Tổng Quan Logistics

0
10862
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


Câu 11: Thế nào là logistics ngược? Có những lý do nào để cần phải áp dụng logistics ngược?

Khái niệm:

Logistics ngược là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát luồng nguyên vật liệu thô, tồn kho sản phẩm dở dang và thành phẩm từ điểm sản xuất, phân phối hoặc sử dụng tới điểm tái hoặc điểm tiêu huỷ phù hợp.

Lý do cần áp dụng Logistics ngược:

 

Sản phẩm thu hồi từ hoạt động sản xuất

Sản phẩm thu hồi từ hoạt động sản xuất là các sản phẩm được tái chế trong quá trình sản xuất, bao gồm: nguyên vật liệu thừa, thu hồi để quản lý chất lượng và thành phần thừa sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất.

Quảng Cáo

 

 

 

Sản phẩm thu hồi từ hoạt động phân phối

Sau khi hàng hoá được sản xuất từ nhà máy và chuyển sang khâu phân phối, một số sản phẩm quay trở về công đoạn sản xuất, bao gồm:

  • Sản phẩm thu hồi do các vấn đề về an toàn hoặc vấn đề về sức khoẻ
  • Thu hồi thương mại từ người mua giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp vì các điều khoản trong hợp đồng cho phép thu hồi sản phẩm bị hư hại trong quá trình giao hàng hoặc sản phẩm không bán được.
  • Điều chỉnh tại cửa hàng, bao gồm các sản phẩm quá đát.
  • Sản phẩm bị thu hồi để sử dụng hoặc nguyên liệu đã dùng ví dụ người chuyên chở sử dụng pallet để vận chuyển sản phẩm trong quá trình phân phối.

 

Sản phẩm thu hồi trong quá trình tiêu dùng

Khách hàng trả lại sản phẩm vì những lý do sau:

  • Cam kết bồi hoàn: khách hàng thay đổi suy nghĩ của họ về nhu cầu sản phẩm chưa được đáp ứng.
  • Thu hồi để bảo hành: thu hồi sản phẩm do các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng.
  • Thu hồi do hết vòng đời sử dụng (end-of-use): các sản phẩm như chai lọ không thể sử dụng lại nhưng có thể thu hồi lại.
  • Thu hồi do hết vòng đời sản phẩm (EOL – end-of-life): các sản phẩm ở cuối vòng đời vật chất hoặc vòng đời kinh tế.

Câu 12: Mô tả quy trình logistics ngược? Trình bày các mô hình logistics ngược?

Quy trình Logistics ngược: 

Quy trình bao gồm 4 khâu chính (1) thu hồi; (2) kiểm tra, chọn lựa và phân loại; (3) tái chế hoặc khôi phục; (4) tái phân phối.

 

  • Trong khâu tái sản xuất (Remanufacing), toàn bộ hoặc một phần sản phẩm được dùng để tạo ra một sản phẩm mới và có thể tái sử dụng. Một số hoạt động trong khâu này gồm vệ sinh, tháo rời, thay thế và tái lắp ráp.
  • Trong khâu sửa chữa (Repair), sản phẩm bị hư hỏng được phục hồi một số khía cạnh trong chu kỳ vòng đời của chúng, ví dụ như giảm chất lương.
  • Tân trang (Refurbishing) đề cập tới việc nâng cấp sản phẩm.
  • Trong khâu tiêu huỷ (Incineration), sản phẩm được đốt và năng lượng toả ra được thu lại.
  • Trong khâu thải hồi (Disposal), các sản phẩm không thể sử dụng được nữa vì các lý do kinh tế hay kĩ thuật bị vứt bỏ.
  • Trong khâu khôi phục (Recovery), nguyên vật liệu đã qua sử dụng được thu lại, sửa chữa và chế tạo lại. Đây là khâu làm tăng giá trị.
  • Trong khâu tái phân phối (Redistribution), sản phẩm được phân phối tới nhiều thị trường khác nhau. Khâu này bao gồm lưu kho, bán hàng, vận chuyển.

đề cương logistics

Các mô hình Logistics ngược:

đề cương logistics

Mô hình Closed-loop thể hiện quy trình trong đó nguyên vật liệu và sản phẩm đã qua sử dụng được nhà sản xuất thu hồi và tái chế, đồng thời cũng chính nhà sản xuất chịu trách nhiệm về các hoạt động logistics tại đầu chuỗi cung ứng (forward logistics).

Trong mô hình Open-loop, nhà sản xuất có thể sẽ quyết định thuê ngoài hoạt động thu hồi từ một nhà cung cấp dịch vụ 3PL chuyên về một nhóm sản phẩm cụ thể. Nhà cung cấp này sẽ đảm nhận chức năng logistics ngược bao gồm bảo dưỡng, sửa chữa và thu hồi sản phẩm trên danh nghĩa của nhà sản xuất.

Mô hình vận hành độc lập: Chức năng logistics ngược hoàn toàn nằm ngoài chuỗi cung ứng của nhà sản xuất thiết bị ban đầu (Original Equipment Manufacturers – OEMs). Những người vận hành độc lập này hầu hêt là những nhà buôn chất thải và đồng nát truyền thống hoặc các doanh nghiệp dịch vụ.

 

Câu 13: Trình bày khái niệm trung tâm dịch vụ logistics và vai trò của nó? Phân loại trung tâm dịch vụ logistics?

Khái niệm:

Trung tâm dịch vụ Logistics là một khu vực bao gồm mọi hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hoá nội địa cũng như quốc tế, thực hiện bởi nhiều nhà khai thác khác nhau. Các nhà khai thác này có thể là người chủ sở hữu hoặc người thuê sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm dịch vụ Logistics như kho bãi, trung tâm phân phối, khu vực lưu trữ hàng, văn phòng hay khu dịch vụ vận tải bộ. Trung tâm dịch vụ Logistics được trang bị các thiết bị phù hợp phục vụ cho các hoạt động và dịch vụ của trung tâm, kết nối được với các phương thức vận tải khác nhau như đường ôtô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không.

Vai trò

Vai trò cơ bản của trung tâm dịch vụ Logistics là giảm thời gian chu chuyển của hàng hoá trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics cũng như hoàn thiện chất lượng dịch vụ Logistics.

Phân loại

Căn cứ vào phạm vi quy mô và vai trò

  • Trung tâm dịch vụ logistics cấp toàn cầu.
  • Trung tâm dịch vụ logistics cấp khu vực.
  • Trung tâm dịch vụ logistics cấp quốc gia.
  • Trung tâm dịch vụ logistics cấp địa phương.
  • Trung tâm dịch vụ logistics doanh nghiệp.

Căn cứ vào vị trí địa lý

  • Trung tâm dịch vụ logistics hàng hải.
  • Trung tâm dịch vụ logistics hàng không.
  • Trung tâm dịch vụ logistics cạn.

 

Căn cứ về chức năng và mục đích hoạt động

  • Trung tâm dịch vụ logistics cung cấp dịch vụ trung tâm dịch vu logistics cho hoạt động kinh tế-thương mại toàn cầu, kinh tế-thương mại châu lục, kinh tế-thương mại một khu vực kinh tế gồm nhiều nước có cùng vị trị địa lý-kinh tế, kinh tế-thương mại của một quốc gia, kinh tế-thương mại của một vài hoặc một tỉnh, thành phố.
  • Trung tâm dịch vụ logistics phục vụ cho một hay một số chủ thể kinh tế nhất định như trung tâm dịch vụ logistics chỉ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho riêng một hoặc một vài tập đoàn kinh tế lớn, một hay nhóm các doanh nghiệp lớn.
  • Trung tâm dịch vụ logistics phục vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics như 3PL, 4PL, 5PL. Các trung tâm dịch vụ logisitics dạng này là nơi các nhà cung cấp dịch vụ logistics LSP cung cấp các dạng dịch vụ 3PL, 4PL và 5PL cho khách hàng sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài của họ.

Căn cứ vào loại hàng hoá phục vụ hoặc loại dịch vụ cung cấp

  • ­­ Trung tâm dịch vụ logistics tổng hợp
  • Trung tâm dịch vụ logistics nhóm ngành, nhóm dịch vụ
  • Trung tâm dịch vụ logistics chuyên dụng

Căn cứ theo tính chất sở hữu

  • Trung tâm dịch vụ logistics công
  • Trung tâm dịch vụ logistics tư
  • Trung tâm dịch vụ logistics công-tư

Câu 14: Trình bày các chức năng của trung tâm logistics?

Nhóm chức năng phục vụ hàng hoá:

Đối tượng phục vụ chính của trung tâm dịch vụ logistics là hàng hoá với đa dạng các chức năng và dịch vụ bao gồm: xếp/dỡ, lưu kho bãi, bảo quản, đóng gói, dán nhãn, phân loại hàng, làm sạch, giám định và kiểm tra chất lượng hàng, các dịch vụ giá trị gia tăng…

  • Lưu kho (Storage)

Đây là chức năng truyền thống tại các kho bãi. Có nhiều lý do khác nhau cần phải lưu kho bãi tuỳ theo các hình thức dự trữ khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, các trung tâm dịch vụ logistics thường được thiết kế để tối thiểu hoá và thậm trí loại trừ việc lưu kho.

  • Làm hàng (Materials handling)

Trung tâm dịch vụ được trang bị các thiết bị làm hàng hiện đại phục vụ cho hoạt động xếp dỡ hàng hoá tại trung tâm. Công tác quản trị làm hàng cũng cần thực hiện hiệu quả nhằm giảm tối thiểu các thao tác, hoạt động làm hàng, sử dụng hiệu quả cả không gian và thời gian.

  • Logistics giá trị gia tăng (Value Added Logistics –VAL)

Hoạt động high-end VAL: là các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao cho hàng hoá ở điểm đầu chuỗi cung ứng như trộn hàng hạt hay pha hàng lỏng, phun khử trùng, lắp ráp hoàn thiện, hướng dẫn/đào tạo, sửa chữa…

Hoạt động low-end VAL: là các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hoá ở cuối chuỗi cung ứng như dán nhãn, kí mã hiệu sản phẩm theo quốc gia hay khách hàng đặc biệt, thực hiện các thao tác phụ hay lắp thêm linh phụ kiện, sắp xếp lại hàng hoá hay chia nhỏ hàng…

Hoạt động tạo ra giá trị gia tăng của hệ thống quản lý (back office): bao gồm quản lý luồng lưu chuyển hàng hoá và thông tin, bảo hiểm, thủ tục hải quan,… Các hoạt động này còn được gọi là các dịch vụ giá trị gia tăng (Value Added Services – VAS).

  • Kết nối cuối cùng (Postponement)

Kết nối cuối cùng là chức năng lưu giữ hàng hoá đến thời điểm muộn nhất có thể – thời điểm hàng hoá phải giao ra thị trường hay phải giao cho khách hàng. Chức năng này rất phổ biến đối với hoạt động logistics quốc tế nhằm lưu giữ hàng hoá trong một khoảng thời gian nhất định dưới dạng nhất định, tại một nơi nào đó, tới một điểm nào đó để có lợi nhất cho khách hàng, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho toàn bộ lượng chu chuyển logistics.

  • Logistics ngược

Đây là chức năng logistics giá trị gia tăng mà nhà sản xuất yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ logistics thực hiện thu hồi các sản phẩm lỗi, các linh kiện phụ tùng lỗi. Các sản phẩm và linh kiện phụ tùng này sẽ được lưu kho bảo quản tại các trung tâm dịch vụ logistics để tiến hàng các hoạt động thu gom hay sửa chữa phục hồi cần thiết theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Nhóm chức năng vận tải phân phối

  • Gom hàng (Consolidation)

Các lô hàng nhỏ được gom thành các lô hàng lớn phục vụ cho việc vận chuyển. Việc gom hàng có thể được nhà cung cấp dịch vụ, trung tâm cung cấp dịch vụ logistics hoặc bên thứ ba thực hiện. Ưu điểm nổi bật của gom hàng là tiết kiệm chi phí vận tải.

  • Tách hàng (Break bulk)

Đây là hoạt động ngược lại việc gom hàng. Đây là hoạt động chia lô hàng lớn thành các lô hàng nhỏ hơn.

  • Cross-docking

Hàng hoá được vận chuyển đến trung tâm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, sau đó được kết hợp lại để vận chuyển cho các khách hàng khác nhau mà không lưu kho tại trung tâm dịch vụ logistics. Cross-docking gắn liền với hoạt động phân loại, phân chia hay trộn lẫn. Trong trường hợp này, trung tâm dịch vụ logistics vừa đóng vai trò là điểm lưu kho hàng mà còn là điểm chuyển giao hàng.

  • Chuyển tải (Transshipment)

Trung tâm dịch vụ logistics cung cấp dịch vụ chuyển giao hàng hoá từ phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác. Dịch vụ này mang lại hiệu quả cao cho nhà vận tải, nhà phân phối, nâng cao hiệu quả hoạt động lưu kho, phân phối hàng tồn kho, hàng dự trữ với mức chi phí tối thiểu cho đến thời điểm mang lại hiệu quả cao nhất cho khách hàng.

Nhóm chức năng hỗ trợ

Trung tâm dịch vụ logistics còn là nơi thực hiện các thủ tục hải quan, thông quan, kiểm tra kiểm soát hàng hoá… cũng như các chức năng quản lý nhà nước khác theo quy định đối với hoạt động logistics nội địa và hoạt động logistics quốc tế. Trung tâm dịch vụ logistics còn có thể đóng vai trò là depot cho các phương tiện vận tải, người điều khiển và quản lý phương tiện vận tải. Trung tâm dịch vụ logistics cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Trung tâm dịch vụ logistics còn có thể cung cấp dịch vụ cho hoạt động bán lẻ các sản phẩm hoàn thiện cũng như các linh phụ kiện cho khách hàng cuối cùng.

Câu 15: Thế nào là quy trình logistics? Trình bày vai trò của quy trình logistics trong doanh nghiệp?

Quy trình logistics:

Quy trình logistics phối hợp các hoạt động, các thực thể tham gia trong quá trình sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý, gia tăng lợi ích cho khách hàng về thời gian, chi phí và chất lượng.

Vai trò của quy trình logistics trong doanh nghiệp

Quy trình logistics bao trùm mọi chức năng trong doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan tới quy trình logistics đang được chú ý do cách nhìn vượt qua khỏi chức năng của logistics ngày càng phổ biến. Một số khâu trong quy trình hoạt động có thể hi sinh hiệu quả của chúng để đạt được hiệu quả tốt hơn cho toàn bộ quy trình hoạt động. Hệ quả là, logistics không chỉ được xem xét chéo giữa các chức năng trong nội bộ doanh nghiệp mà còn được xem xét chéo trong phạm vi rộng hơn giữa các công ty, từ đó làm xuất hiện triển vọng về chuỗi cung ứng.

Câu 16: Có các loại quyết định logistics nào? Những công cụ nào có thể được sử dụng để hỗ trợ ra quyết định logistics chiến lược?

Các loại quyết định logistics:

  • Quyết định chiến lược (Strategic Decisions)

Quyết định chiến lược là các quyết định dài hạn (thường là nhiều năm) về các mục tiêu kinh doanh và các nhiệm vụ cũng như các chiến lược dịch vụ khách hàng và chiến lược marketing. Các quyết định này liên quan tới việc thiết kế hệ thống logistics và đạt được các nguồn lực như địa điểm đặt cơ sở vật chất, xác định quy mô công suất, bố trí nhà máy và nhà kho, xác định quy mô đội xe.

  • Quyết định chiến thuật (Tactical Decisions)

Quyết định chiến thuật là các quyết định trung hạn (ví dụ, ra quyết định hàng tháng hoặc hàng quý) liên quan tới việc lập kế hoạch sản xuất, lập kế hoạch vận tải, phân phối cũng như định vị các nguồn lực (vị trí lưu kho, các chiến lược gom đơn hàng, lựa chon phương thức vận tải, chiến lược gom hàng). Quyết định chiến thuật thường được dựa trên dữ liệu dự báo riêng lẻ (ví dụ dữ liệu về từng nhóm sản phẩm) do các quản lý cấp trung hoặc các kỹ sư logistics đưa ra.

  • Quyết định vận hành (Operational Decisions)

Các quyết định vận hành thường được xây dựng dựa trên thời gian thực – hàng ngày hoặc hàng tuần, do đó phạm vi của các quyết định này hẹp hơn. Các quyết định như việc xếp hàng lên phương tiện hoặc gửi hàng, chất hàng lên tàu, thủ tục kho hàng chỉ là một số trong rất nhiều quyết định vận hành. Các kiểu quyết định này dựa trên rất nhiều dữ liệu cụ thể và thường do người giám sát đưa ra.

Công cụ được sử dụng để hỗ trợ ra quyết định logistics chiến lược

  • Benchmarking

Trong khoa học quản lý, benchmarking là so sánh hiệu quả hoạt động của hệ thống logistics với một chuẩn mực thực tiễn tốt nhất (ví dụ, một doanh nghiệp logistics thành công). Cách áp dụng khác của benchmarking như đã đề cập ở trên là kiểm toán hiệu quả hoạt động của đối thủ cạnh tranh trong thị trường và tìm ra khoảng trống trong việc phục vụ khách hàng.

  • Tối ưu hoá (Optimization)

Giống như nhiều bài toán ra quyết định khác, hầu hết các bài toán chiến lược logisitics (lập kế hoạch sản xuất, quyết định về địa điểm, định tuyến đường và lập lịch trình cho phương tiện…) được tính toán như một bài toán học. Các thuật toán này tìm kiếm các tập hợp lời giải hay nhưng không nhất thiết là lời giải tốt nhất.

  • Phương pháp gần đúng liên hoàn (Continuous approximation method)

Phương pháp này được sử dụng khi số lượng khách hàng lớn và nhu cầu được xem như một hàm không gian liên tục. Phương pháp gần đúng thường đưa ra những lời giải dạng đóng (closed-form solutions) và được sử dụng như một phương pháp nghiệm suy đơn giản.

  • Phương pháp mô phỏng (Stimulation)

Mô phỏng đánh giá hành động của hệ thống hoặc một cách tổ chức cụ thể hoặc một chính sách trong những điều kiện khác nhau. Những điều kiện này được lần lượt thiết lập cho từng mô phỏng được thực hiện và kết quả cho thấy phản ứng có thể có của hệ thống trong các hoàn cảnh đó. Mô hình mô phỏng dễ dàng kết hợp lượng thông tin lớn, rất thuận tiện cho việc ra quyết định chiến lược do các nhà quản lý có thể đánh giá các chiến lược trước khi bỏ vốn đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và thiết lập hệ thống logistics.

 

  • Dự báo (Forcasting)

Dự báo là sự cố gắng xác định trước đầu ra có thể có của một tham biến. Các yêu cầu logistics được dự báo trước gồm có nhu cầu khách hàng, giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công và lead times.

Có ba loại hình dự báo: dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Dự báo nhu cầu trung hạn và dài hạn rất hiếm khi do các nhà logistics thực hiện mà thường được giao cho các nhà quản lý thị trường, những người muốn tác động tới nhu cầu. Tuy nhiên, các nhà logistics sẽ thực hiện các dự báo nhu cầu trong ngắn hạn, do trong đa số các trường hợp, khách hàng được chia theo vùng địa lý nên việc dự báo nhu cầu tại địa điểm và tại thời điểm nhu cầu xuất hiện sẽ hiệu quả hơn.

Các phương pháp dự báo được chia thành hai phương pháp: định lượng và định tính. Phương pháp định tính bao gồm khảo sát, nghiên cứu thị trường, phương pháp Delphi và đánh giá đội ngũ bán hàng. Phương pháp định lượng là các phương pháp ngẫu nhiên (hồi quy, mô hình toán kinh tế, mô hình đầu ra-đầu vào, phân tích chu kì vòng đời, mô hình mô phỏng máy tính và các mạng lưới trung lập) dựa trên dữ liệu hiện tại và quá khứ và ngoại suy chuỗi thời gian (các kỹ thuật cơ bản, trung bình động, kỹ thuật cân bằng số mũ, phương pháp phân tách và phương pháp Box-Jenkins). Việc lựa chon phương pháp tuỳ thuộc vào loại thông tin hiện có.

Câu 17: Thế nào là chi phí logistics? Trình bày các bộ phận và yếu tố chi phí logistics? Trình bày tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ROI?

Định nghĩa:

Chi phí logistics là tổng chi phí vận hàng của một đơn vị logistics, một trung tâm kinh doanh logistics, mạng lưới logistics của doanh nghiệp hoặc một nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Bộ phận chi phí logistics

Chi phí logistics là tổng chi phí logistics riêng, chi phí logistics bổ sung và chi phí logistics quản lý.

  • Chi phí logistics riêng là mọi chi phí của đơn vị hoạt động logistics, trung tâm kinh doanh logistics hoặc doanh nghiệp logistics, phát sinh từ việc thực hiện các nhiệm vụ logistics thực tế như vận tải, xếp dỡ, tồn trữ và chi phí hoa hồng.
  • Chi phí logistics bổ sung phát sinh từ các nhiệm vụ bổ sung có liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ logistics thực tế, như đóng gói, dán nhãn, xếp dỡ hoặc kiểm tra chất lượng.
  • Chi phí quản lý logistics là các chi phí liên quan tới các dịch vụ quản lý như lập kế hoạch, quản trị và kiểm soát chất lượng, gắn liền với việc thực hiện hoạt động logistics và các dịch vụ bổ sung.

Chi phí cho các nhiệm vụ không phải logistics như nghiên cứu và phát triển, xây dựng, sản xuất, lắp ráp, marketing, bán hàng và quản lý chính không thuộc các thành phần chi phí logistics. Tương tự, chi phí mua hàng, bộ phận, nguyên vật liệu, trang thiết bị không phải là chi phí logistics chừng nào mà chúng không phát sinh trực tiếp từ việc thực hiện các nhiệm vụ logistics và các dịch vụ liên quan. Ví dụ chi phí đóng gói nguyên vật liệu, pallets, thùng nhựa và thiết bị chứa hàng khác là các chi phí nguyên vật liệu của hoạt động logistics.

Các yếu tố chi phí logistics

Các yếu tố chi phí logistics dưới đây cần được định khoản riêng rẽ:

  • Chi phí nhân sự: lương cho công nhân, nhân viên với các trách nhiệm logistics, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, kỳ nghỉ, nghỉ ốm, vắng mặt,…
  • Chi phí mặt bằng và không gian: giảm giá hoặc lãi suất cho tài sản sở hữu các toà nhà, phí thuê tài sản cho các toà nhà, hội trường và khu vực bên ngoài, bao gồm chi phí liên quan như sưởi ấm, bảo dưỡng và giám sát.
  • Chi phí mạng lưới và tuyến đường: giảm giá hoặc lãi suất cho chi phí sở hữu hoặc thuê các tuyến đường bên ngoài, đường cao tốc, đường sắt và các địa điểm trung chuyển bên ngoài.
  • Chi phí thiết bị logistics: Chi phí do giảm giá hoặc lãi suất và vận hành cũng như chi phí thuê các thiết bị logistics bên ngoài như máng (rack), xe nâng, phương tiện vận tải, cần cẩu giàn, băng chuyền và thiết bị xếp dỡ, hệ thống kiểm soát và máy tính xử lý, bao gồm cả chi phí về năng lượng vận hành thiết bị, chi phí vệ sinh, sửa chữa và bảo dưỡng.
  • Chi phí thiết bị chứa hàng (load carrier cost): giảm giá hoặc lãi suất cho chi phí sở hữu hoặc thuê người chuyên chở bên ngoài như pallets, thùng nhựa, thùng gỗ, máng và container, bao gồm các chi phí vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý công cụ rỗng.
  • Chi phí nguyên vật liệu logistics: Các khoản chi tiêu cho nguyên vật liệu bao gói, đóng gói cho vận chuyển, niêm phong lô hàng, dán nhãn và các nguyên vật liệu khác cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ hoặc dịch vụ logistics.
  • Chi Phí IT logistics: chi phí do giảm giá, lãi suất hoặc vận hành hệ thống IT và chi phí cho hệ thống IT bên ngoài sử dụng cho mục đích logistics.
  • Chi phí cho dịch vụ logistics bên thứ ba: cước vận tải, phí thuê và các khoản chi phí khác cho nhà cung cấp dịch vụ logistics.
  • Thuế, phí và lệ phí bảo hiểm: được tích luỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và dịch vụ logistics liên quan tới các mục đích logistics.
  • Chi phí lập kế hoạch và dự án: Giảm giá hoặc lãi suất của các khoản chi tiêu chủ động để lập kế hoạch, quản lý dự án và thực hiện được tích luỹ tới khi bắt đầu sử dụng hệ thống logistics.
  • Chi phí trữ hàng tồn kho: Lãi suất và chi phí về chỗ để và di chuyển hàng tồn kho trong kho trữ hàng, về các địa điểm tồn trữ đệm và trong quá trình vận chuyển.

Trong một số doanh nghiệp, chi phí trữ hàng tồn kho chỉ bao gồm lãi suất phát sinh từ nguồn vốn hàng tồn kho. Các chi phí do lỗi thời cũng như chi phí hư hỏng do không bán được hàng, chi phí do giảm giá trị hoặc giảm lượng tồn kho thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, chi phí hư hỏng hàng thời trang, hàng mau hỏng, hàng giá trị cao hoặc hàng điện tử tồn kho có thể cao hơn lãi suất.

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ROI

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư – ROI (Return on investment) là tỷ số lợi nhuận ròng và vốn được dùng để tạo ra lợi nhuận đó, do vậy:

đề cương logistics

Câu 18: Nêu khái niệm về chuỗi cung ứng? Lấy ví dụ minh họa?

Hội đồng chuỗi cung ứng (1997) sử dụng khái niệm

Chuỗi cung ứng – thuật ngữ ngày càng được nhiều chuyên gia logistics sử dụng – bao gồm mọi nỗ lực liên quan tới việc sản xuất và giao sản phẩm cuối cùng, từ người cung cấp của người cung cấp tới khách hàng của khách hàng. Bốn quá trình cơ bản – lập kế hoạch, tìm nguồn cung cấp, sản xuất giao hàng – cho thấy những nỗ lực này bao gồm quản lý cung và cầu, tạo nguồn nguyên vật liệu thô và các bộ phận chi tiết, sản xuất và lắp ráp khai thác kho hàng và theo dõi tồn kho, tiếp nhận và quản lý đơn hàng, phân phối qua tất cả các kênh phân phối, và giao hàng tới khách hàng.

Nhóm tác giả Monczka đã đưa ra định nghĩa tổng quát về chuỗi cung ứng như sau

Chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động liên quan tới luồng lưu chuyển và biến đổi hàng hoá từ khâu khai thác nguyên vật liệu thô tới người tiêu dùng cuối cùng, và các luồng thông tin liên quan khác. Luồng nguôn vật liệu và thông tin lưu chuyển ngược và xuôi dọc theo chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng bao gồm quản trị hệ thống, các quy trình hoạt động và lắp ráp, mua hàng, lập kế hoạch sản xuất, xử lý đơn hàng, quản trị tồn kho, vận tải, khai thác kho hàng và dịch vụ khách hàng. Các chuỗi cung ứng là một chuỗi liên kết các nhà cung cấp và các khách hàng, mỗi khách hàng là một nhà cung cấp của tổ chức tiếp theo ở cuối chuỗi tới khi thành phẩm đến được tay người tiêu dùng cuối cùng.

Ví dụ minh hoạ: (mang tính chất tham khảo, các bạn tự liên hệ thêm)

đề cương logistics

Câu 19: Trình bày các bên tham gia và các thành phần cơ bản của chuỗi cung ứng?

Các bên tham gia chuỗi cung ứng

  • Nhà sản xuất

Nhà sản xuất (Producers/ Manufacturers) là các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, bao gồm nhà sản xuất nguyên vật liệu thô và các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm hoàn thiện. Nhà sản xuất nguyên vật liệu thô là các tổ chức khai thác khoáng sản, khoan dầu hoặc khí ga, đốn gỗ. Các tổ chức trồng trọt, chăn nuôi động vật hoặc đánh bắt thuỷ hải sản cũng thuộc nhóm này. Nhà sản xuất sản phẩm hoàn thiện sử dụng nguyên vật liệu thô và các bộ phận lắp ráp của những nhà sản xuất khác để tạo ra sản phẩm của mình.

  • Nhà phân phối.

Nhà phân phối (Distributors) là những doanh nghiệp sở hữu một lượng lớn hàng tồn kho từ các nhà sản xuất và giao các kiện hàng gồm nhiều dòng sản phẩm đến khách hàng. Các nhà phân phối cũng được xem như những nhà bán sỉ (wholesalers). Họ đơn thuần bán hàng cho các cơ sở kinh doanh khác với số lượng sản phẩm lớn hơn số lượng mà một khách hàng lẻ thường mua.

Nhà phân phối là một tổ chức sở hữu lượng tồn kho sản phẩm lớn mà họ mua từ nhà sản xuất và bán cho khách hàng. Ngoài việc chiêu thị sản phẩm và bán hàng, nhà phân phối còn thực hiện các chức năng khác như quản lý tồn kho, khai thác kho hàng, và vận chuyển sản phẩm cũng như dịch vụ hỗ trợ khách hàng, dịch vụ trước khi bán hàng (post-sales service).

  • Nhà bán lẻ

Các nhà bán lẻ (retailers) lưu trữ hàng tồn kho và bán những lượng hàng nhỏ hơn cho toàn thể công chúng. Tổ chức này cũng theo dõi chặt chẽ sở thích và nhu cầu của khách hàng mà mình phục vụ. Tổ chức này quảng bá sản phẩm tới khách hàng và thường sử dụng các kết hợp về giá, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ và các tiện ích để thu hút khách hàng sử dụng mức giá và lựa chọn sản phẩm đó.

  • Khách hàng

Khách hàng (Customers) hay người tiêu dùng (Consumers) là mọi tổ chức, cá nhân mua và sử dụng sản phẩm. Khách hàng có thể mua một sản phẩm để kết hợp với các sản phẩm khác và họ lại bán cho khách hàng khác. Hoặc khách hàng có thể là người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng (end-users), mua sản phẩm và tiêu dùng sản phẩm đó.

  • Nhà cung cấp dịch vụ

Nhà cung cấp dịch vụ là các tổ chức cung cấp dịch vụ cho nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ và khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ phát triển đội ngũ các chuyên gia và những kỹ năng tập trung vào một hoạt động cụ thể mà chuỗi cung ứng cần. Nhờ đó, họ có thể thực hiện các dịch vụ này hiệu quả hơn với mức giá tốt hơn nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ hay khách hàng tự thực hiện.

Các thành phần cơ bản trong chuỗi cung ứng

(Nếu muốn điểm cao hơn, các bạn tự trả lời một số câu dưới đây)

  • Sản xuất

Thị trường cần loại sản phẩm nào? Số lượng sản phẩm và khi nào nên sản xuất? Hoạt động sản xuất bao gồm việc lập kế hoạch sản xuất tổng thể, xem xét tới công suất của nhà máy, cân bằng khối lượng công việc, quản lý chất lượng và bảo dưỡng trang thiết bị.

  • Vận chuyển

Hàng tồn kho nên được vận chuyển từ chuỗi cung ứng này sang chuỗi cung ứng khác bằng phương thức nào?

  • Tồn kho

Tại mỗi khâu trong chuỗi cung ứng nên tồn kho hàng loại nào? Nên tồn kho bao nhiêu nguyên vật liệu thô, bán thành phẩm hoặc thành phẩm?

  • Định vị

Trang thiết bị sản xuất và tồn trữ nên được đặt ở đâu? Địa điểm hiệu quả nhất về mặt chi phí cho sản xuất và tồn trữ hàng hoá là gì? Nên xây dựng cơ sở vật chất mới hay sử dụng các trang thiết bị hiện có? Khi các quyết định này được đưa ra, chúng sẽ quyết định con đường lưu chuyển sản phẩm đến khách hàng.

  • Thông tin

Bao nhiêu dữ liệu nên được thu thập và chia sẻ? Thông tin kịp thời và chính xác hứa hẹn việc hợp tác tốt hơn và các quyết định chính xác hơn. Có thông tin tốt, chúng ta có thể đưa ra các quyết định hiệu quả về sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, tồn kho ở đâu, và vận chuyển thế nào hiệu quả nhất.

Câu 20: Trình bày các liên kết trong chuỗi cung ứng và lấy ví dụ minh họa phù hợp?

Các liên kết trong chuỗi cung ứng:

Liên kết dọc được hiểu là việc các doanh nghiệp cố gắng sở hữu nhiều bộ phận trong chuỗi cung ứng để tạo dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mục tiêu của liên kết dọc là tối đa hoá hiệu quả dựa vào tính kinh tế nhờ quy mô.

Xu hướng hiện nay là các doanh nghiệp xây dựng “liên kết ảo” thay vì liên kết dọc. Các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác khác để cùng thực hiện hoạt động cần thiết trong chuỗi cung ứng. Điều quan trọng hơn hết chính là bằng cách nào để một doanh nghiệp xác định năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình và xác định vị thế của doanh nghiệp, trong chuỗi cung ứng, trên thị trường mà doanh nghiệp phục vụ.

Ví dụ minh hoạ:

đề cương logistics Tổng Quan Logistics

 

Câu 21: Chuỗi cung ứng tinh giản? Chuỗi cung ứng nhanh nhạy?

Chuỗi cung ứng tinh giản:

Định nghĩa chuỗi cung ứng tinh giản

Nhóm tác giả Vomderembse (2006) đưa ra định nghĩa: Chuỗi cung ứng tinh giản là chuỗi cung ứng áp dụng các hoạt động cải tiến liên tục tập trung vào việc loại bỏ lãng phí hoặc các hoạt động không tạo ra giá trị dọc chuỗi cung ứng.

Các nguyên tắc của tinh giản

  • Xác định giá trị.
  • Tối ưu hoá dòng giá trị.
  • Tích hợp các quy trình rời rạc tạo thành luồng lưu chuyển.
  • Kích hoạt mô hình kéo
  • Hoàn hảo hoá mọi sản phẩm, quy trình và dịch vụ.

Đặc điểm của chuỗi cung ứng tinh giản

  • Loại bỏ lãng phí
  • Luồng hoạt động trôi chảy.
  • Mức độ hiệu quả cao.
  • Đảm bảo chất lượng.

Chuỗi cung ứng nhanh nhạy

Định nghĩa chuỗi cung ứng nhanh nhạy

Chuỗi cung ứng nhanh nhạy là hệ thống tích hợp các đối tác kinh doanh tạo nên năng lực cạnh tranh mới nhằm ứng phó trước các thị trường dễ bị tổn thương và hay biến động. Mục tiêu của chuỗi cung ứng nhanh nhạy là khả năng hiểu và đáp ứng nhanh chóng trước những biến động của thị trường.

Đặc điểm của chuỗi cung ứng nhanh nhạy

đề cương logistics

Trước hết, chuỗi cung ứng nhanh nhạy phải nhạy cảm với thị trường. Nhạy cảm với thị trường có nghĩa là chuỗi cung ứng có khả năng hiểu và đáp ứng nhanh nhu cầu thực tế. Việc sử dụng công nghệ thông tin để chia sẻ dữ liệu giữa người mua và người cung cấp đã tạo ra chuỗi cung ứng ảo. Chuỗi cung ứng ảo hoạt động dựa trên thông tin thay vì dựa trên hàng tồn kho.

Để tăng cường việc chia sẻ thông tin giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng cần có tích hợp quy trình; có nghĩa là cùng hợp tác làm việc giữa người mua và nhà cung cấp, cùng phát triển sản phẩm, các hệ thống chung và thông tin chia sẻ. Ý tưởng về chuỗi cung ứng như liên minh giữa các đôi tác được liên kết với nhau tạo thành mang lưới, tạo nên thành phần thứ tư của tính nhanh nhạy.

Câu 22: Thế nào là quản trị chuỗi cung ứng? Trình bày các nguyên tắc của quản trị chuỗi cung ứng?

 

Quản trị chuỗi cung ứng (QTCCƯ):

  • QTCCƯ là lý luận về quản lý

Quản trị chuỗi cung ứng là việc kết hợp một cách hệ thống và sách lược giữa các chức năng kinh doanh đó trong phạm vi một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhằm mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động dài hạn của từng doanh nghiệp và toàn bộ chuỗi cung ứng. (Mentzer et. al, 2011)

  • QTCCƯ là tập hợp các hoạt động để áp dụng lý luận về quản lý

Quản trị chuỗi cung ứng là việc thiết kế và quản lý các quá trình xuyên suốt, tạo giá trị cho các tổ chức để đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng cuối cùng. Sự phát triển và tích hợp nguồn lực con người và công nghệ là điểm then chốt để tích hợp chuỗi cung ứng thành công. (The Institute for the supply managerment 2000)

Quản trị chuỗi cung ứng là việc quản lý cung và cầu, xác định nguồn nguyên vật liệu và bộ phận sản xuất và lắp ráp, kiểm tra kho hàng và tồn kho, tiếp nhận đơn hàng và quản lý đơn hàng, phân phối qua các kênh và phân phối đến khách hàng cuối cùng. (Courtesy Of Supply Chain Council, Inc)

  • QTCCƯ là tập hợp các quy trình quản lý

Quản trị chuỗi cung ứng là sự tích hợp các quy trình kinh doanh từ người sử dụng cuối cùng tới các nhà cung cấp đầu tiên cung cấp sản phẩm, dịch vụ và thông tin làm tăng giá trị cho khách hàng. (The International Center for Competitive Exellence 1994)

Các nguyên tắc quản trị chuỗi cung ứng

Nguyên tắc 1: Phân khúc khách hàng theo nhu cầu dịch vụ của từng nhóm và sử dụng chuỗi cung ứng để phục vụ các phân khúc khách hàng này một cách hiệu quả.

Nguyên tắc 2: Tuỳ biến mạng lưới logistics theo các yêu cầu về dịch vụ và khả năng sinh lời của các phân khúc khách hàng.

Nguyên tắc 3: Lắng nghe tín hiệu thị trường và lên kế hoạch nhu cầu tương ứng xuyên suốt chuỗi cung ứng, đảm bảo các dự báo nhất quán và phân bổ nguồn lực tối ưu.

Nguyên tắc 4: Khác biệt hoá sản phẩm gần hơn với khách hàng và đẩy nhanh giao dịch xuyên suốt chuỗi cung ứng

Nguyên tắc 5: Quản lý các nguồn cung một cách chiến lược để giảm tổng chi phí nguyên vật liệu và dịch vụ.

Nguyên tắc 6: Phát triển chiến lược ứng dụng công nghệ trên toàn chuỗi cung ứng hỗ trợ việc ra quyết định ở nhiều cấp độ và mang lại cái nhìn rõ hơn về luồng lưu chuyển sản phẩm, dịch vụ và thông tin.

Nguyên tắc 7: Áp dụng các chỉ tiêu đánh giá hoạt động trên toàn kênh phân phối để đánh giá thành công chung trong việc cung ứng tới khách hàng một cách hiệu quả và hiệu năng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here