Luật dân sự và Tố tụng dân sự

0
3594
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


Câu 11. Hãy phân tích về quyền định đoạt tài sản trong dân sự?

  • Là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.
  • Chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt ở 2 góc độ:
  • Định đoạt về số phận thực tế của các vật như: tiêu dùng hết, hủy bỏ hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với vật.
  • Định đoạt về số phận pháp lý của vật là việc chuyển giao quyền sở hữu đối với vật từ người này sang người khác. Thông thường việc này phải thông qua các giao dịch phù hợp với ý chí của chủ sở hữu như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế… ; chuyển quyền chiếm hữu tạm thời…
  • Người định đoạt tài sản phải là người có năng lực hành vi. Tức là, người đó phải có đầy đủ tư cách chủ thể. Việc định đoạt tài sản có thể thực hiện bởi chủ sở hữu nhưng cũng có thể được thực hiện bởi chủ thể khác. Chủ sở hữu có thể ủy quyền cho người khác định đoạt tài sản theo phương pháp, cách thức phù hợp với ý chí và lợi ích của mình.
  • Chủ sở hữu bị hạn chế quyền định đoạt trong những trường hợp bị kê biên hoặc những tài sản đã được đem đi làm vật bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ.
  • Trong một số trường hợp pháp luật quy định, những người không phải chủ sở hữu, chủ sỡ hữu không ủy quyền, việc định đoạt có thể không theo ý chí của chủ sở hữu nhưng vẫn có quyền định đoạt. Đó là việc cơ quan, tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật, chấp hành viên ký hợp đồng bán đấu giá để thi hành án, hiệu cầm đồ được quyền bán tài sản nếu hết thời hạn đã thỏa thuận mà người vay không trả được tiền vay.

Câu 12. Hãy nêu khái niệm và phân loại thời hạn?

  • Khái niệm:

Thời hạn là một khoảng thời gian có điểm đầu và điểm cuối xác định. Gồm 3 yếu tố: thời điểm bắt đầu, khoảng thời gian và thời điểm kết thúc.

  • Phân loại:
  • Dựa vào trình tự xác lập:
  • Thời hạn do luật định: là thời hạn pháp luật quy định bắt buộc đối với các chủ thể tham gia giao dịch, chủ thể không được phép thay đổi thời hạn đó.
  • Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định: căn cứ vào các quy định pháp luật mang tính định hướng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xác định một thời gian để các bên chủ thể thực hiện.
  • Thời hạn do các chủ thể tự xác định: các bên có thể thỏa thuận trong thời hạn mà pháp luật quy định. Các bên cũng có thể thỏa thuận khác đi so với quy định của pháp luật với điều kiện thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật.
  • Dựa vào tính xác định:
  • Thời hạn xác định: là loại thời hạn được quy định rõ ràng bằng cách xác định chính xác thời điểm bắt đầu, kết thúc.
  • Thời hạn không xác định: là thời hạn trong đó chỉ quy định một cách tương đối khoảng thời gian mà không xác định chính xác khoảng thời gian đó.

Câu 13. Hãy nêu khái niệm và phân loại thời hiệu?

  • Khái niệm:

Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện.

Như vậy, thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định, các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự không thể thỏa thuận để kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn này.

  • Phân loại:
  • Thời hiệu hưởng quyền dân sự: Là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó, chủ thể được hưởng quyền dân sự.
  • Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự: là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ đó.
  • Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện hoặc nộp đơn yêu cầu để tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Câu 14. Hãy phân tích các nguyên tắc của quyền thừa kế?

  • Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của cá nhân:

Pháp luật bảo đảm quyền định đoạt của cá nhân đối với tài sản sau khi cá nhân đó chết thông qua việc lập di chúc, nếu không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì việc thừa kế được giải quyết theo pháp luật.

  • Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế:

Mọi cá nhân không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội… đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo luật.

  • Nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của người có tài sản, người hưởng di sản:

Nếu người chết để lại di chúc thì việc thừa kế sẽ tiến hành theo di chúc, theo sự định đoạt của người có tài sản mà trước lúc chết, họ đã thể hiện ý nguyện của mình trong việc phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó. Tuy nhiên, việc định đoạt của người lập di chúc bị hạn chế trong trường hợp quy định tại điều 669 BLDS 2005.Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản với người khác.

Quảng Cáo
  • Củng cố, giữ vững tình thương yêu và đoàn kết trong gia đình:

Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc chung trong quan hệ dân sự: Việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự phải đảm bảo giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Từ truyền thống đoàn kết trong gia đình, từ mục đích của chế độ hôn nhân và gia đình của ta nhằm xây dựng những gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa những người trong gia đình cần được giữ vững ngay cả khi 1 người chết và vấn đề thừa kế được đặt ra.

Câu 15. Hãy trình bày về hiệu lực pháp luật của di chúc?

Hiệu lực pháp luật của di chúc là di chúc được thực hiện trên thực tế theo đúng nội dung của di chúc, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.

Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc 1 phần trong các trường hợp sau:

  • Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
  • Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
  • Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
  • Di chúc không có hiệu lực pháp luật nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế, nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn 1 phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
  • Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.
  • Khi 1 người để lại nhiều bản di chúc đối với 1 tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.
  • Trong trường hợp vợ, chồng cùng lập di chúc chung mà có 1 người chết trước thì phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung chưa có hiệu lực pháp luật. Sau khi cả 2 vợ chồng đều đã chết thì di chúc chung mới có hiệu lực.

Câu 16. Hãy nêu khái niệm, điều kiện và phạm vi khởi kiện vụ án dân sự?

  • Khái niệm:

Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nộp đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác.

  • Điều kiện:
  • Về chủ thể khởi kiện:
  • Cá nhân khi khởi kiện phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm.
  • Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc người khác.
  • Vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
  • Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ án dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm.
  • Nếu 1 vụ án đã được tòa án giải quyết bằng 1 bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ các trường hợp có quy định của pháp luật.
  • Phạm vi:
  • Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện 1 hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về 1 quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng 1 vụ án.
  • Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện 1 cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về 1 quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng 1 vụ án.
  • Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền do bộ luật TTDS quy định có thể khởi kiện đối với 1 hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về 1 quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng 1 vụ án.

Tải xuống tài liệu học tập PDF miễn phí

 Tải Xuống Tại Đây  


LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here