

Ông đã từng nắm giữ các vị trí quan trọng như Thủ khoa đứng đầu khoa thi Hương tức Giải nguyên, Tham tán đại thần chỉ huy quân sự ở vùng Tây Nam Bộ, Tổng đốc Đông đứng đầu một tỉnh hoặc vài ba tỉnh, Đại tướng tức là người cầm đầu đội quân bình Trấn Tây, phủ doãn đứng đầu ở kinh đô. Ngoài ra, ông còn có đóng góp khác như: khai hoang ở Kim Sơn và Tiền Hải, trị thủy ở đê sông Hồng; đấu tranh với tệ cường hào ở nông thôn… Tất cả công việc ấy đều được Nguyễn Công Trứ thực hiện với tinh thần trách nhiệm, có hiệu quả cao. Con đường công danh của ông thênh thang rộng mở cho đến khi ông được ‘Giải tố chi niên”. Ông tự tin khẳng định mình là người “Tài bộ” tức là kẻ có “tài năng lỗi lạc xuất chúng” trong vũ trụ. Theo quan niệm của nho giáo thì dù có tài giỏi đến đâu cũng cần phải khiêm tốn giữ mình nhưng Nguyễn Công Trứ đi ngược lại điều ấy tự tin, mạnh dạn đề cao vai trò của bản thân, thể hiện tài năng của mình phá vỡ bức tường thành của nho gia.

Nhà nho chân chính là những người coi thường danh lợi, không màng vinh hoa phú quý. Lập thân cốt chỉ để giúp vua giúp nước. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy khi triều chính rối ren bao kẻ tranh giành chức tước, hơn thua nhau nhưng họ lựa cho mình con đường cáo quan về ở ẩn. Nguyễn Công Trứ cũng vậy khi nói về các chức vị của mình ông chỉ dùng những từ cộc lộc, ngắn gọn chứng tỏ ông không phải là người coi trọng công danh, mà tất cả chỉ là phận sự của đấng nam nhi đứng trong vũ trụ. Nguyễn Công Trứ đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Làm tổng đốc tôi không lấy làm vinh, làm lính tôi cũng không coi là nhục”. Dù đã giữ nhiều chức quan lớn trong triều nhưng đối với ông cũng thật nhẹ tênh, không có gì quan trọng. Chính điều ấy khiến ông thể hiện mình với cái tôi “Ngất ngưởng” trong toàn bài.

Nhân cách nhà nho chân chính của Nguyễn Công Trứ thật khác thường, khác người làm nên nét độc đáo riêng. Nếu như những nhà nho khác khi đã thi đỗ làm quan thì suốt một đời cố gắng cho hoạn lộ công danh nhưng với ông khi đã làm trọn bổn phận “bề tôi”, trọn phận sự của mình với đất nước ông cho phép mình được hưởng thú tiêu dao, hành lạc. Ông quan niệm “cuộc đời hành lạc chơi đâu là lãi đấy”, ông hành động ngất ngưởng xưa nay chưa từng có. Ngày xưa các quan lớn đi đâu thường đi bằng ngựa hoặc có kiệu rước nhưng Nguyễn Công Trứ lại ngất ngưởng trên con bò vàng đeo đạc ngựa: “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” là thế. Người đời có kẻ bảo ông ngông nghênh, lập dị, kẻ lại cho rằng ông cao ngạo coi thường dư luận nhưng đây là một lối chơi ngông khẳng định cái tôi của mình, cho thiên hạ thấy ông đã được “giải tố chi niên”, được tự do thoát khỏi “cái lồng” làm quan tù túng, giam hãm tâm hồn cá nhân tác giả.

Ông cáo quan về ở ẩn với cái cách sống khác, tận hưởng thú vui của mình. Nếu người ta đến chùa là để lễ Phật, cầu may cầu lộc cầu tài thì ông lại đến bày tiệc ca hát, có cả ả đào đàn trống theo sau:

“Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay Kiếm tay cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”

Chỉ với bốn câu thơ cho thấy nhân cách đối lập của nhà nho. Kiếm cung, binh đao mà lại từ bi được sao? Viếng chùa chay tịnh, thanh tục mà lại đem theo ả hầu? Những điều đó tưởng chừng là bất kính, vô lễ nhưng lại khiến Bụt cũng phải cười độ lượng trước ông quan già tính khí khác người.

Ông coi thường danh lợi, chẳng bận tâm đến được mất khen chê ở trên đời mà:

“Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục”

Còn người ông ở nơi trần tục mà tâm hồn thoát tục bay vút lên trên cao với âm điệu rộn rã của giọng ca, tiếng đàn. Đối với ông thú vui của bản thân mới là hạnh phúc đáng được quan tâm mọi sự cái được, cái mất, tiếng khen, tiếng chê không còn quan trọng, coi nó không tồn tại ở trên đời. Dù cho cuộc vui chơi của ông đang được thực hiện ở nơi cửa Phật, có cả đôi dì theo sau nhưng ông thấy mình vẫn thanh sạch và thoát tục không vướng bận Phật tiên. Những câu thơ trải dài nhịp điệu thênh thang, thanh thoát với cách ngắt nhịp 2/2/2/2 linh hoạt thể hiện được tâm hồn, tấm lòng mênh mông rộng mở, phóng khoáng theo kiểu khác thường của con người đã ngoài vòng cương tỏa.

Ông ngông ghênh tự đặt mình ngang hàng với những danh tài lỗi lạc bên Trung Hoa:

“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông”

Ông hành lạc vui chơi với đời nhưng vẫn tự tin khẳng định mình là nhà nho chân chính đã trọn vẹn đạo sơ chung. Ông sống, làm việc và cống hiến hết mình đồng thời cũng biết hưởng lạc, tận hưởng niềm vui mà cuộc đời ban tặng. Câu thơ cuối ông tự tin khẳng định trong triều không có ai được như ông.

Tuy là ngất ngưởng, là ngông nghênh nhưng ông vẫn luôn là một nhà nho chân chính với những phẩm chất tốt đẹp của mình. Cùng với suy nghĩ khác người và có tầm nhìn xa trông rộng như ông là Cao Bá Quát nhân cách nhà nho chân chính cũng được thể hiện trong tác phẩm “Sa hành đoản ca” Thánh Quát coi thường danh lợi, công danh trong bối cảnh thời đại phong kiến thối nát đang bước vào “cơn hấp hối”, ông coi những kẻ ham danh lợi xưa nay tất tả ngược xuôi bon chen cũng giống như người đời thấy quán rượu ngon tranh nhau đổ xô đến có mấy ai tỉnh táo để thoát ra được sự cám dỗ. Ông đi trên cát mà cứ nghĩ như mình đang bước trên con đường công danh bị sa lầy, khổ cực. Để rồi nhà nho ấy phải cất lên câu hỏi cuối cùng “Anh đứng làm chi trên bãi cát?” điều ấy đã lí giải phần nào nguyên nhân tại sao Cao Bá Quát đứng về phía nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

Bài ca ngất ngưởng” thể hiện cái tôi ngất ngưởng độc đáo trong tính cách khác thường của Uy Viễn đại nhân. Ông không cột chặt mình vào lễ giáo nho gia, luôn tự do phóng khoáng với thú vui của bản thân. Những gương mặt tiêu biểu của nhân cách nhà nho chân chính như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đã góp phần làm nên bộ mặt mới cho các nho sĩ lúc bấy giờ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here