Luật dân sự và Tố tụng dân sự

0
3592
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


Nhóm câu 20 điểm:

Câu 1. Hãy nêu khái niệm và phân tích các đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự?

  • Khái niệm:

Quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh.

  • Đặc điểm:
  • Chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự đa dạng, bao gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác. Khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể độc lập với nhau về tổ chức và tài sản.
  • Địa vị pháp lý của các chủ thể dựa trên cơ sở bình đẳng, không bị phụ thuộc vào các yếu tố xã hội khác.
  • Lợi ích (trước tiên là lợi ích kinh tế) là tiền đề trong phần lớn các quan hệ dân sự vì quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ.
  • Các biện pháp cưỡng chế đa dạng không chỉ do pháp luật quy định mà có thể tự các bên quy định về các biện pháp cưỡng chế cụ thể, về hình thức áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó. Nhưng đặc tính tài sản là đặc trưng cho các biện pháp cưỡng chế trong luật dân sự.

Câu 2. Anh (Chị) hãy phân tích về năng lực hành vi dân sự của cá nhân?

  • Khái niệm: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
  • Mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân:
  • Năng lực hành vi đầy đủ:

Người thành niên là người có đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị tuyên bố mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

  • Năng lực hành vi một phần:
  • Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có tài sản riêng đủ để thực hiện nghĩa vụ được xác lập, thực hiện giao dịch và phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản họ có, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
  • Không có năng lực hành vi:

Người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch của những người này đều do người đại diện xác lập và thực hiện.

  • Mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự
  • Nếu cá nhân bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được các hành vi của mình thì bị coi là mất năng lực hành vi dân sự.
  • Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền , lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Câu 3. Hãy phân tích các loại người giám hộ?

Có 2 hình thức giám hộ: giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử.

  • Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ do pháp luật quy định, người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân.
  • Giám hộ được cử là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định, cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử.
  • Giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:
  • Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ và ngược lại.
  • Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì con cả là người giám hộ, nếu con cả không có điều kiện làm người giám hộ thì con tiếp theo là người giám hộ.
  • Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
  • Giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên:

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:

  • Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ.
  • Trường hợp không có anh chị ruột hoặc anh chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.
  • Giám hộ được cử:

Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người sẽ cử người giám hộ, đề nghị tổ chức nhận việc giám hộ.

Quảng Cáo
  • Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
  • Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.

Câu 4. Hãy nêu khái niệm và phân tích các điều kiện của pháp nhân?

  • Khái niệm:

Pháp nhân là 1 tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

  • Các điều kiện của pháp nhân:
  • Được thành lập một cách hợp pháp:

Một tổ chức được coi là hợp pháp nếu có mục đích, nhiệm vụ hợp pháp và được thành lập hợp pháp theo trình tự và thủ tục do luật quy định.

Tổ chức hợp pháp được Nhà nước công nhận dưới các dạng: cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, đăng kí hoặc công nhận. Nhà nước bằng các quy định về thẩm quyền ra quyết định thành lập, trình tự, thủ tục thành lập, điều kiện thành lập các tổ chức chi phối đến các tổ chức tồn tại trong xã hội.

  • Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ:

Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhằm biến 1 tập thể người thành 1 thể thống nhất có khả năng thực hiện có hiệu quả nhất nhiệm vụ của tổ chức đó đặt ra khi thành lập.

Pháp nhân phải là 1 tổ chức độc lập. Pháp nhân có ý chí riêng và hành động theo ý chí của mình, chỉ với sự độc lập mà pháp luật thừa nhận thì 1 tổ chức mới có thể trở thành 1 chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật.

  • Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản đó:

Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của cá nhân – thành viên của pháp nhân, độc lập với cơ quan cấp trên của pháp nhân và các tổ chức khác.

Pháp nhân tham gia vào các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân như một chủ thể độc lập, và phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của riêng mình.

  • Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể là nguyên đơn, bị đơn trước Tòa án.

Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách riêng, có khả năng hưởng quyền và gánh chịu các nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định phù hợp với điều lệ của pháp nhân.

Khi pháp nhân không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, pháp nhân khác thì pháp nhân có thể là bị đơn trước tòa. Ngược lại, cá nhân hoặc pháp nhân khác không thực hiện nghĩa vụ, gây thiệt hại cho pháp nhân thì pháp nhân có thể khởi kiện trước tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.

Câu 5. Hãy phân tích nội dung của quan hệ pháp luật dân sự?

Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào các quan hệ đó.

  • Quyền dân sự:
  • Quyền dân sự là cách xử sự được phép của người có quyền năng.
  • Chủ thể quyền trong các quan hệ dân sự có thể thực hiện những hành vi khác nhau phù hợp với nội dung, mục đích của quyền năng đó như chủ sở hữu có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.
  • Khi quyền dân sự bị vi phạm, chủ thể quyền có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ mà pháp luật cho phép.
  • Trong khoa học quản lí tồn tại khái niệm quyền chủ quan và quyền khách quan:
  • Quyền khách quan là quyền dân sự được pháp luật quy định cho các chủ thể, là nội dung năng lực pháp luật của chủ thể.
  • Quyền chủ quan là quyền dân sự của chủ thể trong một quan hệ dân sự cụ thể đã được xác lập.
  • Nghĩa vụ dân sự:
  • Là cách xử sự bắt buộc của người có nghĩa vụ.
  • Cách xử sự của các chủ thể cũng rất khác nhau tùy theo từng quan hệ dân sự cụ thể.
  • Thông thường, trong các quan hệ dân sự, nghĩa vụ của 1 chủ thể tương ứng với quyền của chủ thể khác.
  • Người có nghĩa vụ có thể là phải thực hiện những hành vi tích cực dưới dạng hành động (như trả tiền, giao vật trong mua bán, …) hay có thể lựa chọn cách thức xử sự có lợi nhất cho họ (vd: để bồi thường thiệt hại do mình gây ra, người có nghĩa vụ có thể bồi thường bằng tiền hoặc hiện vật hoặc sửa chữa đồ vật bị hỏng).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here