2 bài văn mẫu Cảm nghĩ về ngôn ngữ, âm điệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong bài thơ Thương vợ

0
1984
Viết đoạn văn ngắn về
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


2 bài văn mẫu Cảm nghĩ về ngôn ngữ, âm điệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong bài thơ Thương vợ

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]

Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 hiện có của Hỗ Trợ Ôn Tập: Văn mẫu hay nhất lớp 11

Ngoài ra các bạn có thể xem các tài liệu lớp 11 tại đây: Tài Liệu Lớp 11

Bài liên quan: 2 bài văn mẫu Nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngất ngưởng

Đề bài: Cảm nghĩ về ngôn ngữ, âm điệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong bài Thương vợ

Dàn ý mẫu

I. Mở bài
– Đôi nét về tác giả Trần Tế Xương và bài thơ Thương vợ: Tác giả với tư tưởng li tâm Nho giáo. Thương vợ là một trong số những bài thơ tiêu biểu thể hiện tấm lòng thương vợ của Trần Tế Xương

Quảng Cáo

– Ngoài giá trị nội dung tương đối nổi bật, bài thơ còn thành công bởi việc vận dụng thành công ngôn ngữ, âm điệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ

II. Thân bài
1. Dấu hiệu của ca dao, thành ngữ, tục ngữ trong bài thơ

– Sự vận dụng thành ngữ, ca dao, tục ngữ được thể hiện ở hai cặp câu thực và luận trong bài:

+ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

+ “Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công”

⇒ Nét nghệ thuật tiêu biểu này đóng vai trò to lớn trong thể hiện nỗi niềm thương vợ của Trần Tế Xương

2. Vai trò, tác dụng của việc vận dụng thành công ngôn ngữ, âm điệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ

– Hai câu thực:

+ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”: Lấy ý từ câu ca dao: “Con cò lặn lội bở sông”

+ ”Lặn lội”: Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân, lo lắng ⇒ vận dụng sáng tạo, đảo lặn lội lên đầu nhấn mạnh nỗi gian truân vất vả

+ Hình ảnh “thân cò”: gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn ⇒ gợi tả nỗi đau thân phận và mang tình khái quát : vận dụng sáng tạo hình ảnh ca dao, dùng thân cò càng làm tăng nỗi gian truân của bà Tú

+ “khi quãng vắng”: thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu

⇒ Sự vất vả gian truân của bà Tú càng được nhấn mạnh thông qua sử dụng sáng tạo ca dao

+ Eo sèo… buổi đò đông: gợi cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc

+ Buổi đò đông: Gợi liên tưởng đến câu ca dao: “Con ơi nhớ lấy câu này- Đò đông chớ lội, đò đầy chớ qua”: Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc cũng chứa đầy những sự nguy hiểm, lo âu

– Hai câu luận:

+ “Một duyên hai nợ”: ý thức được việc lấy chồng là duyên nợ nên “âu đành phận”, không than vẫn

+ nắng mưa”: chỉ vất vả

+ “năm”, “mười”: số từ phiếm chỉ số nhiều

⇒ “Năm nắng mười mưa”: thành ngữ chéo gợi phẩm chất tần tảo của Bà Tú

+ “dám quản công”: Đức hy sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, ở bà hội tụ cả sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.

⇒ Câu thơ vận dụng sáng tạo thành ngữ, sử dụng từ phiếm chỉ vừa nói lên sự vất vả gian lao vừa nói lên đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú

⇒ Nhận xét: Âm điệu ca dao, thành ngữ đã được Tế Xương vận dụng một cách sáng tạo để thể hiện nỗi lo âu vất vả trong công việc hằng ngày của bà Tú, đồng thời càng thêm nhấn mạnh cho vẻ đẹp của bà và thể hiện tấm lòng thương vợ sâu sắc của ông Tú

III. Kết bài
– Khẳng định lại vai trò của việc vận dụng thành công ngôn ngữ, âm điệu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong việc thể hiện thành công nội dung tác phẩm

– Liên hệ trình bày cảm nhận cá nhân về nét đặc sắc nghệ thuật này

Bài văn mẫu 1

Trần Tế Xương một trong những nhà thơ nổi bật của văn học trung đại Việt Nam. Thơ ông mang đậm âm hưởng dân gian đặc biệt thể hiện trong ngôn ngữ sử dụng trong các bài thơ. Bài Thương vợ là một trong những bài thơ thể hiện rõ nhất chất dân gian trong tác phẩm.

Trước hết về ngôn ngữ, bài thơ được viết bằng chữ Nôm, từ ngữ trong bài được sử dụng hết sức giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Bài thơ không sử dụng bất cứ điển tích, điển cố nào, mà hoàn toàn là ngôn từ của nhân dân. Lời thơ giản dị, gần với phong cách khẩu ngữ, đây có thể coi là những lời tự bạch hết sức chân thanh mà giản dị của ông đối với người vợ thân yêu của mình. Bà Tú một mình bươn trải, vất vả cực nhọc nuôi sống cả gia đình, không gian làm việc chật hẹp tù túng “mom sông” “quãng vắng” “buổi đò đông”, tất cả những vất vả, cực nhọc đó Tú Xương vô cùng trân trọng, nâng niu. Dù không giúp gì được cho bà Tú, nhưng có lẽ đôi mắt thương yêu, biết ơn của ông luôn dõi theo từng bước chân của bà. Không chỉ vậy, ngôn ngữ còn hết sức suồng sã, đậm tính khẩu ngữ: “Cha mẹ thói đời” tiếng chửi trong lời thơ Tú Xương vô cùng tự nhiên, giàu khẩu ngữ, góp phần tô đậm tính chất dân gian cho tác phẩm.

Trong tác phẩm, Tú Xương đã vận dụng thuần thục thành ngữ, tục ngữ, làm cho câu thơ đậm chất dân gian hơn nữa:

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Lấy Tú Xương đối với bà Tú vừa là duyên mà cũng vừa là nợ. Ở đây tác giả đã vận dụng vô cùng tài tình, linh hoạt thành ngữ “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”. Duyên ở đây thì ít (một duyên) mà nợ ở đây thì nhiều (hai nợ), nhưng đã là duyên số với nhau thì bà Tú chấp nhập, không oán trách, không phàn nàn, “âu đành phận”. Câu thơ này làm ta bất chợt nhớ đến câu ca dao xưa của ông cha:

“Một duyên, hai nợ, ba tình

Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh”

Hay: “Chồng gì anh, vợ gì tôi

Chẳng qua là cái nợi đời chi đây”

Tú Xương đã vận dụng hết sức sáng tạo, cách nói của dân gian để khẳng định, ngợi ca sự hinh sinh thầm lặng, sự nhẫn nhịn của bà Tú với mình trong mối tơ duyên này. Hơn ai hết bà Tú là người ý thức rõ nhất lấy ông Tú là cái phận, số phận vốn phải vậy của bà, bởi vậy, dù có vất vả cực nhọc “mấy nắng mưa” phải lặn lội nơi quãng vắng, tranh cướp trong buổi đò đông bà cũng đâu “dám quản công”. Bà không hề than thở, oán trách, mà thực hiện nó như nghĩa vụ của bản thân. Đây chính là vẻ đẹp phẩm chất vốn có, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Câu thơ cũng cho thấy tấm lòng thương vợ của Tú Xương, ông thấm thía hết cả những nỗi khổ mà bà Tú phải chịu đựng. Từ tình thương, ông Tú còn biết ơn, trân trọng đức hi sinh thầm lặng của bà Tú đối với gia đình.

Không chỉ dừng lại ở đó, hình ảnh trong bài thơ cũng đậm chất dân gian, thể hiện rõ nhất trong hình ảnh con cò. Con cò vốn là hình ảnh quen thuộc trong ca dao, dân dân ca, nó gợi nên nỗi thống khổ, vất vả của người nông dẫn giữa của cuộc đời đầy sống gió, bão táp:

“Cái cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao …”

Hay: “ Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khó nỉ non”

Và bà Tú cũng là một trong những thân cò lam lũ, vất vả như vậy: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Công việc của bà Tú là buôn bá gạo ở mom sông Vị Hoàng với rất nhiều nguy hiểm có thể gặp phải, đó là những hôm đi sớm về khuya một mình “nơi quãng vắng” là những ngày chợ đông với bao bon chen, tranh cướp, giành giật nhau “buổi đò đông” đầy bất trắc, nguy hiểm. Chỉ với một chữ “thân cò” thôi nhưng Tú Xương đã khái quát một cách đầy đủ nhất cuộc sống vất vả gian truân của bà Tú, không chỉ vậy còn cho người đọc thấy thêm những phẩm chất cao đẹp của bà: đảm đang, tháo vát, tần tảo để nuôi chồng, nuôi con. Bà quả là một phụ nữ điển hình của Việt Nam.

Giọng điệu bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa giọng trữ tình và giọng tự sự, trong đó giọng trữ tình là chủ đạo. Giúp thể hiện được những cung bậc cảm xúc của tác giả: là sự biết ơn với người vợ chịu thương, chịu khó, chịu nhiều vất vả, cực khổ; là lời thơ tự trào về chính bản thân mình, trở thành một gánh nợ với gia đình. Đằng sau đó, Tú Xương thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với bà Tú.

Với sự vận dụng linh hoạt, tài tình các chất liệu dân gian từ ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu,… Tú Xương đã làm nổi bật nỗi vất vả của bà Tú, cũng như vẻ đẹp phẩm chất của bà. Bên cạnh đó thể hiện sự trân trọng, biết ơn sâu sắc của ông với người vợ tao khang. Đồng thời cũng khẳng định tài năng nghệ thuật bậc thầy của Tú Xương.

Bài văn mẫu 2

Một trong những đặc điểm lớn của thơ ca trung đại Việt Nam là sự kế thừa tinh hoa của văn học dân gian. Biết bao các nhà thơ trung đại đã ảnh hưởng điều đó vào sáng tác để hồn thơ mang đậm chất dân tộc. “Thương vợ” của Tú Xương cũng là một bài thơ có ngôn ngữ, âm điệu ca dao, thành ngữ, tục ngữ được vận dụng sáng tạo làm nên màu sắc riêng của tác giả.

Bài thơ “Thương vợ” là tình cảm chân thành của thi sĩ dành cho bà Tú mà cất lên tiếng nói sâu thẳm trong tâm tư thay vợ. Chân dung bà Tú hiện lên là một người vợ phải chịu nhiều vất vả , đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu thương và sự hi sinh cho chồng con. Bài thơ đã thành công với lối dùng từ, ngôn ngữ và sự ảnh hưởng của âm điệu ca dao.

Về ngôn ngữ được viết bằng chữ Nôm_sản phẩm của người Việt sáng tạo ra thể hiện tinh thần dân tộc. Từ ngữ trong bài thơ rất giản dị, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của nhân dân như các từ “Mom sông” tả không gian nơi bà Tú làm việc nguy hiểm nơi đầu sóng ngọn gió để mưu sinh “Nuôi đủ năm con với một chồng” hay các từ láy “Lặn lội”, “eo sèo”, “hờ hững” cho thấy sự cực nhọc của người vợ mà người chồng lại vô tâm, hờ hững. Lời thơ giản dị đó là lời bộc bạch tâm tư, tình cảm mà nhà thơ nhập thân vào hoàn cảnh của vợ để thấu hiểu, cảm nhận và thể hiện có cả tiếng chửi nhẹ nhàng sâu lắng “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” rất đời thường, mang đậm chất hiện thực sinh động.

Bài thơ được vận dụng các thành ngữ, tục ngữ rất sáng tạo không phải là trích nguyên văn mà biến đổi nhưng vẫn giữ được nội dung của câu nói như “Dầm mưa dãi nắng” được ông vận dụng sáng tạo thành “Năm nắng mười mưa” cho thấy sự vất vả được nhân lên rất nhiều lần của bà Tú.

Đặc biệt âm điệu ca dao có ảnh hưởng sâu sắc với hình ảnh sáng tạo “Thân cò lặn lội khi quãng vắng”. Xưa nay ta thấy hình ảnh con cò thể hiện cho sự vất vả cơ cực của người nông dân đặc biệt là nói về thân phận của người phụ nữ:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

Hay:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Hình ảnh ấy gắn liền với thân phận người phụ nữ Việt Nam tần tảo sớm hôm lo cho gia đình. Bà Tú ở đây là thân cò một thân phận, số phận cụ thể gợi một sự mỏng manh, nhỏ bé trước cuộc đời. Tác giả sử dụng lối viết đảo ngữ “lặn lội thân cò” làm cho hình ảnh ấy càng ấn tượng sâu sắc hơn.

Nhà thơ vận dụng sáng tạo các khái niệm duyên, nợ, phận trong dân gian vào câu thơ “Một duyên hai nợ âu đành phận” để nói về mối nhân duyên vợ chồng, ông Tú và bà Tú lấy được nhau là do duyên nợ từ kiếp trước. Bà Tú chịu cực vì ông Tú nhưng không một lời than vãn mà tự cho rằng đó là do duyên phận mà trời đã định. Bà chấp nhận điều đó không oán thán dù cho duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Bởi con đường hoạn lộ công danh của ông lận đận, suốt cả cuộc đời có ba việc chính là học, đi thi, làm thơ còn lại công việc trong gia đình đều do bà Tú lo liệu, gánh vác.

Dưới vần thơ tài tình của Tú Xương hình ảnh bà Tú hiện lên chân thật, bình dị nét đẹp phẩm chất của bà là vẻ đẹp của biết bao người phụ nữ Việt Nam tần tảo, hy sinh cả cuộc đời vì chồng con và hạnh phúc gia đình. Bài thơ đã thành công với sự vận dụng sáng tạo về ngôn ngữ, âm điệu ca dao, thành ngữ, tục ngữ làm nên nét đặc sắc riêng của Tú Xương.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here