3 bài văn mẫu Phân tích hình tượng Bê-li-cốp trong tác phẩm Người trong bao

0
3141
Viết đoạn văn ngắn về ý chí
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


3 bài văn mẫu Phân tích hình tượng Bê-li-cốp trong tác phẩm Người trong bao

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]

Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 hiện có của Hỗ Trợ Ôn Tập: Văn mẫu hay nhất lớp 11

Ngoài ra các bạn có thể xem các tài liệu lớp 11 tại đây: Tài Liệu Lớp 11

Bài liên quan: 3 bài văn mẫu Phân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Bê-li-cốp trong tác phẩm “Người trong bao”

Bài văn mẫu 1

Nhân vật trong tác phẩm văn học có chức năng tái hiện cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Cũng như bao nhân vật khác trong trang văn, Bê-li-cốp là hình tượng nhân vật được tác giả Sê-khốp khắc họa thật tài tình dưới ngòi bút châm biếm, đả kích con người sống trong chế độ xã hội tù túng, ngột ngạt. Bê-li-cốp là nhân vật mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc và đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn mà nhà văn gửi gắm khi thực hiện nhiệm vụ là “thư kí trung thành của thời đại”.

Quảng Cáo

Bê-li-cốp hiện lên qua lời của một đồng nghiệp trong trường với nhân vật kể lại cho bác sĩ I-van I-va-nứt nghe. Có lẽ người đọc sẽ thật ấn tượng với ngoại hình kì dị của hắn “nổi tiếng về điều là lúc nào cũng vậy, thậm chí cả khi rất đẹp trời, hắn đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông”. Những chi tiết tưởng chừng như vặt vãnh, nhỏ lẻ thì lại được tác giả miêu tả chi tiết, tỉ mỉ như chiếc ô, đồng hồ quả quýt, chiếc dao nhỏ gọt bút chì, bông nhét lỗ tai, cổ áo, kính râm, kéo mui xe ngựa… tất cả đều làm nổi bật lên chân dung kì quái, lạ đời và nét tính cách nhân vật. Trong tất cả các chi tiết đó có đôi giày cao su, cái ô gắn liền với Bê-li-cốp quanh năm suốt tháng, khiến cho nhân vật hiện lên như một bức tranh biếm họa. Đó là khi đi ra đường còn về nhà hắn cũng chẳng được thông thoáng hơn một chút: “vẫn mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then, có đủ sự ngăn cấm và hạn chế”. Bê-li-cốp thật dị thường với vẻ bề ngoài khiến cho người ta tò mò không hiểu vì sao hắn lại như vậy?

Tất cả là bởi từ trong suy nghĩ luôn luôn “Sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì”. Có đến năm lần Bê-li-cốp lặp lại chi tiết này, dường như sự sợ hãi chẳng bao giờ rời khỏi hắn ta. Nỗi sợ ấy thường trực cả trong những thói quen giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày. Khi đi đến chơi nhà đồng nghiệp hắn thường “kéo ghế ngồi, hắn thường chẳng nói chẳng rằng mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm vật gì. Ngồi im như phỗng rồi độ một giờ sau thì cáo từ”. Ngay cả cái buồng ngủ cũng chật như một cái hộp, khi ngủ thường kéo chăn trùm đầu kín mít, nằm trong chăn nhưng “hắn vẫn cảm thấy rợn rợn. Hắn sợ nhỡ lại có chuyện gì, sợ kẻ trộm chui vào nhà”. Sê-khốp đã phát hiện ra ở nhân vật có một khao khát mãnh liệt là được thu mình trong vỏ bọc, hắn tự tạo ra những “cái bao”để chui vào trong đó cho an toàn. Nhưng vẫn chẳng thể an tâm và chính nỗi sợ hãi cũng là một cái bao để hắn chui vào. Bên cạnh những cái bao hữu hình ngoài đời thực còn có những cái bao vô hình như ngợi ca quá khứ, ngợi ca những cái không có thật, ngợi ca thứ tiếng Hi Lạp cổ, che giấu suy nghĩ là những cái bao mà hắn tự tạo ra để bao bọc bản thân khỏi bị tác động bởi ngoại cảnh bên ngoài.

Bê-li-cốp còn là một con người có tư tưởng bảo thủ và luôn tôn thờ chính quyền thậm chí là sợ hãi cấp trên vô cùng. Khi hắn thấy hai chị em Cô-va-len-cô đạp xe ngoài đường thì trong thâm tâm hắn dù có thích Va-ren-ca rất nhiều thì cũng không thể chấp nhận nổi hành động đó của một người con gái, một giáo viên đứng lớp nên đã kịch liệt phản đối và đến nhà họ để cho lời khuyên, nhưng khi nghe lời đe dọa của Cô-va-len-cô “Kẻ nào thò mũi vào chuyện riêng nhà ta, ta cho chầu Diêm Vương tất” phản ứng của hắn trở nên gay gắt vô cùng: “Tôi yêu cầu anh khi có mặt tôi, đừng bao giờ nói như thế về cấp trên. Anh cần phải có thái độ kính trọng đối với chính quyền”. Người ta có thể tôn thờ, ủng hộ cho chính quyền tốt đẹp còn hắn sợ động đến cấp trên (hiệu trưởng và thanh tra) không thể phân biệt nổi đâu là tốt là xấu. Hắn chỉ muốn che đậy đi tâm lí run sợ của mình trước quyền lực tối cao. Đặc biệt câu nói cuối cùng khi hắn đe dọa Cô-va-len-cô: “tôi chỉ muốn báo trước cho anh rằng…Tôi sẽ phải làm việc đó” đã lí giải cho nguyên nhân vì sao hắn lại trở nên lo lắng, hèn nhát, bạc nhược khi nói đến chính quyền bởi lúc nào hắn cũng sợ bị người khác nghe thấy, sợ bị xuyên tạc, vu cáo. Chính câu nói đã khắc họa sâu thêm tính cách, lối suy nghĩ của nhân vật. Dường như trong mắt hắn cuộc sống này luôn đầy rẫy những thứ xấu xa, đê hèn và hoàn cảnh xung quanh hắn đã tạo nên cái vỏ bọc hoàn hảo.

Không chỉ vậy hắn còn luôn sợ bị “thành trò cười cho thiên hạ” khi bị đánh ngã từ trên cầu thang xuống, việc làm đầu tiên của Bê-li-cốp là “sờ lên mũi xem kính có còn nguyên vẹn không”đối với hắn sĩ diện quan trọng hơn tính mạng con người, hắn sợ chuyện này sẽ đến tai hiệu trưởng, thanh tra rồi họ sẽ ép mình về hưu non. Tiếng cười “haha” của Va-ren-ca đã chấm dứt chuyện cưới xin và chấm dứt cả cuộc đời Bê-li-cốp. Cái chết của hắn thật bất ngờ mà cũng không bất ngờ chút nào. Bất ngờ là bởi mọi người trong thành phố khá ngạc nhiên và có phần vui mừng bởi lối sống lập dị của anh ta đã khống chế trường học trong suốt mười lăm năm và cả thành phố nữa “Các bà cô tối thứ bảy không dám tổ chức diễn kịch tại nhà nữa, sợ rằng hắn biết thì lại phiền, giới tu hành khi có mặt hắn không dám ăn thịt và đánh bài”. Không bất ngời bởi đây là dụng ý nghệ thuật của nhà văn dùng cái chết để càng đậm tô tính cách nhân vật bởi khi nằm trong quan tài, vẻ mặt hắn trông hiền lành, dễ chịu thậm chí có vẻ tươi tỉnh như hắn đang mừng rỡ, mãn nguyện khi được nằm trong “cái bao” tốt nhất, bền vững nhất.

Nhân vật Bê-li-cốp đã được khắc họa thật chi tiết, tỉ mỉ từ ngoại hình bên ngoài đến suy nghĩ, hành động khác người, khác thường, dị biệt. Hắn vừa là tội nhân cũng vừa là nạn nhân, vừa đáng thương cũng vừa đáng trách cho một kiếp người sống vô nghĩa. Hắn là tội nhân vì đã reo rắc ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người xung quanh, tội nhân vì chính người như hắn là con đẻ của chế độ xã hội phong kiến Nga ở cuối thế kỉ XIX. Hình tượng ấy không phải mang tính chất cá nhân mà nó là căn bệnh chúng của toàn xã hội. Bê-li-cốp đã chết nhưng còn biết bao nhiêu người trong bao trong tương lai như thế. Sự ảnh hưởng và tác động dai dẳng của Bê-li-cốp trong xã hội cũ đầy ám ảnh, đầu độc cuộc sống con người. Trong xã hội ngày nay cũng có không ít kẻ vẫn đang tìm cho mình một cái bao, tạo những cái vỏ bọc cho bản thân, phó mặc cho cuộc đời. Đó là lối sống ích kỉ, hèn nhát không đáng để được tồn tại. Qua hình tượng nhân vật Bê-li-cốp nhà văn đã cất lên tiếng nói phê phán kiểu người có lối sống trong bao, trốn tránh thực tại, không dám đối diện với hiện thực và cũng là lên án, tố cáo xã hội Nga đương thời tù túng, ngột ngạt. Nhà văn đã thức tỉnh và kêu gọi mọi người thay đổi cách sống không thể sống theo kiểu “Người trong bao” hèn nhát, bạc nhược và ích kỉ như vậy.

Sê-khốp chọn ngôi kể thứ ba để đặc tả hình tượng nhân vật Bê-li-cốp cho thấy con người hắn hiện lên chân thực, khách quan với giọng kể mỉa mai, phê phán để lại cho độc giả có cái nhìn về xã hội và con Nga lúc bấy giờ. Đúng như Nguyễn Tuân đã nhận xét “Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh: hình thù, tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày ấy vẫn còn tác dụng lớn”. Bê-li-cốp không chỉ phản ánh lại hiện mà còn có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đối với mọi thời đại.

Bài văn mẫu 2

Sê-khốp một trong những nhà văn lỗi lạc của văn học Nga. Ông không chỉ là nhà viết kịch tài năng, mà còn là một nhà viết truyện ngắn bậc thầy. Người trong bao được viết năm 1880, là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông. Tác phẩm nổi bật với hình tượng Bê-li-cốp – hình ảnh tiêu biểu cho người dân Nga lúc bấy giờ.

Chân dung Bê-li-cốp được nhà văn lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhất để miêu tả. Ông ta là một giáo viên dạy tiếng Hi Lạp cổ – một thứ tiếng đã trở nên lỗi thời, rất ít người học. Hắn là có một ngoại hình hết sức kì quái, mọi thứ đều được hắn ta cho vào trong “bao”. Trong những ngày đẹp trời nhất hắn vẫn đi giày cao su, cầm ô, mặc áo bành tô, chiếc áo bành tô to cổ luôn dựng đứng đến lấp cả gương mặt. Không chỉ vậy ra ngoài hắn luôn phải đeo kính râm, lỗ tai nhét bông và ngồi trên xe ngựa nhất định phải kéo mui. Ở nhà, một không gian riêng tư nhưng cái “bao” của hắn vẫn không hề thay đổi, áo khoác vẫn mặc, cửa đóng, the cài, luôn sợ sẽ có kẻ trộm đột nhập. Giường ngủ của Bê-li-cốp được tác giả miêu tả là chật và kín như cái hộp, nóng bức, ngột ngạt, khi ngủ luôn trùm chăn kín đầu. Dường như luôn có nỗi sợ hãi bủa vây xung quanh Bê-li-cốp khiến hắn phải phòng ngừa hết sức. Những chi tiết miêu tả rất sức cụ thể đã cho thấy những chiếc bao hữu hình đang bủa vây, quấn chặt lấy Bê-li-cốp. Đồng thời cũng cho người đọc bước đầu thấy chân dung quái gở, kì quặc của hắn.

Nhưng đó mới chỉ là chân dung bên ngoài, để làm rõ sự kì quái của Bê-li-cốp, Sê-khốp còn đi sâu vào những biểu hiện thế giới bên trong. Bê-li-cốp luôn mang trong mình khát vọng mãnh liệt, ở mọi lúc, mọi nới đó là “thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một cái bao có thể bảo vệ, ngăn cách hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài”. Bởi cuộc sống ngoài kia đối với hắn quả đáng sợ hãi, hắn ghê tởm hiện tại, và hắn luôn ca ngợi quá khứ, cho đó là quãng thời gian huy hoàng, đẹp đẽ nhất, chính bởi vậy nghề dạy tiếng Hi Lạp cổ cũng thật phù hợp với hắn. Hắn tôn thờ những chỉ thị, thông tư, đối với hắn chỉ có những bài báo cấm đoán mới là điều rõ ràng. Và con người đó còn thường trực trong đầu suy nghĩ “nhỡ xảy ra chuyện gì”. Những chi tiết mô tả tâm lí bên trong của Bê-li-cốp đã cho ta thấy đầy đủ hơn kiểu “người trong bao” của xã hội Nga cuối thế kỉ XIX. Hắn luôn lo lắng, sợ hãi, phải tự bao bọc bản thân để có thể tránh sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Bê-li-cốp không phải bỗng dưng xuất hiện, hắn chính là con đẻ của xã hội tù túng, ngột ngạt của xã hội Nga chuyên chế lúc bấy giờ.

Trong mối quan hệ với mọi người, Bê-li-cốp cũng tỏ ra mình là kẻ hết sức kì cục. Tạo mối quan hệ với mọi người là điều tất yếu đối với mỗi con người khi chúng ta đang sống trong một tập thể, một cộng đồng. Bê-li-cốp ý thức rất rõ điều đó, chỉ có điều cách hắn làm chỉ khiến người khác hoảng sợ, ghét bỏ: “Hắn có một thói quen kì quặc là đi hết nhà này đến nhà khác” hắn “kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm vật gì. Hắn cứ ngồi im như phỗi thế rồi độ một giờ sau thì cáo từ. Hắn gọi đó là cách duy trì những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp”. Sê-khốp đã thật khéo léo khi lựa chọn chi tiết này, nó đã giúp bổ sung tính cách “trong bao” của hắn ở cách cư xử, hành động. Hắn ta tưởng rằng làm như vậy là đúng đắn mà không hề nhận ra mình đang quấy rầy, đang làm người khác ghê sợ. Lối sống của hắn và những người như hắn đã khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt, căng thẳng, những nỗi sợ vô hình cứ thế chất chồng lên những con người bình thường: “sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách,, giúp đỡ người nghèo, sợ dạy học chữ”. Những nỗi sợ thật vô lí nhưng lại hợp lí khi cuộc sống của những con người nơi đây bị tắm đẫm trong những tư tưởng, lối sống trong bao của Bê-li-cốp. Một thói quen kì quặc của Bê-li-cốp nhưng lại có thể khống chế được cả một trường học, một thành phố trong cả chục năm trời, đó quả là một điều phi lí. Giọng kể có vẻ khách quan nhưng đằng sau đó ta vẫn thấy giọng điệu châm biếm, phê phán của tác giả.

Không chỉ vậy, Bê-li-cốp còn rất dị ứng và sợ những cái mới. Trong cuộc đời hắn ta, chưa bao giờ hắn nhìn thấy một người con gái cưỡi xe đạp, bởi vậy khi nhìn thấy Va-ren-ca cưỡi xe đi qua, mặt hắn ngẩn ra, trắng bệch, dường như không thể tin vào mắt mình. Điều đó làm hắn khó chịu, hoảng hốt và hắn quyết định đến nhà Cô-va-len-cô để giảng giải mọi điều. Hắn giãy bày tâm sự, hắn không hiểu vì sao mà mọi người lại giễu cượt mình, bởi lúc nào hắn “cũng cư xử như một người tử tế, đúng đắn”. Bê-li-cốp rất có ý thức về bản thân mình, nhưng lại không đủ minh mẫn để nhận thấy sự kì quặc về chính mình, luôn sống trong ngộ nhận. Ý đồ giảng giải không được thực hiện, hắn bị Cô-va-len-cô đánh ngã dúi trên bậc thang, cùng với tiếng cười giòn tan khi Va-ren-ca đi về đã làm hắn nhục nhã, xấu hổ trở về nhà nằm một tháng sau rồi chết. Hắn chết nhưng không đau buồn, tiếc thương, bởi hắn đã được ở trong chiếc bao vĩ đại, chắc chắn nhất mà hắn không bao giờ phải chui ra nữa, đó cũng chính là mục đích cuộc đời hắn, vẻ mặt Bê-li-cốp trở nên hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có cả phần tươi tỉnh. Và cái chết đó cũng làm cho những người xung quanh như thoát được khỏi một gánh nắng “Từ nghĩa địa trở về, lòng chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái”. Nhưng sự thoải mái ấy cũng chỉ diễn ra chỉ trong một tuần, một tuần sau cái chết của Bê-li-cốp mọi thứ lại trở về như cũ. Vậy vấn đề ở đây không phải chỉ bởi cá nhân Bê-li-cốp mà rộng hơn là cái bao ngột ngạt của xã hội chuyên chế Nga hoàng lúc bấy giờ đã kìm kẹp, giam hãm con người. Hoàn cảnh ấy đòi hỏi con người phải thức tỉnh, đứng lên đấu tranh. Cái chết của Bê-li-cốp cũng như một lời dự báo về cuộc cách mạng sau này.

Xây dựng nhân vật Bê-li-cốp, tác giả đã lựa chọn những chi tiết điển hình nhất. Trong truyện ngắn này hay bất cứ truyện ngắn nào mọi chi tiết ông xây dựng đều vừa vặn, khéo léo, không có bất cứ chi tiết thừa. Những chi tiết nhỏ nhắt cũng góp phần khắc họa tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Nhân vật Bê-li-cốp là nhân vật điển hình của kiểu người trong bao của xã hội. Nghệ thuật kể truyện đặc sắc, giúp có cái nhìn chân thực, khách quan nhất về nhân vật. Giọng điệu biến đổi linh hoạt, thể hiện quan điểm của người viết về đối tượng.

Bằng con mắt quan sát tinh tường, Sê-khốp đã phát hiện ra “cái tầm thường dung tục” tưởng là rất đỗi bình thường trong nhân vật Sê-khốp. Hình tượng người trong bao Sê-khốp không chỉ là vấn đề của một thời mà nó là vấn đề xã hội muôn đời. Trong mỗi chúng ta ai cũng tồn tài một Bê-li-cốp, việc của chúng ta là phải phá bỏ mọi rào cản, để không trở thành những “cái bao” quái ghở của xã hội. Tác phẩm và hình tượng của Sê-khốp có ý nghĩa, giá trị muôn đời.

Bài văn mẫu 3

Văn học làm đẹp trái tim, tâm hồn con người, nó rung lên trong mỗi chúng ta những cảm xúc tế nhị hay mãnh liệt để con người vươn tới tự do, dân chủ, vươn tới thế giới của tình thương, của sự hoàn thiện, hoàn mỹ. Nhà văn thể hiện tất cả điều đó thông qua hình tượng, “làm sống lại một cách cụ thể và gợi cảm những sự việc, những hiện tượng đáng làm ta suy nghĩ về tính cách số phận, về tình đời, tình người”. Tác phẩm có giá trị là tác phẩm luôn chứa đựng khoảng trắng nhằm kích thích sự tìm tòi khám phá của người đọc, chính hình tượng nghệ thuật là nơi ẩn chứa, tiềm tàng những khoảng trắng đó.

Ra đời cuối thế kỷ XIX (1898), “Người trong bao” của An-tôn Sê-khốp với hình tượng thầy giáo Bê-li-cốp đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc không chỉ trong lòng độc giả nước Nga mà còn độc giả thế giới. Hơn thế kỷ trôi qua, nhưng tác phẩm vẫn đứng vững trong lòng người đọc, tại Việt Nam nó được chọn để dạy học trong Ngữ văn 11, chương trình nâng cao. Có lẽ chính việc xây dưng thành công hình tượng nhân vật Bê-li-cốp đã khẳng định chỗ đứng của “Người trong bao”, vì qua đó, những mạch ngầm văn bản cứ hiện dần trong lòng người đọc.

Hình tượng Bê-li-cốp hiện lên thông qua 2 lớp ngôi kể, ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba. Ngôi thứ ba được kể bằng hình tượng người kể chuyện là tác giả, ngôi thứ nhất “tôi” người kể chuyện là một nhân vật trong câu chuyện, thầy giáo Bu-rơ-kin kể với bác sĩ I-van I-va-nứt về thầy giáo Bê-li-cốp trong một chuyến đi săn. Như vậy đã có sự lòng ghép ngôi kể trong ngôi kể, ngôi thứ nhất được lòng trong ngôi kể thứ ba, câu chuyện của thầy giáo Bu-rơ-kin kể với bác sĩ I-van I-va-nứt về thầy giáo Bê-li-cốp được lồng trong câu chuyện mà tác giả kể với đọc giả về câu chuyện đó. Đưa cách kể mang tính chủ quan lòng vào ngôi kể mang tính khách quan là một sự lựa chon khéo léo. Tác giả đang khách quan để kể về câu chuyện người khác kể lại, tác giả chỉ như một người ghi chép lại những gì mà thầy giáo Bu-rơ-kin kể, vì vậy, câu chuyện vừa tạo được tính thuyết phục trong người đọc lại vừa được kể lại như là sự chứng kiến của một người trong cuộc, nhìn nhận được mọi khía cạnh, mọi vấn đề.

Chính việc lựa chon ngôi kê đó đã như một hệ quả tất yếu đến sự di động điểm nhìn của người kể chuyện, di động từ ngôi kể thứ ba sang ngôi kể thứ nhất, từ ngôi kể thứ nhất số ít sang ngôi kể thứ nhất số nhiều. Di động điểm nhìn kể chuyện như vậy làm cho nhân vật được nhìn nhận dưới nhiều gốc độ, hình ảnh nhân vật được hiện lên một cách tự nhiên, sâu sắc, chân thật hơn. Điểm nhìn quy chiếu từ góc nhìn là người bạn đồng nghiệp, họ dạy cùng trường, ở cùng căn hộ, hai phòng ở đối diện nhau, nên họ biết rõ về nhau một cách rõ ràng, vì thế người đọc, người nghe yên tâm về những lời kể nhân vật tôi. Người kể chuyện có thể đưa ra những bình luận, nhận xét theo quan điểm riêng của mình. Về cuối truyện sau khi chôn cất Bê-li-cốp xong người kể chuyền quy chiếu điểm nhìn sang ngôi nhứ nhất số nhiều “chúng tôi”, lúc này không phải câu chuyện được kể dưới điểm nhìn của một cá nhân mà cả tập thể, cộng đồng điều đó vừa thể hiện sự khách quan vừa thể hiện sự ảnh hưởng, tác động của Bê-li-côp, kiểu người sống trong bao với xã hội, đồng thời thấy được dù Bê-li-cốp đã chết những kiểu người trong bao vẫn còn tồn tại.

Kéo theo nhưng vấn đề đấy là giọng điệu, ở đây giọng điệu kể chậm rãi vừa giễu cợt, châm biếm, mỉa mai vừa u buồn… Qua hình tượng nhân vật người trong bao, Bê-li-cốp, tác giả phê phán sâu sắc lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỷ của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỷ XIX. Từ đó, nhà văn khẩn thiết thức tỉnh mọi người hảy thay đổi cách sống, lối sống kiểu “trong bao” nếu muốn có cuộc sống ý nghĩa.

Ngay nhan đề tác phẩm cũng là một tính hiệu thẩm mỹ. Xét về nghĩa đen bao là vật dùng để đựng đồ, bọc đồ, có tác dụng che đậy, bảo vệ, gói ghém… Nghĩa bóng là lối sống và tính cách của Bê-li-cốp luôn thu minh trong bao, một môi trường xã hội thối nát, cũ kỷ đã bao bọc làm thay đổi bản chất con người. Như vậy có một vấn đề đạt ra là nhân vật Bê-li-cốp, người trong bao, chủ thể bị “bỏ” vào “bao” hay tự mình “chui” vào “bao”, nghĩa là tự anh ta tạo cho mình một cuộc sống lập dị kiểu trong bao hay do hoàn cảnh, đẩy anh ta “vào trong bao”?

Bê-li-cốp hiện lên với chân dung biếm hoạ, có cái vẻ bề ngoài không giống ai: gương mặt nhợt nhạt, nhỏ bé, choắt như mặt chồn; quanh năm anh ta đi giày cao su, mặc áo bành tô, đeo kính râm, đội mũ, hai lỗ tai nhét bông, tay cầm dù,… Các vật dụng của anh ta đều được để trong bao.

Không những ngoại hình anh ta luôn được giấu trong bao mà mọi cái liên quan đến anh ta đều gói trong bao. Trong tác phẩm anh ta đã nói 5 lần câu “Nhỡ lại xãy ra chuyện gì thì sao”; khi nằm ngủ anh ta kéo chăn trùm kín mít; đến thăm đồng nghiệp thì chỉ ngồi im; cả ý nghĩ của mình Bê-li-cốp cũng giấu trong bao vì vậy cuộc sống của anh ta là một cuộc sống lập dị, nhút nhát, sợ đối hiện với hiện tại, chỉ thích sống theo những thông tư, chỉ thị, giáo điểu, rập khuôn, chỉ tôn sùng quá khứ, luôn thỏa mãn, hạnh phúc, hài lòng, mãn nguyện với cuộc sống của mình… Chi tiết cái bao được tác giả nhắc đi nhắc lại 12 lần như những điệp khúc nhấn mạnh chân dung Bê-li-cốp luôn cố thu mình trong bao từ ngoại hình, tính cách, lời nói, hành động, suy nghĩ…

Như vậy, nhân vật Bê-li-cốp là một hình tượng điển hình. Bê- ê- lin- xki cho rằng “Tính điển hình là một trong những dấu hiệu của tính mới mẻ trong sáng tạo, hay nói đúng hơn là bản thân sức sáng tạo. Nếu có thể thì cũng nói rằng tính điển hình là huy chương của nhà văn. Điển hình là người lạ đã quen biết”. Bê -li-cốp là một sáng tạo lớn của An-tôn Sê-khốp, hình tượng nhân vật này vừa hiện lên rõ nét là một nhân vật độc đáo, riêng biệt không lẫn với ai vừa là nhân vật đặc trưng, khái quát cho một kiểu người có lối sống “trong bao”, gấp sách lại người đọc vẫn thấy hiện lên một hình ảnh Bê-li-cốp bằng da, bằng thịt, có những tính cách, suy nghĩ, hành động lời nói kiểu “trong bao” và cũng thấy đâu đây hình ảnh nhân vật này trong cộng đồng người, đâu đó trong xã hội Nga đương thời và cả trong xã hội hiện đại ngày nay.

Bê-li-cốp, vừa là sản phẩm của chính cá nhân anh ta vừa là sản phẩm của xã hội. Ngoài những tính cách cá nhân như đã nói ở trên, Bê-li-cốp còn là con đẻ của xã hội Nga lúc bấy giờ. Chúng ta biết rằng cuối thế kỷ XIX xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế bảo thủ nặng nề. Chính môi trường ấy đã đẻ ra lắm thứ sản phẩm người kỳ quái.

Kết cục nhân vật Bê-li-cốp chết, nguyên nhân trực tiếp cũng do những suy nghĩ kiểu “trong bao”. Bê-li-cốp chết là kết thúc cuộc đời một cá nhân, quan tài đựng thi thể y chính là cái “bao” kính đáo nhất. Cái chết của Bê-li-cốp là hậu quả tất yếu của cách sống, kiểu sống đó. Chết là kết thúc cuộc đời, là sự chôn vùi một con người những liệu có chôn vùi được kiểu người “trong bao” không. Khi còn sống Bê-li-cốp đã làm cho mọi người sợ hãi, kể cả đồng nghiệp, thẩm chí là lãnh đạo của anh ta vì thế ai cũng ghét bỏ, nghĩa là anh ta là người mâu thuẩn với tất cả mọi người, là tượng trưng cho xấu xa, nên khi anh ta chết mọi người từ nghĩa địa trở về lòng cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Những xét cho cùng lối sống của anh ta có ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng, kiểu sống trong bao, kiểu sợ hãi, nhút nhat, rập khuôn đó đã lan ra cả cộng đồng vì vậy mọi người đều sợ anh ta, mỗi lần Bê-li-cốp dọa báo thanh tra, cấp trên…thì mọi người đều run sợ, nhân vật tôi từng tâm sự “Bọn giáo viên chúng tôi đều sợ hắn. Thậm chí cả hiệu trưởng cũng sợ hắn….cái thằng cha quanh năm đi dày cao su và mang ô ấy đã khóng chế cả trường học chúng tôi suốt mười lăm năm trời … Mà đâu phải chỉ có trường học! Cả thành phố nữa ấy!”. Chứng tỏ rằng Bê-li-cốp có ảnh hưởng, lây lan tới cộng đồng, tác động ngược trở lại đối với cộng động. Như vậy lối sống trong bao không chỉ có ở Bê-li-cốp mà có trong mọi người ở thành phố ấy, một con người với cách sống như vậy mà đã từng khống chế được cả một ngôi trường thậm chí cả thành phố trong hơn mười lăm năm thì cộng đồng đó, thanh phố đó hơn gì cách sống của Bê-li-cốp?

Cái bao còn mang hàm nghĩa về một kiếp người, một lối sống, một xã hội đen tối, tù túng, nặng nề mà không sao thoát được. “Người trong bao”, một hình tượng có tính ẩn dụ vô cùng độc đáo để phản ánh bộ phận trí thức bạc nhược, ươn hèn và qua đó lên án, đả kích chính cái đã sản sinh ra bộ phận trí thức bạc nhược, ươn hèn ấy: chế độ xã hội Nga hoàng cuối thế kỉ XIX.

Sau cái chết của thầy giáo Bê-li-cốp, môi trương, lối sống của xã hội đo có gì thay đổi, có gì tiến bộ, nhân vật tôi vẫn tâm sự “Chưa đầy một tuần sau cuộc sống lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị, một cuộc sống chẳng bị chỉ thị nào cấm đoán nhưng cũng chẳng tự do hoàn toàn, chẳng tốt đẹp gì hơn trước. Trên thực tế, Bê-li-cốp đã chầu âm phủ nhưng hiện còn bao nhiêu là người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu người như thế nữa!”, Vậy vấn đề ở đây là gì? Làm thế nào để thay đổi và thay đổi gì mới là bản chất. Rõ ràng vấn đề không phải là chống lại, tiêu diệt những “người trong bao” mà là phải thay đổi, xoá bỏ môi trường đã sản sinh ra những “người trong bao” ấy. Chừng nào cái chế độ tàn bạo, thối nát, bất công ấy còn tồn tại thì những sản phẩm và cũng là nạn nhân của nó vẫn không thể mất đi. Văn học thế giới cũng đã từng có nhiều hình tượng nhân vật sống theo kiểu chạy trốn thực tại, từ chối hiện tại ví như hình tượng nhân vật Oskar trong tác phẩm “Cái trống thiếc” của Gunter Grass. Phải chăng Bê-li-cốp với cách sống tron bao củng là một lựa chon?

M.Gorki đã từng nhận xét, đọc Sê-khốp, chúng ta thấy “phảng phất đâu đây nụ cười buồn buồn của một tâm hồn biết yêu thương”, “Tiếng thở dài khẽ sâu của một trái tim trong sạch”. Còn nhà văn Nguyễn Tuân khi đọc Người trong bao thì cho rằng: “Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích đến tuyệt đỉnh: hình thù tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày nay vẫn còn tác dụng lớn”. Phê phán những nhược điểm, tật xấu của Bê-li-cốp, cảm thương cho số phận của những con người sống trong môi trường ngột ngạt, thối nát xã hội Nga đương thời, đồng thời có dịp để soi lại chính mình nhằm vươn tới một cuộc sống lành mạnh, ý nghĩa hơn…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here