ĐỊNH NGHĨA:
Là thủ thuật đặt ống dẫn lưu vào khoang màng phổi, sau đó nối ống này với một hệ thống dẫn lưu kín hay còn gọi là hệ thống dẫn lưu một chiều.
CHỈ ĐỊNH:
– Tràn khí màng phổi lượng nhiều (>20% thể tích phổi) hoặc mọi tràn khí màng phổi gây suy hô hấp.
– Tràn mủ màng phổi tự do, hoặc vị trí ổ mủ cho phép đặt ống dẫn lưu (trong phạm vi từ đường nách trước đến đường nách sau).
– Tràn máu màng phổi.
– Dưỡng trấp màng phổi (do chấn thương).
CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
– Đối với tràn khí màng phổi gây suy hô hấp: không có chống chỉ định.
– Đối với các trường hợp còn lại, cần cân nhắc lợi hại nếu bệnh nhân quá yếu hoặc có rối loạn đông máu.
CHUẨN BỊ:
Cán bộ chuyên môn:
– Bác sĩ chuyên khoa phổi.
Phương tiện:
– Bộ tiểu phẫu.
– Ống dẫn lưu: dài #30 cm, cắt các lỗ bên ở một đầu
– Ống nối: dài #50 cm + raccord để nối giữa 2 ống.
– Hệ thống bình dẫn lưu: 1 bình hoặc 2 bình – chứa sẵn nước cất vô trùng.
Người bệnh:
– Được giải thích mục đích và nội dung thủ thuật.
– Atropin 0,25 mg tiêm dưới da 15-30 phút trước khi tiến hành thủ thuật
– Riêng đối với tràn khí màng phổi suy hô hấp cấp, để tiết kiệm thời gian, không cần thiết thực hiện động tác này.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
– Bệnh nhân nằm ngửa hoặc nghiêng về bên phổi lành, tay gác ra sau đầu.
– Sát trùng da rộng bên ngực cần dẫn lưu.
– Xác định vị trí dẫn lưu:
+ Đối với tràn khí màng phổi hoặc tràn khí – tràn dịch màng phổi: liên sườn 3-4 hoặc liên sườn 4-5 đường nách giữa.
+ Đối với tràn dịch màng phổi (mủ, máu, dưỡng trấp): liên sườn 4-5 hoặc liên sườn 5-6 đường nách giữa.
+ Đối với các ổ khí hoặc dịch khu trú: xác định vị trí dựa vào X-quang phổi thẳng + nghiêng, hoặc nhờ siêu âm đánh dấu.
– Gây tê tại chỗ với Lidocain 2%, gây tê dưới da và sâu dần đến màng phổi thành. Rút kiểm tra xem có khí hoặc dịch ra một cách dễ dàng không (nếu không, không thể đặt ống dẫn lưu tại vị trí đã chọn được).
– Rạch da #2 cm – Dùng kẹp Kelly tách phần mềm cho đến khi tới khoang màng phổi.
– Đầu xa của ống dẫn lưu được kẹp kín lại – Đầu còn lại đã được cắt sẵn các lỗ bên sẽ được kẹp dọc bởi kẹp Kelly và đưa vào khoang màng phổi.
– Giữ nguyên ống dẫn lưu, rút kẹp Kelly ra, đẩy ống dẫn lưu vào sâu thêm vài cm và hướng lên trên đối với tràn khí màng phổi, hoặc hướng ra sau đối với tràn dịch màng phổi.
– Khâu da và dùng chỉ cố định ống.
– Có thể khâu sẵn một sợi chỉ hình chữ U để dành sau này khi rút ống sẽ thắt sợi chỉ này.
– Nếu có Trocart thích hợp với ống dẫn lưu, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn vì đưa Trocart vào khoang màng phổi dễ hơn dùng kẹp Kelly đưa ống dẫn lưu vào.
– Nối ống dẫn lưu với ống nối dẫn đến bình dẫn lưu – Mở kẹp và quan sát khí hoặc dịch thoát ra, đồng thời mực nước trong ống cắm trong bình dẫn lưu dao động lên xuống theo hô hấp người bệnh.
– Băng vết mổ.
THEO DÕI VÀ XỬ LÝ TAI BIẾN:
Bệnh nhân đau nhiều khi đặt ống:
Gây tê lại cho kỹ. Kiểm tra lại đường hầm đã bóc tách có nằm đúng ở khe liên sườn không – khi đưa ống dẫn lưu vào nếu thấy khó khăn thì phải bóc tách lại, không được dùng sức mạnh để đẩy.
Bệnh nhân sốc: Xử trí chống sốc.
Xuất huyết:
Khi thao tác bóc tách và đưa ống dẫn lưu vào, cẩn thận tránh bờ dưới xương sườn trên – Truyền dịch, theo dõi mạch, huyết áp, hematocrite.
Khó thở do lượng dịch thoát ra nhiều và nhanh:
Cột ống dẫn lưu lại, điều chỉnh cho lượng dịch chảy ra từ từ và thích hợp sức chịu đựng người bệnh.
Theo dõi hoạt động của hệ thống dẫn lưu:
* Ông cắm trong bình dẫn lưu phải ngập 2-3 cm – Quá nông: khi bình nghiêng ống sẽ thông với khí trời; quá sâu: áp lực thủy tĩnh sẽ làm giảm khả năng dẫn lưu – Do vậy, đối với các trường hợp tràn mủ hoặc tràn máu lượng lớn, hệ thống dẫn lưu 2 bình sẽ thuận lợi hơn 1 bình.
* Đối với hệ dẫn lưu 1 bình, bình dẫn lưu phải đặt thấp hơn lồng ngực bệnh nhân ít nhất 40 cm.
* Dao động của cột nước theo hô hấp của người bệnh chứng tỏ hệ thống hoạt động tốt. Khi thấy cột nước hết dao động, kiểm tra lại lâm sàng và X-quang, có các khả năng:
– Phổi nở hoàn toàn: kết quả tốt.
– Ông dẫn lưu bị nghẹt (bởi máu, mủ, giả mạc): bơm rửa màng phổi với NaCl 0,9%.
– Ống dẫn lưu bị tuột khỏi khoang màng phổi: đặt lại ống.
Tràn khí dưới da:
– Kiểm tra xem ống dẫn lưu có bị nghẹt.
– Kiểm tra xem các lỗ bên của ống dẫn lưu có bị tuột ra ngoài khoang màng phổi.
– Kiểm tra ống thông hơi: ống này phải bảo đảm thông suốt và kích thước lớn hơn hoặc bằng kích thước ống dẫn lưu.
– Nếu hệ thống ống dẫn vẫn hoàn chỉnh và hoạt động tốt, đặt máy hút liên tục với áp lực âm thích hợp với sức chịu đựng của ngưới bệnh, từ -20cm H2O đến -40cm H2O.
Bội nhiễm:
Kháng sinh, bơm rửa màng phổi với NaCl 0,9%.
Theo dõi rút ống dẫn lưu:
Sau 5 ngày đặt ống, kiểm tra lại X-quang, nếu thấy phổi nở hoàn toàn, ống dẫn lưu ngưng hoặc hoạt động yếu và không còn xì ra bọt khí, tình trạng lâm sàng bệnh nhân hết khó thở thì kẹp ống dẫn lưu theo dõi 24 giờ.
Sau 24 giờ kẹp ống, kiểm tra lại X-quang, nếu thấy phổi không tràn khí lại và tình trạng lâm sàng bệnh nhân ổn định thì có thể rút ống dẫn lưu và băng ép vết thương. Trường hợp nếu sau 5 ngày đặt ống, kiểm tra X-quang phổi chưa nở, nên mời hội chẩn khoa ngoại để có hướng xử trí.
Xem thêm Phác đồ điều Trị Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch:
- Chẩn Đoán, Điều Trị Ung Thư Tuyến Ức
- Chẩn Đoán, Điều Trị Viêm Phổi Mắc Phải Cộng Đồng
- Chọc Dò Và Sinh Thiết Màng Phổi
- Chọc Hút Tổn Thương Phổi Bằng Kim Nhỏ Và Sinh Thiết Phổi Bằng Kim Qua Thành Ngực
- Chống Máy Và Cách Xử Trí