2 bài văn mẫu Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo

0
848
Văn mẫu: Chí Phèo
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


2 bài văn mẫu Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]

Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 hiện có của Hỗ Trợ Ôn Tập: Văn mẫu hay nhất lớp 11

Ngoài ra các bạn có thể xem các tài liệu lớp 11 tại đây: Tài Liệu Lớp 11

Bài liên quan: 3 bài văn mẫu Phân tích quá trình bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo

Đề bài: Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Dàn ý mẫu

I. Mở bài
– Vài nét về tác giả Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo
– Khẳng định trong truyện ngắn có một tình yêu nảy sinh giữa Chí Phèo và người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn”, nhưng không thể phủ nhận đó là nhân vật có vị tri quan trọng, it nhất, cũng coi Chí như một “con người” – Thị Nở

II. Thân bài
1. Ngoại hình
– Miêu tả khách quan, trần trụi: một người “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hớn”
+ Ngẩn ngơ: hành độngt hep bản năng
+ Xấu ma chê quỷ hờn: từng đường nét trên khuôn mặt không giống với những gì nên có trên khuôn mặt con người
+ Đã vậy, Thị còn nghèo và nhà có mả hủi:
⇒ Thị khó có được hạnh phúc bởi một con người mang trên mình toàn những điều bất lợi
2. Là con người với phẩm chất tốt đẹp, giàu tình người
– Nam Cao xây dựng hình tượng nhân vật Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn không phải để miệt thị mà nhằm làm nổi bật nội tâm đầy tình thương của Thị Nở
+ Sau cuộc gặp gỡ vào đêm định mệnh, Thị Nở dành sự quan tâm cho Chí Phèo:
+ Thị Nở quan tâm đến Chí Phèo, nấu cháo hành cho Chí ăn khi hắn bị ốm. Bưng bát cháo hành thị Nở đưa cho “hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho”
+ Chính thị Nở đã suy nghĩ về Chí Phèo: “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người” ⇒ một cái nhìn khác với những cái nhìn của người làng Vũ Đại
+Tình cảm và sự quan tâm của Thị Nở với Chí Phèo đã như một liều thuốc chữa lành bao nhiêu “vết thương, vết rạch” để Chí Phèo quay trở lại thành một ngườ với sự lương thiện trong căn tính
⇒ Chính tình thương và sự quan tâm khiến Thị trở nên có duyên trong mắt Chí
3. Thị Nở còn là người có khát khao hạnh phúc gia đình
– Thị Nở thích cuộc sống gia đình có vợ có chồng
– Suy nghĩ rất nghiêm túc về mối quan hệ với Chí
– Đối với Chí, cảm giác “ngượng ngượng mà thinh thích”
– Bởi khát khao và suy nghĩ nghiêm túc về hạnh phúc gia đình nên Thị đã trở về xin phép bà cô và thái độ tức giận khi bà cô từ chối
4. Là nhân vật góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm: bi kịch cuộc đời Chí Phèo
– Xây dựng nhân vật Thị Nở, Nam Cao muốn làm trọn vẹn thêm vấn đề trung tâm của tác phẩm: sự bi thảm trong bi kịch cuộc đời Chí Phèo
+ Ban đầu, Thị Nở và Chí Phèo đến với nhau chỉ bởi sự chung đụng về mặt thể xác
+Sau đó, chính tình thương của Thị Nở đã làm thức dậy sự lương thiện vốn có trong Chí
+ Khi Thị Nở từ chối Chí, Chí Phèo từ chỗ khát khao và hạnh phúc đến tột cùng bị đẩy xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng ⇒ đẩy Chí đến những hành động sau này: uống rượu, xách dao đi giết Bá Kiến và tự sát
⇒ Thị Nở là nhân vật thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, đồng thời cho người ta cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của nhân vật chính: Chí Phèo

Quảng Cáo

III. Kêt bài
– Khẳng định những nét nghệ thuật làm nên hình tượng nhân vật Thị Nở
– Xây dựng nhân vật Thị Nở, Nam Cao trao tấm lòng trân trọng vào con người, đồng thời cũng phơi bày thực tế tàn bạo, khắc nghiệt của xã hội đẩy người nông dân vào bi kịch

Bài văn mẫu 1

Chí Phèo là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nam Cao khi viết về đề tài người nông dân. Bên cạnh nhân vật chính Chí Phèo để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc, thì ta cũng không thể quên được một Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn, nhưng lại có tâm lòng thương người sâu sắc. Nhân vật là một nét mới, làm sâu sắc thêm chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Thị Nở được miêu tả bằng biện pháp cực tả, được Nam Cao nhận xét là xấu ma chê quỷ hờn: Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Ðã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Cái xấu của Thị Nở đã đạt điển hình, có thể coi như một mẫu mực về cái xấu, trong cuộc sống này có lẽ ít ai lại có thể xấu đến như vậy. Chính bởi vẻ ngoài quá xấu xí, tính tình lại dởi hơi, sống trong gia đình là mả hủi nên Thị Nở không có cơ hội để tìm kiến hạnh phúc cho riêng mình. Bản thân Thị Nở cũng là một số phận bất hạnh. Vẻ đẹp của Thị Nở có thể không được phô bày ra bên ngoài, dễ dàng, rõ thấy mà nó là vẻ đẹp ẩn chìm, khuất lấp bên trong, đó là vẻ đẹp của nhân cách, của lòng yêu thương con người.
Thị Nở và Chí Phèo gặp nhau ở bờ sông, khi thị Nở nằm cạnh gốc chuối ngủ, còn Chí uống rượu say ở nhà Tự Lãng trở về ra bờ sông tắm. Sự gặp gỡ của họ thật tình cờ. Nhưng sự gặp gỡ đó mở ra cơ hội hạnh phúc cho cả hai người, đặc biệt là với Thị Nở. Sau đêm đó, Thị Nở dìu Chí Phèo về lều do hắn bị cảm, trước khi về Thị Nở không quên đắp manh chiếu cho Chí khỏi lạnh. Cử chỉ nhỏ bé nhưng cho thấy tình yêu thương, sự quan tâm của Thị với Chí. Thị trở về nhà vẫn luôn quan tâm lo lắng và có trách nhiệm với Chí : “Mình mà bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như vợ chồng…. Đêm qua thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà…”. Ý thức được trách nhiệm của bản thân với Chí, sáng hôm sau Thị Nở nấu cháo và mang sang tận nợi, cử chỉ của Thị nở thấm đẫm tình yêu thương, Thị giục Chí ăn nhanh, trong giọng nói không chỉ là sự quan tâm, lo lắng mà còn đầy tình tứ. Nụ cười của Thị với những người xung quanh thật xấu xí và vô duyên, nhưng với Chí thì Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Dưới con mắt tình nhân mọi thứ đều trở nên đẹp đẽ hơn, và cũng nhờ sự quan tâm của Thị Nở trong Chí dần dần phần người, phần nhân tính đã trở lại.
Với nhân vật Thị Nở ta không thể quên chi tiết bao cháo hành. Đó không chỉ đơn thuần là bát cháo giúp Chí giải cảm mà đó còn là bát cháo của tình thương, trách nhiệm và bát cháo của sự hồi sinh nhân tính. Bát cháo đã làm Chí vô cùng ngạc nhiên, hết ngạc nhiên hắn thấy mắt mình ươn ướt, vì đây là lần đầu tiên hắn nhận được sự quan tâm từ một người đàn bà, và đây cũng là lần đâu hắn biết cháo hành ngon đến vậy. Bởi có ai nấu cho mà ăn đâu ? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa ! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay « đàn bà ».
Không chỉ vậy, Thị Nở còn là người biết khao khát hạnh phúc. Sau đêm ăn nằm với Chí Phèo, Thị Nở về nhà và lăn lộn không ngủ được, nghĩ đến những chuyện đã qua, nghĩ đến hai chữ “vợ chồng” và thức dậy cho mình bản năng, khát vọng hạnh phúc đã ấp ủ từ lâu. Trước lời đề nghị về sống chung với Chí, Thị Nở đã sẵn sàng vượt qua định kiến, sang ở với Chí năm ngày. Đó là những ngày tháng đẹp đẽ và hạnh phúc nhất của Thị. Sau năm ngày chẵn, Thị chợt nhớ ra mình còn có bà cô và Thị trở về nhà hỏi ý kiến của bà cô để hợp thức hóa quan hệ với Chí Phèo, để cũng được hưởng hạnh phúc bình dị như biết bao người phụ nữ khác. Nhưng trước lời đay nghiến, chỉ trích của bà cô: Đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hắn : ai lại đi lấy thằng Chí Phèo. Mọi cơ hội hạnh phúc bị dập tắt, tính Thị lại dở hơi nên đem bao nhiêu bực dọc sang đổ lên đầu Chí Phèo và quay trở về không mảy may nghĩ ngợi. Thị là người đã khơi dậy niềm tin vào tương lai, hi vọng cho Chí, nhưng cũng chính lá người đã dập tắt, đã ngăn con đường trở về làm người lương thiện của Chí Phèo. Chi tiết cuối tác phẩm, khi Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát, sau đó Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng mình và thoáng thấy cái lò gạch cũ, như một dự báo về một Chí Phèo con ra đời. Cái kết đầy ám ánh, nó cũng như ngầm dự báo về tương lai mờ mịt của Thị Nở.
Nhân vật Thị Nở chỉ là nhân vật phụ trong tác phẩm, nhưng với nhân vật này Nam Cao cũng bộc lộ niềm thương yêu và cảm thông sâu sắc đến số phận bất hạnh của họ. Nhân vật có ý nghĩa quan trọng đối với việc thể hiện chủ đề tác phẩm và góp phần thúc đẩy câu truyện phát triển.
Bằng những chi tiết nghệ thuật đắc sắc, Nam Cao đã khắc họa thành công nhân vật Thị Nở, cho thấy số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng. Đồng thời cũng cho thấy vẻ đẹp nhân cách sáng ngời đằng sau lớp vỏ xù xì, xấu xí. Nhân vật đã góp phần hoàn chỉnh chủ đề và thúc đẩy truyện phát triển hợp lí.

Bài văn mẫu 2

“Chí Phèo” là một kiệt tác của nhà văn Nam Cao phản ánh nỗi thống khổ của người nông dân dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Tác phẩm thành công với việc khắc họa hình tượng nhân vật Chí Phèo nhưng bên cạnh đó nhân vật phụ thị Nở cũng có vai trò quan trọng trong truyện. Bởi thị tuy xấu xí về ngoại hình nhưng đẹp về nhân cách, là người thức tỉnh lương tri bị ngủ quên trong Chí, thị Nở trở thành kiểu nhân vật có một không hai trong lịch sử văn học.
Nhân vật thị Nở xuất hiện trong hoàn cảnh một đêm trăng thanh ả đi gánh nước rồi ngủ quên bên bụi chuối cạnh nhà Chí. Anh Chí vừa uống rượu say bên nhà tự Lãng vô tình gặp “một người đàn bà ngồi tênh hênh” với bản năng của người đàn ông cùng bát cháo hành tình yêu của thị Nở là cầu nối vô hình để Chí hoàn lương.
Thị Nở xuất thân là con nhà nghèo không còn ai thân thích ngoài bà cô già cũng không chồng như thị. Hai cô cháu sống trong một cái nhà tre, thị sống bằng nghề lặt vặt ở làng, chủ yếu là gánh nước thuê kiếm ăn. Đã nghèo lại còn xấu và ngẩn ngơ. Có lẽ thị là nhân vật nữ xấu nhất trong lịch sử văn học Việt Nam mà nhà văn miêu tả. “Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba cái ấy” nghèo, xấu, ngẩn ngơ tạo thành ba đỉnh tam giác không nhân vật nào có được như thị. Ngòi bút của ông thật tài tình khi miêu tả gương mặt: “Một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn” chỉ bốn từ “Ma chê quỷ hờn” ta có thể hình dung ra cái mặt của thị là một sự mỉa mai của hóa công khiến cho người ta sợ hãi và lảng tránh bởi dòng giống con nhà mả hủi. Không phải Nam Cao bôi nhọ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, phải chăng đây cũng là một dụng ý nghệ thuật tác giả để thị như vậy mới “sánh” được với Chí Phèo-một thằng lưu manh chuyên hành nghề rạch mặt ăn vạ.
Khác với cách miêu tả nhân vật truyền thống là ngoại hình bên ngoài phải ăn nhập với nhân phẩm bên trong nhưng thị đi ngược lại hoàn toàn với điều đó. Thị Nở-người đàn bà xấu về ngoại hình nhưng lại có nhân cách tốt đẹp, đáng trân trọng. Thị đã dành tình yêu thương chân thành, mộc mạc cho Chí khi đã ngủ cùng hắn trong đêm trăng thanh dưới bụi chuối hai linh hồn cô độc đã tìm về để sưởi ấm cho nhau. Thị đã dìu Chí vào trong túp lều xộc xệch sau trận nôn mửa lúc nửa đêm, tình yêu bắt đầu chớm nở từ bát cháo hành. Chí ngạc nhiên và cảm động vô cùng bởi đây là lần đầu tiên hắn được săn sóc bởi tay một người đàn bà. Chính thị đã khiến Chí tỉnh lại sau bao cơn say triền miên vô tận. Ăn bát cháo bát cháo hành từ tay thị Nở hắn bỗng nhận ra rằng: “cháo hành rất ngon, bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được sao lại chỉ gây thù?” bát cháo ấy là hương vị của hạnh phúc của tình thương chân chất những con người nghèo khổ dành cho nhau. Trong mắt của kẻ say tình lúc này thị Nở bỗng trở nên có duyên, tình yêu làm cho có duyên. Phải chăng ấy là cái duyên ngầm bấy lâu đã bị xã hội vùi dập nay mới có cơ hội thể hiện ra bên ngoài. Nam Cao thật tài tình khi phát hiện ra điều đó qua cái nhìn của một con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Thị còn là người cho Chí hy vọng được hoàn lương, mong muốn làm người lương thiện, khao khát trở lại với cuộc đời bình thường: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao…thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không được” thị chính là cầu nối giữa hắn với mọi người, thị là người cứu rỗi linh hồn tội lỗi đưa nó trở về với bản chất lương thiện. Lúc này Chí mong muốn có được hạnh phúc gia đình bình dị như mơ ước khi còn là một anh canh điền hiền lành“Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Thị Nở đã đánh thức lương tri làm người bị ngủ quên, bị khuất lấp trong con người Chí để giờ đây trỗi dậy đòi quyền sống mãnh liệt.
Nhưng thị lại không phải người tỉnh táo bình thường mà lại là đứa ngẩn ngơ, kẻ dở hơi nên hạnh phúc ngắn ngủi trôi qua, tình yêu bị tắt ngấm khi cô ả dở chứng về hỏi ý kiến bà cô. Bà cô già-đại diện cho định kiến xã hội phản đối kịch liệt chuyện tình đôi lứa Chí Phèo và Thị Nở đồng nghĩa với việc “Con đường làm người của Chí vừa được hé mở ra thì đã bị đóng sầm lại”. Chí bị cự tuyệt quyền làm người, bị xã hội bất công bất lương đẩy đến mức đường cùng phải tự sát sau khi giết Bá Kiến.
Tuy nhân vật thị Nở chỉ xuất hiện ở đoạn cuối tác phẩm nhưng đã cho Chí những phút giây hạnh phúc, những ngày được sống đúng với bản chất lương thiện. Thị Nở là hiện thân của tình người. Và chỉ có tình người, tình yêu mới có thể cảm hóa được con quỷ dữ trong người Chí Phèo. Tình người là một sức mạnh nhưng tình người cũng thật mong manh dễ vỡ khi con người ta không biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ.
Qua nhân vật thị Nở nhà văn để lại cho độc giả giá trị nhân đạo sâu sắc chỉ có tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim mới có sức mạnh kì diệu cảm hóa được con người tội lỗi. Qua đây ta cũng có được bài học nhận thức đúng đắn đừng “Nhìn mặt mà bắt hình dong” ngoại hình bên ngoài tuy xấu xí nhưng chỉ cần bên trong con người có tình thương yêu, nhân hậu và biết quan tâm đến người khác thì họ cũng rất đẹp, rất đáng được trân trọng và được yêu thương. Ở ngoài kia có biết bao người nhan sắc xinh đẹp nhưng chưa chắc họ đã có được tấm lòng tràn ngập tình thương như thị Nở.
Thị Nở tuy chỉ là nhân vật phụ xuất hiện trong chốc lát nhưng thị là ngọn lửa sưởi ấm và thắp lên ánh sáng lương tri làm người trong Chí, nhân vật mang lại giá trị nhân văn cho tác phẩm “Chí Phèo”. Dù thị xấu xí, nghèo khổ nhưng tràn ngập tình thương đó là phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt. Gập lại trang sách bấy lâu nhưng hình tượng nhân vật thị Nở cùng mối tình bất hạnh với Chí Phèo vẫn ám ảnh trong suy nghĩ và tâm hồn của độc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here