Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]
Kéo xuống để Tải ngay đề cương bản PDF đầy đủ: Sau “mục lục” và “bản xem trước”
(Nếu là đề cương nhiều công thức nên mọi người nên tải về để xem tránh mất công thức)
Đề cương liên quan:Bài tập lớn Cơ kết cấu nâng cao
Mục Lục
- TÌNH HUỐNG
- GỈAI QUYẾT TÌNH HUỐNG
- 1. Trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội gì theo sự phân loại tội phạm tại Khoản 3 Điều 8 BLHS?
- 2. Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) là tội có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao?
- 3. Nếu C mới chỉ dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản không? Giai đoạn thực hiện tội phạm?
- 4. Nếu C mới tròn 14 tuổi thì C có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình không? Tại sao?
- 5. Nếu C mới chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì bị bắt giữ thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?
- Tải xuống tài liệu học tập PDF miễn phí
Tải ngay đề cương bản PDF tại đây: Bài tập lớn Luật Hình sự
TÌNH HUỐNG
C có hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của K, tài sản chiếm đoạt có giá trị 30 triệu đồng. Hành vi phạm tội của C được quy định tại Khoản 1 Điều 133 BLHS. C bị đưa ra xét xử và bị tuyên phạt 7 năm tù. Anh (chị) hãy xác định:
- Trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội gì theo sự phân loại tội phạm tại Khoản 3 Điều 8 BLHS?
- Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) là tội có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao?
- Nếu C mới chỉ dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản không? Giai đoạn thực hiện tội phạm?
- Nếu C mới tròn 14 tuổi thì C có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình không? Tại sao?
- Nếu c mới chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì bị bắt giữ thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?
GỈAI QUYẾT TÌNH HUỐNG
1. Trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội gì theo sự phân loại tội phạm tại Khoản 3 Điều 8 BLHS?
Trả lời: Trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội rất nghiêm trọng theo phân loại tại Khoản 3 Điều 8 BLHS, vì:
Căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt mà BLHS chia ra 4 loại tội phạm và quy định tại Khoản 3 Điều 8 BLHS: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Theo sự phân loại của Khoản 3 Điều 8 BLHS thì “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”. Xét vào trường hợp của C, hành vi phạm tội của C được quy định tại Khoản 1 Điều 133 BLHS “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”.
Như vậy, căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt mà ta phân loại tội phạm ra tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không phải căn cứ vào phán xét của Tòa án. Mức cao nhất của khung hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 133 mà C phạm phải là đến mười năm tù. Dựa vào Khoản 3 Điều 8 và quy định tại Khoản 1 Điều 133 thì trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội rất nghiêm trọng.
2. Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) là tội có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao?
Trả lời: Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) là tội có CTTP hình thức, vì:
CTTP hình thức là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm hoặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội là hậu quả khó xác định thì CTTP thường được xây dựng là CTTP hình thức.
Điều 133 BLHS quy định về tội cướp tài sản như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Tái phạm nguy hiểm;
- d) Sử dụngvũ khí,phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
- e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
- g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
- a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
- b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
- c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
- b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
- c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo Khoản 1 thì chỉ cần người nào dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì đã bị kết tội cướp tài sản cho dù là người đó không thực hiện được mục đích cuối cùng là chiếm đoạt được tài sản mà chỉ cần có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì đã cấu thành tội cướp tài sản.
Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 thì chỉ quy định người nào phạm tội một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ bảy đến mười lăm năm; từ mười hai đến hai mươi năm; mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, chỉ cần một trong các dấu hiệu của mặt khách quan thuộc Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 133 BLHS mà chưa gây ra hậu quả là cướp được tài sản thì người phạm tội đã bị kết tội cướp tài sản.
Vì thế, tội cướp tài sản (Điều 133 BKHS) là tội có cấu thành hình thức.
3. Nếu C mới chỉ dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản không? Giai đoạn thực hiện tội phạm?
Trả lời: C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo từ điển luật pháp luật hình sự của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Sơn thì truy cứu TNHS là: “ Hoạt động của nhà nước thông qua các cơ quan của mình để buộc người phạm tội phải chịu TNHS về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Truy cứu TNHS được thực hiện trên cơ sở chủ thể có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS đã thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong luật hình sự”. Như vậy cơ sở để truy cứu TNHS một người hay nói cách khác một người bị truy cứu TNHS khi người đó thỏa mãn dấu hiệu có năng lực TNHS, đạt độ tuổi luật định và người đó đã thực hiện hành vi được xem là tội phạm.
Trong trường hợp nếu C chỉ mới dùng vũ lực thì vẫn bị truy cứu TNHS vì C đã thỏa mãn hết các căn cứ trên, cụ thể như sau:
- C là người có năng lực TNHS vì C đã đạt độ tuổi chịu TNHS theo như quy định tại Điều 12 BLHS và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực TNHS quy định tại Điều 13 BLHS.
- Hành vi của C là hành vi phạm tội vì đã thỏa mãn tất cả các dấu hiệu của tội phạm như: là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và tính chịu hình phạt, cụ thể như sau:
Dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội, C chỉ mới dùng vũ lực nhưng đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, cụ thể ở đây là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân.
Dấu hiệu tính có lỗi, lỗi của C trong trường hợp này là lỗi cố ý vì hành vi dùng vũ lực của C là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của C trong khi C có đủ điều kiện để thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. C nhận thức được hành vi dùng vũ lực của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng C vẫn thực hiện để chiếm đoạt tài sản nên hành vi này của C đã thỏa mãn dấu hiệu lỗi của tội phạm.
Dấu hiệu tính trái pháp luật hình sự, hành vi dùng vũ lực của C đã được quy định trong bộ luật hình sự cụ thể tại khoản 1 Điều 13 BLHS “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” nên dấu hiệu này hành vi của C cũng thỏa mãn.
Dấu hiệu tính phải chịu hình phạt, hành vi dùng vũ lực là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là trái pháp luật hình sự nên hành vi này phạm tội này bị đe dọa phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt.
Từ những phân tích trên ta đi đến kết luận: nếu C mới có hành vi dùng vũ lực nhưng hành vi của C đã thỏa mãn hết các cơ sở để truy cứu TNHS là nên C phải bị truy cứu TNHS.
- Nếu C mới dùng vũ lực thì giai đoạn thực hiện tội phạm của C là tội phạm hoàn thành vì:
Đầu tiên là định nghĩa các giai đoạn thực hiện tội phạm, các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý, bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trong đó:
Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong CTTP. Căn cứ vào định nghĩa này và đặc điểm cấu trúc của CTTP thì ta rút ra được kết luận là: CTTP hình thức hoàn thành ngay khi người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội. CTTP của tội cướp tài sản là CTTP hình thức theo như phân tích ở câu trên nên hành vi mới dùng vũ lực của C trong trường hợp này đã ở giai đoạn tội phạm hoàn thành vì đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong CTTP của tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS “ Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể như sau:
Hành vi dùng vũ lực của C đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội của CTTP của tội cướp tài sản: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.”
Lỗi của C là lỗi cố ý vì nhận thức hành vi dùng vũ lực của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện để chiếm đoạt tài sản của K đã thỏa mãn dấu hiệu lỗi trong CTTP của tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS.
C là người có năng lực TNHS vì không thuộc trường hợp nào trong quy định tại Điều 13 BLHS – tình trạng không có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định theo quy định tại Điều 12 BLHS nên C thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Đối với tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS này còn có thêm dấu hiệu mục đích “ nhằm chiếm đoạt tài sản”. Hành vi dùng vũ lực của C là nhằm chiếm đoạt tài sản nên đã thỏa mãn dấu hiệu mục đích trong CTTP này.
Kết luận nếu C mới dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt tài sản thì giai đoạn thực hiện tội phạm là tội phạm hoàn thành.
4. Nếu C mới tròn 14 tuổi thì C có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình không? Tại sao?
Trả lời: Nếu tròn 14 tuổi thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình, vì:
Căn cứ Điều 2 BLHS “ Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS”. Mà C là người đã phạm tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS nên C có thể phải chịu TNHS.
Theo quy định tại Điều 12 BLHS quy định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo Khoản 3 Điều 8 BLHS thì “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”. Xét vào trường hợp của C, hành vi phạm tội của C được quy định tại Khoản 1 Điều 133 BLHS “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”.
Hành vi phạm tội của C được quy định tại Khoản 1 Điều 133 BLHS, và theo sự phân loại tại Khoản 3 Điều 8 BLHS thì C phạm tội rất nghiêm trọng.
C trong trường hợp này thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 12 BLHS: C đủ 14 tuổi và phạm tội rất nghiêm trọng. Vì thế, C có phải chịu TNHS về hành vi của mình.
5. Nếu C mới chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì bị bắt giữ thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?
Trả lời: C có phải chịu TNHS về hành vi của mình, vì:
Điều 17 BLHS quy định về Chuẩn bị phạm tội:
“Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm.
Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.”
C là người có năng lực TNHS do không thuộc trường hợp không có năng lực TNHS quy định tại Điều 13 BLHS và đạt độ tuổi theo luật định quy định tại Điều 12 BLHS.
Theo sự phân loại của Khoản 3 Điều 8 BLHS thì “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”. Xét vào trường hợp của C, hành vi phạm tội của C được quy định tại Khoản 1 Điều 133 BLHS “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”. Theo phân tích ở câu 1 thì trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội rất nghiêm trọng.
Xét trường hợp phạm tội của C mới ở giai đoạn chuẩn bị pham tội với quy định tại Điều 17 BLHS quy định về chuẩn bị phạm tội thì C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình định phạm là tội cướp tài sản, tức là C phải chịu TNHS về hành vi của mình.
BẢNG TỪ ĐIỂN VIẾT TẮT
CTTP: | Cấu thành tội phạm |
TNHS: | Trách nhiệm hình sự |
BLHS: | Bộ luật Hình sự |
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam tập I, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội – 2007.
- Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009.
- TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Mô hình luật Hình sự Việt Nam, Nxb. Công an Nhân Dân, Hà Nội – 2003.
- Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hình sự ( phần chung), Nxb. ĐHQG, Hà Nội –
- TS. Nguyễn Ngọc Hòa; PGS.TS. Lê Thị Sơn, Từ điển pháp luật hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội – 2006.
- Viện khoa học pháp lý- Bộ Tư Pháp, Bình luận khoa học BLHS Việt Nam năm 1999, Nxb. CTQG, Hà Nội – 2001.