2 bài văn mẫu Phân tích nhân vật Phăng-tin trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền

0
1060
Văn mẫu: Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô)
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


2 bài văn mẫu Phân tích nhân vật Phăng-tin trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]

Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 hiện có của Hỗ Trợ Ôn Tập: Văn mẫu hay nhất lớp 11

Ngoài ra các bạn có thể xem các tài liệu lớp 11 tại đây: Tài Liệu Lớp 11

Bài liên quan: 2 bài văn mẫu Phân tích nhân vật Giăng-văn-giăng trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Đề bài: Phân tích nhân vật Phăng-tin trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền.

Bài văn mẫu 1

“Những người khốn khổ” của Vích-to-Huy-gô là tác phẩm đạt đến đỉnh cao của dòng văn học hiện thực Pháp cuối thế kỉ XIX. Phản ánh cuộc sống của những con người bất hạnh nghèo khổ, bên cạnh cuộc đời nhân vật chính Giăng Van-giăng thì nữ nhân vật Phăng-tin cũng đã để lại cho người đọc ấn tượng về trái tim yêu thương, tấm lòng bao la của người mẹ nói riêng và số phận của người phụ nữ Pháp lúc bấy giờ nói chung.

Quảng Cáo

“Những người khốn khổ” ngay từ nhan đề đã nói lên cuộc sống hiện thực khốn khổ của các nhân vật và Phăng-tin cũng vậy. Chị là một người có trái tim yêu thương say đắm trong tình yêu của mình nhưng lúc chị mang trong mình giọt máu của người yêu cũng là lúc anh ta bỏ rơi chị. Chi bị mọi người ruồng bỏ, bị đuổi việc bởi không chồng mà chửa, thân gái nuôi con một mình biết bao cực khổ, lại phải chịu áp lực từ định kiến của xã hội càng khiến cho chị trở nên thật đáng thương, tội nghiệp biết bao. Nhưng cuộc đời chị cũng may mắn khi gặp được ông thị trưởng là Ma-đơ-len (tên thay đổi của Giăng Van-giăng). Ông đã cứu vớt chị qua những ngày đen tối cùng cực của cuộc đời. Ông thị trưởng chính là ân nhân, là vị cứu tinh cho số phận Phăng-tin.

Chị cũng như bao người mẹ khác giàu lòng yêu thương và sự hy sinh cho con. Đứa con gái Cô-dét của chị phải chịu bất hạnh, cực khổ ngay từ khi sinh ra đã không có cha, mẹ thì bị đuổi việc ở nhà máy nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chị đã phải bán răng, bán tóc, bán thân thậm chí là chấp nhận lời miệt thị, coi thường của xã hội để kiếm tiền nuôi con. Nhưng bi kịch cuộc đời cũng đã chia lìa tình mẫu tử khi chị phải gửi người khác nuôi con để đi làm nhưng lại gặp phải đôi vợ chồng lưu manh, ác độc chỉ muốn bòn rút sức lực của trẻ nhỏ và đồng tiền mồ hôi, công sức của người mẹ nghèo. Trong hoàn cảnh ấy đáng lẽ ra con người ta cần được cảm thông, sẻ chia với nhau thì lại bị đẩy đến cùng cực của khó khăn, đói rách. Trong những ngày tháng về sau chị luôn nuôi vọng, luôn khao khát được gặp lại đứa con gái nhỏ bấy nhiêu niềm tin ấy được chị đặt vào tất thảy ở ông thị trưởng. Chị tin ông là người tốt, tin ông có thể giúp chị tìm lại được con gái và đem nó về để chị được yêu thương, chăm sóc cho con trong những ngày gần cuối đời bởi căn bệnh lao đang hủy hoại cơ thể chị.

Nhưng một lần nữa số phận chị bị cuộc đời trêu ngươi khi Gia-ve tên thanh tra mật thám truy ra gốc tích của Giăng Van-giăng khi xưa là một tên kẻ cắp, một tên kẻ trộm, một tên tù khổ sai dù thay tên đổi họ nhiều lần, dù đã được cảm hóa bằng tình thương và sống bằng tình thương yêu con người nhưng hắn vẫn không buông tha nên hy vọng cuối cùng của chị cũng bị hắn cướp đi trắng trợn giây phút ấy niềm tin của chị bị rút đến cạn kiệt mà rơi vào tuyệt vọng: “Phăng-tin chống hai bàn tay và hai cánh tay cứng đơ vùng nhổm dậy, chị nhìn Giăng Van-giăng, chị nhìn Gia-ve, chị nhìn bà xơ, chị há miệng như muốn nói từ trong họng phát ra tiếng rên, răng đánh vào nhau cầm cập, chị hoảng hốt giơ tay lên, hai bàn tay cố sức mở ra tìm chỗ bám như người rơi xuống nước đang chới với, rồi chị bỗng ngã vật xuống gối. Đầu chị đập vào thành giường và ngoẹo xuống ngực, miệng há hốc, hai mắt mở to và lờ đờ”. Chị đã tắt thở chính Gia-ve đã gián tiêp giết chị bằng những lời nói kinh hoàng, bóp nghẹt trái tim yếu ớt của người phụ nữ bất hạnh, đáng thương. Chị đau khổ đến tột cùng cho số phận của người làm mẹ mà không lo được cho cuộc sống của con, giờ đây lại chưa tìm thấy con mà ông thị trưởng lại bị bắt vậy chị còn biết bám víu vào đâu?. Chị đã quá sốc trước sự việc đó lại mang trong mình bệnh tật nên phút giây sinh tử ấy không thể thắng nổi tử thần. Chị đã chết khi chưa được gặp lại đứa con gái thân yêu. Chị chết khi trong lòng còn khắc khoải không yên cho đến khi Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin mới xuất hiện “một nụ cười không sao tả được hiện lên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết” lúc ấy trên gương mặt chị như sáng rỡ lên một cách lạ thường. Chị đã đi vào cõi chết khi ước nguyện còn dang dở nhưng may mắn có Giăng Van-giăng thì thầm điều gì đó vào tai chị để chị có thể yên tâm nhắm mắt xuôi tay. Người phụ nữ ấy thật đáng thương, chị cũng như bao người phụ nữ bất hạnh khác trong xã hội Pháp lúc bấy giờ. Giá như lúc ấy định kiến xã hội không quá khắt khe, giá như có một chế độ “an sinh xã hội” tốt nhất thì có lẽ chị và con đã không phải khổ, không phải chia lìa để giờ chị không phải rơi vào thảm cảnh bán tóc, bán răng, bán thân để nuôi con. Trong xã hội ngày nay dù đã có nhiều chính sách phúc lợi xã hội cho người dân, cuộc sống con người cũng được cải thiện và đảm bảo hơn nhưng ở đâu đó vẫn có dáng dấp số phận của Phăng-tin khiến cho ta thêm xót thương và họ cần được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa.

Phăng-tin tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng cho nội dung tác phẩm thể hiện cho số phận của những người nghèo khổ bất hạnh. Đối với đoạn trích sự xuất hiện của chị khiến cho phẩm chất chính nghĩa, kiên cường của Giăng Van-giăng được hiện lên rõ nét. Mặt khác cái chết của chị và hành động Giăng Van-giăng dành cho chị ở cuối đoạn trích cúng một loạt câu bình luận ngoại đề của tác giả đã làm nên chất trữ tình, lãng mạn độc đáo trong tác phẩm.

Phăng-tin người phụ nữ bất hạnh nhưng có một nghị lực sống phi thường và giàu lòng yêu thương con vượt lên nghịch cảnh và số phận để làm sáng lên vẻ đẹp nhân phẩm của người phụ nữ mang thiên chức làm mẹ.

Bài văn mẫu 2

Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền không chỉ nổi bật với một Giăng Van-giăng có tình yêu thương bao la, sẵn sàng hi sinh vì mọi người mà còn nổi bật lên một Phăng-tin có tâm hồn đẹp đẽ. Phăng-tin là người có số phận bi kịch và bất hạnh nhất trong thiên tiểu thuyết này. Dù chỉ là một đoạn trích ngắn như số phận cũng như vẻ đẹp phẩm chất của chị đã được bộc lộ.

Phăng-tin là một người con gái xinh đẹp, dù không có cha mẹ, nhưng cô vẫn sống hết sức đúng mực, cư xử lễ độ. Cô sống và yêu hết mình, bằng một tình yêu chân thành, mãnh liệt. Nhưng số phận trêu đùa, khi cô có con thì cũng là lúc kẻ bội bạc người yêu cô ruồng bỏ. Cô phải một mình chống cự lại xã hội đầy hiểm ác để nuôi con khôn lớn. Làm việc tại xí nghiệp, khi bị phát hiện có con mà không có chồng cô đã bị đuổi đi một cách vô lí. Và cho đến lúc chết cô cũng không được chết một cách thanh thản, bởi đứa con mà cô yêu quý, sẵn sàng hi sinh cho nó vẫn chưa tìm thấy; cô chết trong hoảng loạn, khi phải thấy mặt Gia-ve, bị trấn áp về tinh thần. Số phận của Phăng-tin bạc bẽo, bất hạnh, cô bất hạnh từ lúc sinh ra cho đến cả khi cô nhắm mắt xuôi tay.

Phăng-tin là người phụ nữ yêu thương con vô hạn, sẵn sàng hi sinh tất cả vì con. Phăng-tin sẵn sàng bán răng, bán tóc, bán cả danh dự và nhân phẩm để nuôi con khôn lớn. Cô đã đau đớn biết chừng nào khi mỗi lá thư cô đọc được nói con cô bị rét vì không có áo mặc, bị ốm vì không có thuốc uống,… lúc ấy tâm hồn cô như điên loạn, vì yêu vì thương cho con. Vì con cô đã làm đến lao lực và phải cận kề cái chết.

Trong thời gian nằm trên giường bệnh, Phăng-tin vẫn không nguôi niềm hi vọng sẽ được nhìn thấy con một lần. Niềm tin tưởng của chị đặt cả vào Giăng Van-giăng, chị tin rằng nhất định ông thị trưởng sẽ đem con chị trở về. Có lẽ nếu không có sợi dây niềm tin ấy thì tử thần đã cướp chị đi từ lâu. Nhưng chính tên Gia-ve đã dập tắt mọi niềm tin, mọi sự hi vọng của chị đối với cuộc sống này. Chị đau đớn khôn cùng: “Con tôi! Chị kêu lên. Đi tìm con tôi! Thế ra nó chưa đến đây!….”. Lời thoại bị ngắt thành nhiều câu ngắn, như lời nói đầy uất nghẹn, đau đớn đến tột cùng của chị Phăng-tin. Chị đau đớn nhìn ông thị trưởng như cầu cứu, như mong mỏi ông thị trưởng hãy cho chị biết lời của kẻ ác thú kia ông phải là sự thật. Tột cùng của nỗi đau, chị ngã xuống gối, đầu đập vào thành giường và chị đã ra đi mãi mãi. Chính Gia-ve là người gây ra cái chết đầy thương tâm cho người phụ nữ bất hạnh. Chị chết đi, đôi tay buông thõng, lời thì thầm của Giăng Van-giăng đã khiến khuôn mặt chị “nở nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”. Đây là hình ảnh lãng mạn nhất trong toàn bài, không ai rõ Giăng Van-giăng đã nói gì với chị Phăng-tin, phải chăng đó là lời hứa nhất định sẽ tìm và nuôi dưỡng đứa con cho chị. Có lẽ là như vậy thì chị mới nở nụ cười mãn nguyện và ra đi thanh thản đến như vậy.

Nhân vật Phăng-tin được xây dựng là chất xúc tác thúc đẩy câu chuyện phát triển. Đồng thời với nhân vật này, đã làm rõ chân dung của hai nhân vật trung tâm là Giăng Van-giăng và Gia-ve. Dù chỉ là nhân vật phụ, song nhân vật Phăng-tin cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển cốt truyện và thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Nhân vật Phăng-tin không được tác giả khắc họa trong tâm trạng, mà chủ yếu khắc họa trong ngôn ngữ, hành động. Phăng-tin là người phụ nữa có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng, sẵn sàng hi sinh vì con. Đồng thời với nhân vật này, nhà văn cũng thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ trong xã hội cũ, lên án suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu đã đẩy con người đến chỗ chết.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here