Đồ án tốt nghiệp Áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa

0
3581
Đồ án tốt nghiệp Áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa
QUẢNG CÁO
Vài Phút Quảng Cáo Sản Phẩm


Đồ án tốt nghiệp Áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hòm thư: [email protected]

Kéo xuống để Tải ngay đề cương bản PDF đầy đủ: Sau “mục lục” và “bản xem trước”

(Nếu là đề cương nhiều công thức nên mọi người nên tải về để xem tránh mất công thức)

Đề cương liên quan:Tiểu luận dịch vụ giao nhận hàng hóa


Mục Lục

Tải ngay đề cương bản PDF tại đây: Đồ án tốt nghiệp Áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa

Quảng Cáo

LỜI NÓI ĐẦU

Việt nam đang trên đường đổi mới, hoà nhập vào sự phát triển chung trong khu vực và trên thế giới, thương mại điện tử ngày một phát triển đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, trong việc buôn bán trao đổi hàng hóa đặc biệt trong giao nhận hàng hóa giữa Việt nam, khu vực và thế giới.

Để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam tìm cách hướng tới việc tự do hoá thương mại, dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Song song với việc thực hiện Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), các nước ASEAN đang triển khai việc thực hiện Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ trong đó có dịch vụ vận tải và giao nhận hàng hoá hứa hẹn một sự phát triển mạnh mẽ của loại hình dịch vụ này. Có thể nói phát triển dịch vụ giao nhận vân tải hàng hoá quốc tế ở mỗi nước gắn liền với sự phát triển kinh tế của nước đó.  Ký kết hợp đồng, vận chuyển hàng hoá đến cảng đích và tiến hành giao nhận là những khâu then chốt trong bất kỳ thương vụ nào. Với tính chất là một nghiệp vụ tổng hợp, người giao nhận phải nắm vững về các nghiệp vụ ngoại thương và phải biết phối kết hợp một cách nhuần nhuyễn các khâu nghiệp vụ khi thực hiện một hợp đồng giao nhận. Đây là một loại hình kinh doanh dịch vụ mang tính phân công lao động cao của một xã hội hiện đại đòi hỏi người cung cấp dịch vụ phải hiểu biết một cách  đầy đủ về ngoại thương, các tập quán buôn bán quốc tế cũng như luật kinh tế, các quy định của Nhà nước về luật thuế, luật Hải quan và hơn nữa phải có một hệ thống đại lý rộng rãi trên thế giới để có thể cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất với giá cả cạnh tranh nhất. Đặc biệt trong giai đoạn mà áp dụng thương mại điện tử vào trong các loại hình kinh doanh, sản xuất là một trong những mảng được Chính phủ nhiều nước trong khu vực và trên thế  giới rất quan tâm, được coi là điều kiện cần thiết cho sự hội nhập kinh tế của mỗi nước. Hình thức thương mại này, mang lại cho xã hội, các doanh nghiệp, đến từng cá nhân một công cụ hoạt động mới, tiện lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều. Ngày nay, thương mại điện tử được áp dụng ngày càng nhiều và tốc độ càng nhanh với hiệu quả hết sức nhãn tiền trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều mức độ khác nhau.

Với mong muốn nước ta bước vào nền kinh tế tri thức trong thế kỷ tới một cách thành công, theo kịp sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới cùng với mối quan tâm đến sự phát triển của thương mại điện tử trong dịch vụ giao nhận vận tải trong kỷ nguyên công nghệ thông tin,  tôi đã quyết định chọn đề tài:  “ Áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa” làm đề tài tốt nghiệp của mình.

Hiện nay, áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa tại Việt Nam là một vấn đề lớn và đang được xem xét để có thể triển khai rộng rãi, một phần do tỷ lệ người dùng Internet thấp và thói quen giao dịch qua mạng chưa nhiều. Tuy nhiên Việt Nam là một thị trường lớn với trên 56.000 doanh nghiệp, việc tiến hành thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp ngay từ bây giờ cần tạo lập những điều kiện cơ bản ban đầu cho thương mại điện tử phát triển, trước hết là cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin để từ đó phát triển các lĩnh vực trong thương mại điện tử đặc biệt là giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, đối với các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhà nước và các Bộ, Ngành cần có những giải pháp để hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Mục đích của khóa luận là làm rõ lợi ích của việc ứng dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa, hình thức áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa, và đề xuất các các giải pháp phát triển thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa.

Cấu trúc của khóa luận gồm:

Lời nói đầu

Ba chương:

Chương I: Sự ra đời của thương mại điện tử, lợi ích của việc ứng dụng thương mại điện tử, các điều kiện phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Chương II: Hiện trạng áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa.

Chương III: Kiến nghị các giải pháp phát triển thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa ở Việt Nam.

Kết luận

Tài liệu tham khảo.

 

CHƯƠNG I

SỰ RA ĐỜI CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, LỢI ÍCH CỦA VIỆC ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG KINH DOANH GIAO NHẬN, CÁC ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM

 

I. KHÁI QUÁT VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

1.1. Sự ra đời và phát triển của mạng Internet

Lịch sử của INTERNET được bắt đầu từ năm 1957: Đây là thời kỳ chiến tranh lạnh giữa các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang diễn ra hết sức gay gắt. Ở Mỹ các khoản đầu tư dành cho quân sự là rất lớn. Năm 1957 Mỹ đã hình thành nên một cơ quan nghiên cứu phát triển ARPA (Advanced Research Project Agency), dưới sự quản lý của Uỷ ban phòng vệ DoD (Department of Defence), để phối hợp nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực quân sự.

Đến năm 1965 ARPA tài trợ cho dự án mạng máy tính TX-2 tại phòng thí nghiệm Lincoln của Viện công nghệ Massachusetts, Lexington và dự án Q-32 hợp tác với công ty phát triển hệ thống (system development) Santa Monica California.

Năm 1967 kế hoạch về mạng PS (Packet – Switching) được đưa ra, đồng thời bản kế hoạch đầu tiên về mạng ARPANET (Advanced Research Projects Agency Network) được đưa ra bởi Lawrence G.Roberts – viện công nghệ Massachusetts. Vào vào tháng 7 năm 1968 ARPA đề nghị kết nối 4 địa điểm đầu tiên bằng các máy tính gồm: Viện nghiên cứu Standford, trường Đại học tổng hợp California ở Los Angeles, UC (University of California) tại Santa Babara và trường Đại học tổng hợp Utah.

Đến năm 1969 Uỷ ban phòng vệ DoD (Department of Defense) giao cho ARPA đi sâu nghiên cứu về lĩnh vực mạng. Và cũng trong năm 1969 bốn địa điểm trên chính thức được nối thành mạng. Do vậy cho đến nay thì người ta lấy nguồn gốc đầu tiên của Internet là hệ thống máy tính cuả Bộ Quốc Phòng Mỹ, gọi là mạng ARPANET.

Đầu năm 1970  Thư điện tử đã bắt đầu được sử dụng.

Năm 1973 sự nối kết quốc tế đầu tiên với ARPANET của trường đại học London – Anh.

Năm 1979:  Nhằm phát triển rộng rãi mạng đã được thiết lập, các nhà khoa học máy tính từ đại học Wisconsin DARPA (Defense Advanced Research Project Agency) và NSF (National Science Foundation) tập trung thảo luận về việc cùng tổ chức một ban nghiên cứu khoa học máy tính, nghiên cứu mạng máy tính.

Đến năm 1990 ARPANET được thay thế bằng mạng NSFNET (National Science Foundation Network). NSFNET mang tính chất hoạt động dân sự nhiều hơn. Thực ra trong các số liệu thống kê, người ta chỉ tính mốc thừa nhận một cách rộng rãi sự ra đời của Internet từ năm 1990 khi công nghệ mạng được áp dụng một kỹ thuật mới là World Wide Web(www). Và cũng kể từ thời điểm ấy số người hoà nhập vào mạng Internet mới tăng nên một cách nhanh chóng.

Đến năm 1990 số các nước đã tham gia nối với mạng này là:

“Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Nauy, Thụy Điển” (1988), “Australia, Đức, Israel, Italy, Nhật Bản, Mexico, Netherlands, Newzealand, Puerto Rico, Anh” (1989), “Agentina, Austria, Bỉ, Brazil, Chile, Greece, Ân Độ, Ireland, Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ” (1990) .

Sau đó các nước khác cũng tham gia vào mạng toàn cầu Internet:

Năm 1991: Croatia, Czech Repuplic, Hongkong, Hungary, Poland, Portugal, Singapore, Taiwan, Tunisia…..

Đến năm 1997:  toàn thế giới đã có 110 quốc gia nối mạng Internet, trong đó có Việt Nam.

Những địa chỉ của những tổ chức lớn xuất hiện trên Internet là Liên Hợp Quốc (1993), Nhà Trắng (1993), Ngân hàng thế giới (1992), Thủ tướng Nhật (1994), Uỷ ban ngân khố Anh (1994),Thủ tướng Newzealand (1994)…..”1 [1] 

 

Trong những năm gần đây Internet đã phát triển một cách nhanh chóng và được ứng dụng một cách rộng rãi trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nếu xét lịch sử phát triển của các lĩnh vực thông tin đại chúng khác thì Internet vượt xa tất cả. Điều này cho thấy thế giới có thể sẽ sắp bước vào một xã hội toàn cầu Internet. Người ta đưa ra một ví dụ so sánh để thấy được sự phát triển của Internet so với các phương tiện thông tin đại chúng khác là rất lớn.

Hình 1-1:  Sự tăng trưởng của Internet trong các năm 1994-2000,và dự báo mức tăng trưởng các năm 2002-2005.”[2]

Để đạt được con số 50 triệu người sử dụng đài phát thanh phải chờ sau 40 năm, truyền hình mất 13 năm, truyền hình cáp mất 10 năm, trong khi đó Internet đạt được con số trên chưa đầy 5 năm.

Cũng theo tạp chí tin học ngân hàng số 4 tháng 8 năm 2000, Năm 1994 toàn thế giới có khoảng 3 triệu người nối mạng Internet. Năm 1996 con số đã lên tới 67 triệu người. Năm 1997 đã có 110 quốc gia nối mạng Internet. Năm 1998 toàn thế giới đã có hơn 100 triệu người nối mạng Internet. Đến cuối năm 1999 toàn thế giới có khoảng 259 triệu người nối mạng Internet. Đồng thời vào năm 2000 con số này là 349 triệu người.

“Dự báo vào năm 2002 số người nối mạng Internet là 490 triệu người, năm 2003 là 502 triệu người và đến 2005 toàn thế giới sẽ có khoảng 765 triệu người nối mạng Internet” (gần 1/6 dân số thế giới).

Tuy nhiên, sự phát triển của mạng Internet là hết sức chênh lệch giữa các quốc gia, giữa những nước đang phát triển và những nước công nghiệp hóa. Hiện nay, một nửa trong số những người truy cập mạng Internet trên thế giới là thuộc khu vực Bắc Mỹ. Người ta đưa ra một sự so sánh hình tượng rằng cả Châu Phi chưa bằng số người nối mạng ở riêng thành phố New York. “ 3 [3]

Khi một công nghệ mới ra đời thì thông thường người ta khó mà lường hết được sự mở rộng của nó. Trước đây khi điện thoại được phát minh, người ta cũng có cảm nghĩ rằng nó là một công cụ hết sức xa vời, nhưng cho đến nay thì không ai là không phải thừa nhận rằng nó đã trở thành một phương thức giao dịch không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày. Internet – một công nghệ vượt bậc, là đỉnh cao của thế kỷ XX chắc chắn cũng sẽ như vậy. Hiện nay trên thế giới con số người nối kết với Internet chưa nhiều song chắc chắn rằng trong tương lai không xa, Internet sẽ là phương tiện thân thiện của mọi nhà trên khắp hành tinh.

 

1.2. Khái niệm về thương mại điện tử (E-commerce)

Trước khi đi vào khái niệm về thương mại điện tử chúng ta xem xét qua về khái niệm kinh doanh điện tử:  Kinh doanh điện tử ( Electronic Business) là một bước biến đổi cơ bản của các phương thức kinh doanh thông qua việc sử dụng các công nghệ của mạng máy tính Internet, Intranet…

Hiện nay có nhiều quan điểm về vấn đề định nghĩa thương mại điện tử.

“Quan điểm thứ nhất :  Thương mại điện tử được định nghĩa một cách đơn giản là sự chuyển giao các giá trị qua Internet của một trong bốn dạng hoạt động: Mua, Bán, Đầu tư và vay mượn. “ 6 [6] 

 

“Quan điểm thứ hai với nghĩa rộng: Thương mại điện tử gồm các giao dịch tài chính và thương mại được thực hiện bằng các phương tiện điện tử.

 

Quan điểm thứ ba xuất phát từ thực tiễn của thương mại điện tử: Thương mại điện tử là các hoạt động thương mại được thực hiện qua mạng thông tin toàn cầu Internet.” 7 [7]

Hiểu theo quan điểm  thứ hai thì thương mại điện tử thực tế đã tồn tại từ rất lâu. Có lẽ sớm nhất và phổ biến nhất là người ta ứng dụng hoạt động kinh doanh của mình qua điện thoại, sau đó nổi bật nữa là truyền hình, fax, radio… đây cũng là các phương tiện điện tử được ứng dụng khá rộng rãi trong hoạt động thương mại.

Tuy nhiên các hình thức này chỉ hỗ trợ cho thương mại. Trong hầu hết các hoạt động thương mại các phương tiện này không thực hiện được một cách hoàn chỉnh. Song nhờ Internet người ta có thể thực hiện hoàn chỉnh một giao dịch thương mại như: mua bán, chào hàng, chọn hàng, ký kết hợp đồng, giao hàng, thanh toán, bảo hành, các dịch vụ sau bán… Do vậy trên thực tiễn nói thương mại điện tử, người ta thường hiểu là loại trừ các phương tiện điện tử không phải là Internet. Thương mại điện tử là hoạt động thương mại bằng phương tiện Internet.

Như vậy, theo quan điểm thực tiễn thương mại, có thể đưa ra một định nghĩa về thương mại điện tử như sau:” Thương mại điện tử là việc sử dụng các công nghệ mạng Internet trong các hoạt động  giao dịch thương mại” “Electronic commerce is an emerging concept that describes the process of buying and selling or exchanging of products, services, and information via computer networks including the internet“[ 8] .

Trong Luật mẫu về thương mại điện tử của Liên Hợp Quốc – UNCITRAL Model Law on electronic commerce – không có điều khoản nào định nghĩa về thương mại điện tử. Tuy nhiên hiểu theo tinh thần điều chỉnh của luật này thì “Electronic Commerce” cần được hiểu theo nghĩa rộng ở trên.

  1. LỢI ÍCH CỦA VIỆC ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG KINH DOANH GIAO NHẬN HÀNG HÓA.

Trong loại hình cơ bản nhất của giao dịch, khách hàng đến cửa hàng lựa chọn những sản phẩm mà họ muốn mua, trả cho người bán một khoản tiền và mang hàng về. Ngày nay trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin – mạng máy tính và sự kết nối khắp toàn cầu – thương mại điện tử đã nổi lên như một phương thức kinh doanh quan trọng của thế kỷ .

Khi con người càng nhận thức rõ hơn, hiểu biết nhiều hơn về Internet thì thị trường điện tử cũng ngày càng trở nên quen thuộc với họ. Nếu khuynh hướng tăng trưởng số người nối mạng Internet như hiện nay được duy trì thì sẽ chẳng bao lâu nữa trong tương quan giữa hai loại thị trường, thị trường thực sẽ có xu hướng nhường chỗ dần cho thị trường ảo, thế giới của thông tin, hình ảnh. Các công ty cũng sẽ chuyển dần hoạt động kinh doanh truyền thống của mình sang kinh doanh điện tử để khai thác những lợi ích được tạo ra từ phương thức kinh doanh này.

Đối với các doanh nghiệp giao nhận ở nước ta, có lẽ bước đầu tiên để có thể khuyến khích họ phát triển kế hoạch áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa đó là việc làm thế nào để họ có thể nhận thức được những ích lợi mà thương mại điện tử có thể mang lại. Làm rõ vấn đề này sẽ là động lực, và phương hướng chủ  đạo cho các nhà doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ mới.

2.1. Tính kịp thời, tính cập nhật của thông tin thương mại

Internet là một thư viện khổng lồ nhất được cập nhật một cách liên tục. Ngày nay, nhận, gửi, khai thác thông tin trên Internet là nhu cầu của toàn thế giới. Thông tin chính xác đầy đủ, nhanh chóng là một đòi hỏi ngày càng cao trong hoạt động kinh doanh giao nhận.

Trong thương mại điện tử hiện nay người ta có thể dễ dàng thu thập và tìm kiếm thông tin ở khắp các nơi trên thế giới. Dựa vào đó doanh nghiệp có thể theo sát sự biến động của thị trường nước ngoài, nắm bắt liên tục và thường xuyên các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do khả năng thu thập được các thông tin cập nhật và truyền tin nhanh chóng, doanh nghiệp có thể thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đối tác và ra các quyết định kinh doanh của mình ở các thời điểm và địa điểm khác nhau.

Nói về tính kịp thời của thông tin thương mại trên Internet, nhiều người đặt câu hỏi sử dụng điện thoại, fax… với khả năng truyền tin nhanh thì vẫn đảm bảo tính kịp thời, vậy ưu thế nổi trội của Internet so với các phương tiện này là gì?

Điện thoại là một phương tiện phổ thông dễ sử dụng và thường mở đầu cho các cuộc giao dịch thương mại. Tuy nhiên trên quan điểm kinh doanh công cụ điện thoại có mặt hạn chế là chỉ truyền tải được âm thanh. Mọi cuộc giao dịch cuối cùng vẫn phải kết thúc bằng giấy tờ, hay các tài liệu có thể lưu trữ (hiện nay thương mại điện tử trên thế giới, người ta thừa nhận giá trị pháp lý của các tài liệu truyền qua Internet, vì vậy các tài liệu này có thể thay cho giấy tờ truyền thống). Ngoài ra nếu tính yếu tố chi phí thì có lẽ giao dịch điện thọai nhất là giao dịch đường dài, điện thoại cao gấp nhiều lần so với  các giao dịch thông qua mạng Internet.

Với máy fax, có thể thay thế được dịch vụ đưa thư và gửi công văn truyền thống. Nhưng Fax lại có hạn chế là: không thể tải được âm thanh, hình ảnh phức tạp, đồng thời giá máy và chi phí còn rất cao. Hơn nữa qua thương mại điện tử bằng Internet người ta vẫn có thể gửi và nhận Fax nếu cần.

2.2. Giảm được chi phí tiếp thị và giao dịch

Nhờ thương mại điện tử thông qua Internet, Công ty có thể thiết lập trực tiếp mối quan hệ với khách hàng hay rút ngắn được quá trình giao hàng. Doanh nghiệp có thể hạ được giá thành các dịch vụ giao nhận, giảm thấp chi phí tiếp thị mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận.

Bằng phương tiện Internet/Web, một nhân viên giao nhận có thể giao dịch được với rất nhiều khách hàng, ca-ta-lô điện tử (eletronic catalogue) trên trang Web phong phú hơn nhiều và thường xuyên cập nhật so với ca-ta-lô in ấn (có khuôn khổ giới hạn và luôn luôn lỗi thời). Theo số liệu thống kê của hãng máy bay Boeing của Mỹ, có tới 50% khách hàng đặt mua 9% phụ tùng thông qua Internet và còn nhiều hơn nữa các đơn hàng về dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa, giao nhận và mỗi ngày giảm được 600 cú điện thoại.

Thương mại điện tử qua Internet/Web còn giúp các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch (giao dịch được hiểu là quá trình từ quảng cáo, tiếp xúc ban đầu, giao dịch đặt hàng, giao dịch giao hàng, giao dịch thanh toán). Thời gian giao dịch qua Internet chỉ bằng 7% thời gian giao dịch qua Fax, và bằng khoảng 0.5 phần nghìn thời gian giao dịch qua bưu điện; chi phí giao dịch qua Internet chỉ bằng khoảng 5% chi phí giao dịch qua bưu điện chuyển phát nhanh, chi phí thanh toán điện tử qua Internet chỉ bằng từ 10% đến 20% cho phí thanh toán theo lối thông thường.

Trong những yếu tố cắt giảm, yếu tố thời gian là đáng kể nhất vì việc nhanh chóng làm cho thông tin dịch vụ tiếp cận khách hàng (mà không phải qua trung gian) có ý nghĩa sống còn đối với kinh doanh giao nhận.

Thông thường đối với một nhà sản xuất rất khó có thể thiết lập được một mạng lưới tiêu thụ rộng lớn để trực tiếp cung cấp và liên hệ với những người bán lẻ hay các khách hàng. Song hiện nay nhờ thương mại điện tử mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được điều đó. Khi thiết lập một cơ sở kinh doanh trên Internet, doanh nghiệp đã cùng một lúc thiết lập một đại lý phân phối ở nhiều nơi khác nhau, hoàn toàn loại bỏ được kênh phân phối nhiều cấp. Điều này là có lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

 

2.3. Kinh doanh sử dụng cửa hàng ảo – Kinh doanh tại nhà

Với một cơ sở kinh doanh ảo, lợi dụng công nghệ truyền tin Internet, nhận và xử lý thông tin ở bất cứ nơi nào, cho phép các nhà quản lý kinh doanh chỉ ngồi tại nhà nhưng lại có thể kinh doanh ở bất kỳ đâu.

Chẳng hạn khi doanh nghiệp thiết lập một Website – khác với cơ sở kinh doanh thực, nó hiện hữu trên các máy tính nối mạng Internet. Khi đó các khách hàng thông qua việc truy cập địa chỉ Internet của công ty, sẽ thực hiện mọi giao dịch cần thiết. Cả khách hàng và doanh nghiệp đều có thể tiến hành các giao dịch thương mại tại nhà, hay bất cứ nơi đâu. Nhờ đặc tính này mà ngay cả các hộ gia đình cũng dễ dàng tham gia kinh doanh trên mạng Internet và cạnh tranh một cách bình đẳng với những doanh nghiệp lớn. Hiện nay đặc điểm này còn được thực hiện một cách dễ dàng hơn nhờ những thiết bị mới như: Điện thoại di động nối mạng Internet.

 

2.4. Nâng cao khả năng phục vụ và duy trì mối quan hệ thường xuyên với khách hàng.

Nhờ bộ nhớ máy tính và phần mềm được lập trình sẵn, thương mại điện tử có khả năng tự động phân tích, tổng hợp dữ liệu trên cơ sở kinh doanh ảo của doanh nghiệp giao nhận. Khi khách hàng có nhu cầu giao nhận hàng và gửi những thông tin về mình cho doanh nghiệp thì toàn bộ thông tin này sẽ được lưu vào máy tính và tất cả các giao dịch giữa doanh nghiệp giao nhận và khách hàng sẽ được giữ lại như một cơ sở dữ liệu. Đây sẽ là những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp giao nhận khi nhận biết các khách hàng quen thuộc.

Với cơ sở dữ liệu đó, doanh nghiệp có thể nắm được đặc điểm của từng khách hàng, nhóm khách hàng. Từ đó, phân đoạn thị trường, hướng những chính sách phù hợp riêng biệt cho từng khách hàng.

Kể từ giao dịch đặt cung cấp dịch vụ thứ hai trở đi doanh nghiệp không cần khách hàng phải cung cấp chi tiết các thông tin về mình nữa mà có thể xác định một cách nhanh chóng và cực kỳ chính xác khách hàng đó là ai. Cung cấp dịch vụ đúng với đòi hỏi của từng khách hàng sẽ là một ưu thế lớn trong việc duy trì các khách hàng quen thuộc.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được ưu thế này thì cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp cần phải có những điều chỉnh thích hợp. Phải đặc biệt chú trọng mối liên hệ giữa bộ phận lưu trữ, xử lý dữ liệu với các bộ phận khác, nhằm mục đích thoả mãn ngay cả một nhóm nhu cầu hay thậm chí là nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng. Đây là lợi ích lớn cho doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên sẽ là nguy cơ cho các doanh nghiệp chậm trễ trong việc triển khai một chiến lược trong thương mại điện tử, vì nếu chậm chân sẽ có nguy cơ bị mất thị trường bởi những đối thủ đi trước, do khách hàng không muốn thay đổi nhà cung cấp của mình.

2.5. Dễ dàng đa dạng hoá dịch vụ

Với Internet doanh nghiệp giao nhận có thể kinh doanh hỗn hợp các dịch vụ khác nhau.Với kiểu giao hàng truyền thống (người giao nhận phải đến trực tiếp địa điểm giao nhận và làm các thủ tục cần thiết cho lô hàng, tốn nhiều thời gian đi lại) rất khó để có thể đa dạng hóa các dịch vụ như dịch vụ kê khai tờ khai thuê, đóng thuế, chuyên trở … vì điều này đòi hỏi phải trang bị đầu tư rất lớn một lực lượng lao động được đào tạo chuyên ngành cho nhiều vị trí ở các địa điểm khác nhau. Nhưng khi áp dụng thương mại điện tử không quan trọng là hàng hoá giao nhận được đặt như thế nào để ở đâu. Bởi doanh nghiệp giao nhận sẽ dễ dàng theo dõi được nhiều lô hàng ở nhiều nơi và đồng thời thực hiện các nghiệp vụ giao nhận và các dịch vụ khác qua Internet. Điều quan tâm chính của doanh nghiệp là làm thế nào giao nhận hàng hóa tới khách hàng theo phương thức phù hợp hoặc theo phương thức mà khách hàng yêu cầu. Do đó, kể cả khi hàng hoá được để hỗn hợp thì vẫn có thể được xắp xếp và giao nhận theo đúng yêu cầu của khách hàng bất cứ lúc nào.

 

2.6. Giảm chi phí sản suất

Tiết kiệm chi phí là một trong những đặc điểm quan trọng nhất trong thương mại điện tử. Liên quan đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp có thể có rất nhiều loại chi phí khác nhau. Tính tiết kiệm chi phí diễn ra ở hầu hết các khâu của thương mại điện tử. Khía cạnh này có thể dễ nhận thấy ở những hoạt động như:

2.6.1./ Kinh doanh trên Internet giảm được chi phí thuê văn phòng.

Văn phòng trên Internet của doanh nghiệp được mở ngay tại nhà của khách hàng trước màn hình máy tính. Chỉ cần đầu tư một lần bằng khoản tiền không lớn doanh nghiệp  đã có rất nhiều văn phòng ở khắp mọi nơi, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

2.6.2./ Giảm chi phí trong các hoạt động giao dịch trao đổi giấy tờ

Trong doanh nghiệp việc phát sinh các chi phí cho hoạt động giao dịch giấy tờ là rất lớn. Giao dịch giữa khách hàng – doanh nghiệp, doanh nghiệp – đối tác, và trong nội bộ doanh nghiệp luôn luôn diễn ra. Dòng chảy thông tin thông suốt và liên tục có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Thương mại điện tử qua Internet có thể giúp cho doanh nghiệp thực hiện một cách nhanh chóng các hoạt động giao dịch với dung lượng không hạn chế và chi phí thấp nhất.

2.6.3./ Giảm chi phí trong giới thiệu dịch vụ.

Doanh nghiệp kinh doanh giao nhận có thể thông qua Web site của mình để giới thiệu dịch vụ giao nhận hàng hóa bằng các hình ảnh, phụ đề minh họa, những thành tựu đã đạt được giúp khách hàng dễ cập nhật và thực sự tin tưởng khi lựa chọn.

2.6.4./ Giảm chi phí trong quản lý

Nhờ hoạt động kinh doanh thông qua mạng các máy tính mà trong doanh nghiệp giao nhận có thể hạn chế được khoản chi phí đầu tư cho việc thuê quản lý. Sự trao đổi thông tin không hạn chế qua Internet có thể giúp cho một nhà quản lý có khả năng quản lý được nhiều chi nhánh, cơ sở cùng một lúc mà không phải thuê người quản lý mới.

2.6.5./ Giảm chi phí thực hiện các dịch vụ kỹ thuật hướng dẫn khách hàng.

Các tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng dịch vụ có thể gửi trực tiếp cho khách hàng qua Internet mà không cần in ấn, vận chuyển vừa tốn kém cho khách hàng lại vừa tốn kém cho công ty.

2.6.6./ Giảm chi phí trong việc hoạt động quảng cáo chào hàng.

Quảng cáo qua Internet là hình thức quảng cáo kinh tế nhất. Doanh nghiệp có thể tự giới thiệu về mình trên quy mô toàn cầu mà không cần thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và phải trả phí dịch vụ rất cao.

Nhờ Internet mà một số bộ phận nhân viên trong doanh nghiệp có thể làm việc tại nhà mà không cần tới trụ sở làm việc. Điều này có thể giúp cho doanh nghiệp giảm bớt các khoản phụ cấp dành cho đi lại, giảm chi phí dành cho việc thuê văn phòng hay sinh hoạt cho nhân viên tại cơ quan.

2.6.7./ Giảm chi phí trong việc tuyển mộ nhân viên

Nhờ Internet doanh nghiệp không phải tìm lao động qua các tổ chức trung gian. Doanh nghiệp có thể đưa những thông tin về tuyển dụng lao động lên mạng Internet, hoặc cũng có thể gửi email trực tiếp đến các trường đại học. Ở Việt Nam cũng có những địa chỉ trên đó có thể tìm được việc làm, tuy nhiên số công ty trực tiếp mở trang Web để tuyển mộ nhân viên chưa nhiều.

 

2.7.  Hỗ trợ kỹ thuật, sử dụng dịch vụ cho khách hàng

Những yêu cầu thắc mắc của khách hàng trên Web site sẽ được tự động chuyển về doanh nghiệp. Các nhân viên tư vấn chuyên ngành về dịch vụ giao nhận của doanh nghiệp có thể ngồi ở văn phòng đưa ra được phương hướng  giải quyết cho khách hàng. Vì vậy công ty luôn luôn sẵn sàng cung cấp, sẵn sàng giải đáp thắc mắc của khách hàng mà không gặp một trở ngại nào. Cả khách hàng và doanh nghiệp luôn hài lòng với những dịch vụ sau bán như hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, yêu cầu giải đáp thắc mắc… đơn giản, thuận tiện, và tiết kiệm chi phí.

Khi kinh doanh trên Internet, doanh nghiệp có thể hình thành các chuyên mục như giải đáp thắc mắc, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, bảo quản… những chuyên mục này sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp, để giải quyết một cách tự động những vấn đề này trên Website mà không phải tốn chi phí và đầu tư nhân lực.

 

2.8. Thiết lập củng cố quan hệ đối tác

Thương mại điện tử tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các thành tố tham gia vào quá trình giao nhận: Thông qua mạng (nhất là dùng Internet/Web) các thành tố tham gia (người tiêu dùng, doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ) có thể giao tiếp trực tiếp và liên tục với nhau (liên lạc trực tuyến) gần như không còn khoảng cách địa lý và thời gian nữa; nhờ đó cả sự hợp tác lẫn sự quản lý đều được tiến hành nhanh chóng và liên tục; các bạn hàng mới, các cơ hội mới kinh doanh mới được phát hiện nhanh chóng trên bình diện toàn quốc, toàn khu vực, toàn thế giới, và có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn.

 

2.9. Tạo điều kiện cho tiếp cận  Kinh tế số hoá

Xét trên bình diện quốc gia, trước mắt thương mại điện tử sẽ kích thích sự phát triển của ngành công nghệ thông tin là ngành có lợi nhuận cao nhất và đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế; nhìn rộng hơn thương mại điện tử tạo điều kiện cho việc sớm tiếp cận với nền kinh tế số hoá (digital economy) mà xu thế và tầm quan trọng đã được đề cập tới ở trên. Lợi ích này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các doanh nghiệp giao nhận  ở các nước đang phát triển; nếu không nhanh chóng tiếp cận vào nền kinh tế số hay nền kinh tế số hoá hay còn gọi nền “kinh tế ảo” (Virtual economy) thì sau một thập kỷ nữa các nước đang phát triển có thể bị bỏ rơi hoàn toàn. Khía cạnh lợi ích này mang tính tiềm tàng, tính chiến lược công nghệ và tính chính sách phát triển của các nước chưa công nghiệp hoá cần lưu ý; ví có luận điểm cho rằng: sớm chuyển sang nền kinh tế số hoá thì một nước đang phát triển có thể tạo ra một bước nhảy vọt (leapfrog), có thể tiến kịp các nước đã đi trước trong một thời gian ngắn hơn.        

 

III. CÁC ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM.

3.1. Điều kiện về con người, nhận thức.

Thương mại điện tử là sản phẩm của công nghệ, do vậy muốn vận dụng nó thì phải nắm được công nghệ. Hiện tại ở nước ta nhận thức về công nghệ thông tin còn thấp. Hầu hết các trường học, ở tất cả các cấp học nước ta kể cả Đại học tỷ lệ nối mạng Internet là rất ít. Các sinh viên – học sinh tầng lớp trí thức của tương lai còn chưa hiểu sâu Internet là gì, chưa hề có khái niệm về thương mại điện tử. Đối với các doanh nghiệp, những người đóng vai trò chính trong thương mại điện tử cũng không hề biết sử dụng Internet, không nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử.

Về phía Chính phủ, người thứ ba quan trọng trong thương mại điện tử, các  quy chế, các biện pháp quản lý kiểm soát của Nhà nước lại chủ yếu thiên về khía cạnh chính trị, văn hoá, xã hội của Internet (vốn chỉ là những ảnh hưởng phụ, những vấn đề có thể giải quyết bằng giải pháp công nghệ,

giáo  dục hơn là giải quyết bằng những quy định bằng pháp luật nhằm tạo ra những rào cản cho phát triển thương mại điện tử) mà chưa chú ý tới tính thương mại và lợi ích mà Internet mang lại. Vì vậy cả về phía Nhà nước ta, vấn đề nhận thức vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu.

3.2. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật

Cơ sở vật chất cho công nghệ thông tin nước ta còn thấp, nhân tố này có thể dẫn tới gia tăng các chi phí cho việc phát triển các ứng dụng của thương mại điện tử. Do hạ tầng viễn thông còn lạc hậu, do đó thời gian truy cập Internet lâu, phí truy cập Internet cao, gây ra những trở ngại lớn với những người muốn tham gia nối mạng Internet

Dịch vụ tài chính, hệ thống ngân hàng và thanh toán điện tử chưa phát triển. Hệ thống thanh toán thẻ mới hình thành còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Như vậy để tiến đến hình thức thanh toán điện tử ở nước ta có lẽ phải cần đến một thời gian khá dài, ngay cả nếu chúng ta tiến hành những nỗ lực và đầu tư cần thiết ngay từ bây giờ.

3.3. Điều kiện kinh tế

Về điều kiện kinh tế, trên quan điểm tìm hiểu về thương mại điện tử xét trên hai giác độ:

3.3.1/ Thứ nhất về thu nhập của người dân.

Thu nhập của người dân nước ta còn rất thấp, chính vì vậy điều này sẽ gặp nhiều khó khăn khi tương phản với thu nhập là mức cước truy nhập Internet cao nhất thế giới. Thu nhập còn chưa cao do đó thông thường một lẽ tự nhiên là yếu tố giá cả, chất lượng thường được xem là những nhân tố quan trọng hơn nhiều là sự tiện lợi. Người tiêu dùng sẽ rất hạn chế tham gia vào thương mại điện tử nếu như để trả cho sự tiện lợi từ việc mua hàng hoá, hưởng dịch vụ của thương mại điện tử mà phải trả một khoản chi phí với cước truy nhập rất cao.

3.3.2/ Thứ hai về quy mô của các doanh nghiệp

Doanh nghiệp nước ta là các doanh nghiệp nhỏ, thiếu vốn, thông thường trong cạnh tranh bị thua thiệt trước các doanh nghiệp lớn. Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp Ngoại Thương Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới. Khi nghiên cứu thương mại điện tử và phương hướng ứng dụng tại Việt Nam, chúng ta cần phải chú ý nhận thức vấn đề này.

Bối cảnh các quy chế, quy định của Nhà nước ở nước ta hiện nay chưa có quy chế trực tiếp điều chỉnh thương mại điện tử nhưng có các quy định ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử. Đáng chú ý là:

Quyết định số 136/ TTg ngày 5/ 3/ 1997 thành lập Ban điều phối quốc gia về mạng Internet. Trong đó có các quy định về quản lý và kiểm soát mạng Internet của các bộ, ngành tương ứng.

Nghị định 49/ CP về kế hoạch tổng thể Công nghệ thông tin Quốc gia, trong đó việc xây dựng mạng thông tin thương mại và thị trường đã được nêu thành một dự án cần được ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên trong thực tế việc triển khai chưa được chú ý.

Công văn số 363/ VPCP ngày 3/ 2/ 1999 thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới thương mại điện tử theo đó Thủ tướng chính phủ giao Bộ thương mại lập dự án về việc thành lập Hội đồng Quốc gia về thương mại điện tử.

Công văn số 994/ VPCP ngày 09/ 3/ 1999, Thủ tướng giao Bộ Thương Mại và Tổng Cục Bưu Điện nghiên cứu phương án tham gia thương mại điện tử của Việt Nam.

Xét về các quy định hiện đang tồn tại ở Việt Nam hiện nay, có thể nói là chưa có tác dụng kích thích sự phát triển của thương mại điện tử ở nước ta. Thương mại điện tử chưa có môi trường để hoạt động, chưa được thừa nhận một cách hợp pháp. Các quy chế khác có liên quan thì chủ yếu mang tính kiểm soát, quản lý về mặt nội dung của Internet. Các quy định hiện thời về văn bản, chữ ký, tài liệu gốc… không phù hợp với bối cảnh phát triển thương mại điện tử. Để tạo điều kiện phát triển thương mại điện tử ở nước ta Nhà nước cần nhanh chóng hình thành môi trường pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử tạo chỗ dựa cho doanh nghiệp tham gia vào kinh doanh điện tử.

CHƯƠNG II.

HIỆN TRẠNG ÁP DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG

GIAO NHẬN HÀNG HÓA

  1. HIỆN TRẠNG ÁP DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NÓI CHUNG Ở VIỆT NAM

Mặc dù cho đến thời điểm hiện nay Chính phủ Việt Nam chưa có một tuyên bố chính thức nào về thương mại điện tử, nhưng trong thực tế Chính phủ đã có những bước đi chắc chắn và bài bản trên con đường tiến tới triển khai và ứng dụng thương mại điện tử ở Việt Nam. Có thể nói đến lúc này vấn đề đặt ra không còn là có chấp nhận hay không chấp nhận, mà là chúng ta sẽ tham gia, sẽ áp dụng thương mại điện tử sao cho phù hợp với lợi ích, điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Riêng trong hai tổ chức APEC và ASEAN mà nước ta là thành viên, đã đạt được thoả thuận về các nguyên tắc chỉ đạo chung (trong ASEAN) và chương trình hành động (trong APEC) về thương mại điện tử. Nước ta đã tham gia Tiểu ban điều phối về thương mại điện tử của ASEAN và tham gia soạn thảo và thoả thuận các nguyên tắc chung cho thương mại điện tử của Tổ chức này. Ngày 24/11/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Hiệp định khung về E-ASEAN, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc phát triển không gian điện tử và thương mại điện tử trong khuôn khổ các nước ASEAN.

Ngày 5/3/1997 được xem là dấu mốc đầu tiên đánh dấu Internet Việt nam khởi động làm cơ sở cho thương mại điện tử bằng việc ban hành Nghị định 21/CP Chính phủ đã chính thức tạo hành lang pháp lý cho quyền khai thác, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam một cách hợp pháp. Cùng với Nghị định 21/CP, Nhà nước đã ban hành quyết định số 136/TTg ngày 5/3/1997 thành lập Ban điều phối quốc gia về mạng Internet ở Việt Nam.

Nói đến thương mại điện tử nghĩa là việc sử dụng các phương tiện điện tử để làm thương mại hay nói chính xác hơn là việc trao đổi thông tin thương mại qua các phương tiện điện tử. Phương tiện điện tử bao gồm điện thoại, điện báo, máy fax, truyền hình, Internet/Web … Nếu hiểu theo nghĩa của thương mại điện tử như trên thì thương mại điện tử đã được áp dụng trong thương mại của tất cả các doanh nghiệp từ rất lâu.

Việt Nam với trên 56.000 doanh nghiệp cả Nhà nước và tư nhân hoạt động thương mại trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… thì việc áp dụng các phương tiện của thương mại điện tử là việc tất yếu mang tính sống còn đối với doanh nghiệp.

1.1. Điện thoại.

Điện thoại là một phương tiện phổ thông, dễ sử dụng và thường mở đầu cho các cuộc giao dịch thương mại của doanh nghiệp. Qua điện thoại doanh nghiệp có thể trao đổi và cung cấp các thông tin cần thiết cho khách hàng. Với sự phát triển của điện thoại di động, ứng dụng của điện thoại đang và sẽ trở nên càng rộng rãi hơn. Tuy nhiên công cụ điện thoại có mặt hạn chế là chỉ truyền tải được âm thanh, mọi cuộc giao dịch cuối cùng vẫn phải kết thúc bằng văn bản. Ngoài ra, chi phí giao dịch điện thoại nhất là điện thoại đường dài và điện thoại ngoài nước vẫn còn cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2. Máy fax

Nhờ máy fax, doanh nghiệp có thể thay thế các dịch vụ giao dịch giấy tờ, đưa công văn truyền thống, ký kết hợp đồng ngoại thương mà không cần phải trực tiếp gặp gỡ. Đến nay, máy fax gần như đã thay thế hẳn máy Telex chỉ truyền được lời văn. Nhưng máy fax có một số mặt hạn chế như: không thể truyền tải được âm thanh, hình ảnh động, hình ảnh ba chiều, ngay cả các hình ảnh phức tạp cũng không truyền tải được. Hơn nữa, giá máy và chi phí sử dụng còn cao.

1.3. Truyền hình

Ngày nay, truyền hình trở thành một trong những công cụ điện tử phổ thông nhất. Truyền hình đóng vai trò quan trọng trong thương mại nhất là trong quảng cáo hàng hóa. Ở Việt Nam, quảng cáo trên truyền hình của các doanh nghiệp chiếm tới 1/4 tổng chi phí quảng cáo hàng năm. Song truyền hình chỉ là một công cụ viễn thông “một chiều”; qua truyền hình khách hàng không thể tìm kiếm được các chào hàng, không thể đàm phán với người bán về các điều khoản mua bán cụ thể. Nay, máy thu hình được nối kết với máy tính điện tử thì công dụng của nó được mở rộng hơn.

1.4. Thanh toán điện tử

Mục tiêu cuối cùng của mọi cuộc mua bán là người mua nhận được hàng và người bán nhận được tiền trả cho số hàng đó, thanh toán vì thế là khâu quan trọng bậc nhất của thương mại, và thương mại điện tử không thể thiếu được công cụ thanh toán điện tử thông qua các hệ thống thanh toán điện tử và chuyển tiền điện tử mà bản chất là các phương tiện tự động chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác. Nay đã xuất hiện cả hình thức tự động chuyển tiền mặt thông qua các “túi tiền điện tử” (electronic purse). Thanh toán điện tử sử dụng rộng rãi các máy rút tiền tự động (ATM: Automatic Teller Machine), thẻ tín dụng (credit card) các loại, thẻ mua hàng (purchasing card), thẻ thông minh (smart card) v.v.

1.5. Internet/Web

Thương mại điện tử theo nghĩa hẹp bao gồm các hoạt động thương mại được thực hiện thông qua mạng Internet. Khi nói Internet, ta nói tới một phương tiện liên kết các mạng với nhau trên phạm vi toàn cầu tạo ra hàng chục dịch vụ khác nhau. Sự ra đời của Internet tại Việt Nam nhận được sự hoan nghênh và nhiệt tình ủng hộ từ phía các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí mà đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài. Sau một năm kể từ ngày 19/11/1997 mốc của sự gia nhập mạng toàn cầu của nước ta (theo Thời báo kinh tế số 2 ngày 06/01/1999) số máy nối kết với Internet tại Việt Nam là 17.000 với tốc độ tăng trung bình là 23% mỗi tháng.

Trong số 17.000 khách hàng thì chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh con số đã là 6.300 người tương ứng với 55% tổng số người sử dụng trên cả nước. Thành phần sử dụng Internet đa số là các cá nhân Việt Nam chiếm 42%, sau đó là các công ty, cơ quan và người nước ngoài chiếm 33%. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, các công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 16%, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 6% và khu vực cơ quan hành chính sự nghiệp là 3%.

Trung bình theo thống kê của Việt Nam vào thời gian này, thì cước phí hàng tháng mà một máy tính truy cập Internet phải trả ở nước ta là 350.000 đ/tháng. Rõ ràng với mức đó còn quá cao so với thu nhập ở nước ta. Ở đây có một nghịch lý là thu nhập bình quân đầu người ở nước ta rất thấp trong khi đó thì cước phí thu do sử dụng Internet lại thuộc loại rất cao, có thể nói là cao nhất thế giới. Do đó cùng với số người kết nối rất ít, thì trong số đó người sử dụng không thường xuyên là chủ yếu. Cước cao chính là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển Internet ở Việt Nam.

Trước thực tế đó, kể từ ngày 1/ 1/ 1999 quyết định giảm cước đã được áp dụng nhằm tạo điều kiện mở rộng đối tượng nối kết với Internet. Trước đây cước thuê bao hàng tháng từ 50.000 đồng xuống còn 45.000 đồng. Đến nay cước truy cập được tính theo số giờ truy cập, tính ra trung bình cũng là 45.000 đến 50.000 đồng/1 tháng. Cước truy cập gián tiếp qua mạng điện thoại từ 400 đồng/ phút xuống còn 290 đồng/ phút ban ngày và 200 đồng/ phút ban đêm. Với mức cước này tuy vẫn còn cao hơn nhiều giá quốc tế song chắc chắn sẽ làm tăng nhanh số máy tính truy cập vào Internet ở nước ta.

Và thực tế sau quyết định giảm phí truy cập lần đầu này số người hoà mạng Internet đã tăng lên nhanh chóng. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 29 tháng 12 năm 1999 thì con số thuê bao Internet ở nước ta đã tăng lên 50.000 người, tăng 300 % so với cùng kỳ năm 1998.

Gần đây để tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển Internet và thương mại điện tử đợt giảm cước thứ hai đã được tiến hành và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2000. (Bảng cước sau trích từ http://www.fpt.vn )

Cước thuê bao 30,000 VND/tháng
Ngày bình th­ường (Thứ Hai đến Thứ Sáu)
Từ 07:00 đến 19:00 250 VND/phút
Từ 19:00 đến 24:00 180 VND/phút
Từ 00:00 đến 07:00 150 VND/phút
Các ngày lễ, Thứ Bảy và Chủ Nhật
Từ 07:00 đến 19:00 180 VND/phút
Từ 19:00 đến 07:00 150 VND/phút

Internet ở nước ta trong những năm qua đạt được tỷ lệ tăng cao thể hiện được tiềm năng to lớn trong triển vọng phát triển mạng Internet tại nước ta. Tính từ tháng 11 năm 1997 chúng ta mới chính thức tiến hành nối mạng Internet, nếu tính đến nay thì thời gian còn chưa được bao lâu, hơn nữa nền tảng công nghệ cũng như nhận thức, trình độ công nghệ thông tin trong nước chưa cao, song đạt được mức độ tăng trưởng như vậy cũng là một kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng là rất lớn vì có rất nhiều người có nhu cầu kết nối nhưng do gặp khó khăn về mức cước còn quá cao so với thu nhập. Đây có lẽ là trở ngại lớn nhất mà chúng ta cần phải giải quyết trong giai đoạn này.

Cơ sở vật chất của chúng ta mặc dù còn chưa đáp ứng được yêu cầu đầy đủ của thương mại điện tử, song hiện tại nhìn vào ngành công nghệ thông tin nước ta, chúng ta cũng có những tiềm năng đáng kể không phải là nhỏ: Lực lượng lao động trong ngành công nghệ thông tin khá lớn, con số 30.000 người, số lượng khoảng 1.200.000 máy PC đang được sử dụng, tốc độ phát triển chung của thị trường công nghệ thông tin – viễn thông tới 40% mỗi năm, trong đó sự tăng trưởng trong lĩnh vực Internet là mạnh nhất. Với tốc độ tăng trưởng số người nối mạng Internet như hiện nay, tính đến năm 2001 có 230.000 người dùng Internet. Con số này vào năm 2003 có thể sẽ đạt đến hơn 1,2 triệu (tài liệu FPT).

Sự tăng trưởng số người nối mạng Internet ở nước ta sẽ có xu hướng ngày càng mạnh khi hạ tầng viễn thông của chúng ta đang dần dần được cải thiện, chi phí nối kết có xu hướng giảm xuống, nhận thức xã hội ngày càng cao, thông tin và các dịch vụ trên mạng Internet ngày càng đa dạng hấp dẫn, máy tính ngày càng rẻ cùng với thu nhập ngày càng cao, dẫn tới khả năng trang bị một máy vi tính, điện thoại và modem để nối với Internet không còn là một vấn đề xa vời đối với đa số người dân nước ta. Lợi ích từ thương mại điện tử ngày càng được nhận thức rõ. Sự phát triển của Internet trên khắp các quốc gia, châu lục với tốc độ chóng mặt. Xã hội thông tin số hóa không biên giới gắn liền với toàn cầu hóa là xu hướng không thể đảo ngược mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy… Tất cả những yếu tố đó, chúng ta có thể chắc chắn khẳng định được rằng sự tăng trưởng số người hòa mạng ở nước ta sẽ ngày càng cao hơn.

Nhưng nổi bật nhất tới nay trong các dịch vụ Internet là dịch vụ World Wide Web (gọi tắt là Web, viết tắt là WWW hoặc W3) là công nghệ sử dụng các siêu liên kết văn bản (hyper link, hyper text). Web với tư cách là một không gian ảo cho thông tin đã được toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chấp nhận làm tiêu chuẩn giao tiếp thông tin.

Ngày nay, do công nghệ Internet được phát triển rộng rãi, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều chi phí, tốc độ xử lý thông tin cũng như giao dịch qua Internet tăng nhanh. Qua địa chỉ của mình trên Internet, doanh nghiệp tiến hành các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, tìm khách hàng hay giao tiếp với khách hàng. Đây là một phương tiện phục vụ kinh doanh quan trọng và có hiệu quả nhất của thương mại điện tử.

Mặc dù có hay không có Internet/Web doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện thương mại điện tử (qua các phương tiện điện tử khác) song ngày nay, nói tới thương mại điện tử thường có nghĩa là nói tới Internet/Web vì thương mại đã và đang trong tiến trình toàn cầu hóa và hiệu quả hóa nên các doanh nghiệp đã và sẽ phải sử dụng triệt để Internet và Web như các phương tiện đã được quốc tế hóa cao độ và có hiệu quả sử dụng cao. Có như vậy thương mại điện tử mà thực chất là kinh doanh trên Internet sẽ ngày càng tăng và phổ biến rộng rãi.

II/ HỆN TRẠNG ÁP DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG GIAO NHẬN HÀNG HÓA.

2.1. Vai trò của giao nhận hàng hoá trong kinh doanh

Giao nhận hàng hóa là ngành nghề dịch vụ thương mại gắn liền và liên quan mật thiết tới hoạt động ngoại thương và vận tải đối ngoại. Đây là một loại hình dịch vụ thương mại không cần đầu tư nhiều vốn nhưng mang lại một nguồn lợi tương đối chắc chắn và ổn định nếu biết khéo léo tổ chức và điều hành trên cơ sở tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có.

Trước đây khi sản xuất và lưu thông chưa phát triển thì giao nhận là một khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Khi sản xuất và lưu thông phát triển ở mức độ cao, nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn thì hoạt động giao nhận tách riêng thành một nghề mới. Trong xu thế quốc tế hóa đời sống như hiện nay thì hoạt động giao nhận càng có vai trò quan trọng. Điều này thể hiện ở:

  • Đặc điểm nổi bật của thương mại quốc tế là người mua và người bán ở những nước khác nhau. Sau khi hợp đồng mua bán được ký kết, người bán thực hiện việc giao hàng tức là hàng được vận chuyển từ người bán sang người mua. Để cho quá trình vận chuyển đó được bắt đầu, tiếp tục và kết thúc tức là hàng hóa tới tay người mua, cần phải thực hiện một loạt các công việc khác nhau liên quan tới chuyên chở như: đưa hàng ra cảng, làm thủ tục gửi hàng, xếp hàng lên tàu, chuyển tải hàng ở dọc đường, dỡ hàng ra khỏi tàu và giao cho người nhận … Tất cả những công việc đó là nghiệp vụ của người giao nhận. Như vậy trước tiên nghiệp vụ giao nhận là điều kiện không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của thương mại quốc tế.
  • Hoạt động giao nhận tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm mà không cần có sự tham gia hiện diện của người gửi cũng như người nhận hàng.
  • Giúp người chuyên chở đẩy nhanh tốc độ vòng quay của các phương tiện vận tải; tận dụng một cách tối đa và có hiệu quả dung tích, trọng tải của các phương tiện vận tải, các công cụ vận tải cũng như các phương tiện hỗ trợ khác.
  • Tạo điều kiện cho các nhà xuất nhập khẩu có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh của họ.
  • Góp phần giảm giá thành hàng hóa xuất nhập khẩu.
  • Bên cạnh đó giao nhận cũng giúp các nhà xuất nhập khẩu giảm bớt các chi phí không cần thiết khác như: chi phí xây dựng kho tàng, bến bãi nhờ vào việc sử dụng kho tàng, bến bãi của người giao nhận, chi phí đào tạo nhân công …

2.2. Các hình thức áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa.

Giao nhận hàng hoá là một loại hình dịch vụ của xã hội hiện đại, của sự chuyên môn hoá cao. Trong thương mại điện tử thì cơ hội phát triển hay quảng bá dịch vụ của người giao nhận là rất lớn. Một hoạt động thương mại điện tử diễn ra có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có doanh nghiệp chỉ áp dụng thương mại điện tử như một phương thức để quảng cáo giới thiệu hàng hoá, có doanh nghiệp chỉ áp dụng thương mại điện tử như một công cụ để tiến hành các trao đổi giao dịch v.v. Tuy nhiên, xét một cách tương đối đầy đủ thì hoạt động giao nhận hàng hóa áp dụng thương mại điện tử diễn ra theo các hình thức sau:

2.2.1. Thư điện tử

Doanh nghiệp giao nhận sau khi đã đăng ký một địa chỉ trên Internet thì có thể sử dụng hòm thư điện tử để gửi thư cho các đối tác một cách “trực tuyến”. Thư điện tử (electronic mail: E-mail) là một phương tiện trao đổi thông tin ở dạng “phi cấu trúc” (unstructured form), nghĩa là thông tin không phải tuân thủ một cấu trúc đã thoả thuận trước hoặc định sẵn. Ngoài ra, thư điện tử còn là một phương tiện trao đổi thông tin với một thời gian ngắn nhất, chi phí rẻ nhất có thể sử dụng được mọi lúc, đến được mọi nơi trên thế giới. Qua thư điện tử, doanh nghiệp giao nhận và đối tác tiến hành các giao dịch về chọn tuyến đường, phương thức vận tải, người chuyên chở thích hợp, các chứng từ cần thiết… và thảo luận các điều khoản và điều kiện có liên quan để ký kết hợp đồng giao nhận.

2.2.2. Thanh toán điện tử.

Thanh toán điện tử (electronic payment) là quá trình thanh toán dựa trên hệ thống thanh toán tài chính tự động mà ở đó diễn ra sự trao đổi các thông điệp điện tử (electronic message) với chức năng là tiền tệ, thể hiện giá trị của một cuộc giao dịch. Như đã nói ở trên, thương mại điện tử không thể thiếu được công cụ thanh toán điện tử và chuyển tiền điện tử. Doanh nghiệp giao nhận sau khi đã hoàn tất công việc thì yêu cầu khách hàng thanh toán cho doanh nghiệp bằng một số hình thức chính sau:

* Trao đổi dữ liệu tài chính (Financial Electronic Data Interchange, gọi tắt là FEDI) chuyên phục vụ cho thanh toán điện tử giữa các công ty giao dịch với nhau bằng điện tử.

* Tiền mặt Internet (Internet card): Tiền mặt được mua từ một nơi phát hành (Ngân hàng hoặc một tổ chức tín dụng), sau đó được chuyển đổi tự do sang các đồng tiền khác thông qua Internet, sử dụng trên phạm vi thế giới và tất cả đều được thực hiện bằng kỹ thuật số hóa (digital cash). Sử dụng tiền mặt số hóa này có thể được dùng để thanh toán những món hàng giá trị nhỏ, do chi phí giao dịch mua hàng và chi phí chuyển tiền rất thấp. Hơn nữa nó không đòi hỏi một qui chế được thoả thuận từ trước, có thể tiến hành giữa hai con người, hai công ty bất kỳ, hoặc là các thanh toán vô hình. Tiền mặt nhận được đảm bảo là tiền thật, tránh được nguy cơ tiền giả.

* Thẻ thông minh (smart card) là một loại thẻ giống như thẻ tín dụng nhưng ở mặt sau của thẻ, thay vì cho dải từ, lại là một con chíp máy tính điện tử có một bộ nhớ nhỏ để lưu trữ tiền số hóa. Tiền ấy chỉ được “chi trả” khi người sử dụng và thông điệp được xác thực là “đúng”.

* Giao dịch ngân hàng số hóa (Digital banking): Hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng là một đại hệ thống gồm nhiều tiểu hệ thống:

  • Thanh toán giữa ngân hàng với khách hàng.
  • Thanh toán giữa các ngân hàng với các đại lý thanh toán.
  • Thanh toán trong nội bộ hệ thống ngân hàng.
  • Thanh toán giữa hệ thống ngân hàng này với hệ thống ngân hàng khác (thanh toán liên ngân hàng).

2.2.3. Trao đổi dữ liệu điện tử.

Trao đổi dữ liệu điện tử (electronic data interchange, gọi tắt là EDI) là việc trao đổi dữ liệu dưới dạng “có cấu trúc” (structured form) từ máy tính điện tử này sang máy tính điện tử khác, giữa các doanh nghiệp giao nhận đã thoả thuận với nhau một cách tự động mà không cần có sự can thiệp của con người (gọi là dữ liệu có cấu trúc, vì các bên đối tác phải thỏa thuận từ trước khuôn dạng cấu trúc của các thông tin). Theo Uỷ ban Liên hiệp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) định nghĩa pháp lý sau đây: “Trao đổi dữ liệu điện tử” (EDI) là việc chuyển giao thông tin từ máy tính điện tử này sang máy tính điện tử khác bằng phương tiện điện tử mà sử dụng một tiêu chuẩn đã được thoả thuận để cấu truc thông tin. EDI được sử dụng từ trước khi có Internet, trước tiên người ta dùng “mạng gia tăng giá trị” (Value added network: VAN) để liên kết các đối tác EDI với nhau. Cốt lõi của VAN là một hệ thống thư tín điện tử cho phép các máy tính điện tử liên lạc được với nhau và hoạt động như một phương tiện lưu trữ và tìm gọi: khi kết nối vào VAN, doanh nghiệp sẽ có thể liên lạc với rất nhiều máy tính điện tử nằm ở mọi nơi trên thế giới. Ngày nay VAN được xây dựng chủ yếu là trên nền Internet.

2.2.4. Bán lẻ hàng hóa vô hình.

Bán lẻ hàng hóa trên mạng Internet là việc tiến hành bán tất cả các sản phẩm mà một công ty có thể có thông qua mạng Internet. Nhưng đối với doanh nghiệp giao nhận, “hàng hóa” ở đây là một trang Web gồm: hệ thống quảng cáo dịch vụ, hệ thống tư vấn và hỗ trợ khách hàng trực tuyến… giúp các doanh nghiệp có nhu cầu thuê dịch vụ giao nhận được tư vấn, kiểm chứng và củng cố lòng tin về các dịch vụ của doanh nghiệp giao nhận.

III. NHỮNG VIỆC CÒN TỒN TẠI KHI ÁP DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG GIAO NHẬN HÀNG HÓA.

Trong giao nhận hàng hóa để áp dụng hết các cơ hội mà thương mại điện tử đem lại thì khó có thể thực hiện được. Điều này cũng không có gì khó hiểu vì chúng ta mới chỉ bước vào công nghệ thông tin được hơn một thập kỷ, tham gia mạng Internet được vài năm nên nhận thức của chúng ta còn nhiều hạn chế. Do vậy, thương mại điện tử đã và đang đặt ra hàng loạt các vấn đề phải giải quyết.

3.1. Hạ tầng về cơ sở công nghệ

Thương mại điện tử không phải là một sáng kiến ngẫu hứng mà là hệ qủa tất yếu của sự phát triển kỹ thuật số hóa của công nghệ thông tin, mà trước hết là kỹ thuật máy tính. Vì thế chỉ có thể thực sự tiến hành thương mại điện tử có hiệu quả khi các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận đã có một mạng lưới máy tính được nối mạng hoàn thiện.

Hạ tầng cơ sở công nghệ không chỉ có nghĩa là tính hiện hữu (availability); mà còn hàm nghĩa có tính kinh tế sử dụng (affordability), nghĩa là chi phí trang bị các phương tiện công nghệ thông tin (điện thoại, máy tính, modem v.v.) và chi phí dịch vụ truyền thông (phí điện thoại, phí nối mạng và truy cập mạng) phải đủ rẻ để đông đảo người sử dụng có thể tiếp cận được. Điều này các doanh nghiệp giao nhận cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

3.2. Hạ tầng cơ sở về nhân lực.

Thương mại trong khái niệm “thương mại điện tử” động chạm tới mọi con người, từ người tiêu thụ tới người sản xuất phân phối, tới các cơ quan Chính phủ, tới các nhà công nghệ và phát triển. Áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa tất yếu làm nảy sinh yêu cầu mọi nhân viên trong doanh nghiệp giao nhận phải quen thuộc và có khả năng thành thạo hoạt động trên mạng. Ngoài ra, các nhân viên này phải thường xuyên bắt kịp các công nghệ thông tin mới phát triển để phục vụ cho thương mại điện tử và các thông tin về kinh doanh giao nhận của các doanh nghiệp khác để từ đó rút ra những kinh nghiệm cho mình.

Khi sử dụng Internet/Web, thì một yêu cầu tự nhiên nữa của kinh doanh trực tuyến là tất cả những nhân viên giao nhận tham gia đều phải giỏi Anh ngữ, ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng trong thương mại nói chung, và thương mại điện tử qua mạng Internet nói riêng, vẫn là tiếng Anh.

Đòi hỏi này của thương mại điện tử sẽ dẫn tới sự thay đổi căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo cuả các quốc gia muốn tham gia đầy đủ vào hệ thống giao dịch thương mại điện tử toàn cầu nói chung và hoạt động kinh doanh giao nhận nói riêng trong tương lai.

3.3. Hạ tầng cơ sở về kinh tế và pháp lý.

Môi trường kinh tế, pháp lý của mỗi doanh nghiệp giao nhận phải hòa nhập được với môi trường kinh tế, pháp lý quốc gia và quốc tế bởi vì, ngay trong bản thân của nền kinh tế tri thức và thương mại điện tử mang tính toàn cầu hóa rất cao. Một số vấn đề sẽ bị thay đổi có tính đảo lộn so với truyền thống kinh doanh trước đây, thí dụ, đánh thuế trong thương mại điện tử áp dụng trong giao nhận hàng hóa như thế nào? Đánh thuế các dung liệu (hàng hóa phi vật thể: Âm nhạc, phần mềm, …)? Những hàng hóa, dịch vụ truyền qua mạng mang tính không biên giới và không qua hải quan như vậy thì ta phải xây dựng tính pháp lý trong thương mại điện tử như thế nào? Tuy nhiên về mặt pháp lý, cần phải giải quyết được một số vấn đề:

  • Thừa nhận tính pháp lý của giao dịch thương mại điện tử.
  • Bảo vệ pháp lý đối với các hoạt động thương mại điện tử.
  • Thừa nhận tính pháp lý của chữ ký điện tử, chữ ký số hóa.
  • Xây dựng các thiết chế pháp lý, các cơ quan pháp lý thích hợp cho việc xác thực/chứng nhận hay chứng thực (Authentication/Certification) chữ ký điện tử và chữ ký số hóa.

Vì những lý do tương tự như trên, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử đang được các nước xem xét một cách chiến lược và thận trọng.

3.4. An toàn và bảo mật

Giao dịch thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa đòi hỏi rất cao về bảo mật và an toàn, nhất là khi hoạt động trên Internet/Web:

  • Bản thân mạng viễn thông phải đảm bảo an toàn và tin cậy;
  • Phải có các công cụ hữu hiệu để bảo vệ các hệ thống thông tin kết nối tới các mạng viễn thông đó;
  • Phải có những biện pháp hữu hiệu để xác nhận và bảo đảm tính bảo mật của dữ liệu điện tử tránh được những truy nhập trái phép.

Trong lĩnh vực giao nhận, người giao hàng thì lo người nhận hàng không thanh toán cho các hợp đồng đã được ký kết theo kiểu điện tử qua Web, người nhận hàng thì lo các chi tiết của thẻ tín dụng của mình bị lộ, kẻ xấu sẽ lợi dụng mà rút tiền.

Kỹ thuật mã hóa (cryptography) hiện đại (trong đó có kỹ thuật “Mã hóa công khai/bí mật”), với khóa dài tối thiểu tới 1024, 2048 bit, cùng với các công nghệ SSL (Secure Sockets Layer), SET (Secure Electronic Transaction) đang giúp giải quyết vấn đề này, trong đó có vấn đề “chữ ký điện tử” (electronic signature), “chữ kỹ số hóa” (digital signature) (là chữ ký biểu diễn bằng các bit điện tử, và được xác thực thông qua giải mã).

* Mã khoá công khai/bí mật

Ta biết rằng, mật mã thường dùng trước đây là hệ mã đối xứng, tức là dùng một cặp mã khóa giống nhau cho cả hai bên để mã hóa và giải mã, hệ mã này rất phức tạp trong quá trình phân phát khóa, do vậy không thể triển khai trên mạng được. Từ năm 1976 người ta đã khắc phục những thiếu sót của hệ mã cũ, kỹ thuật mã công khai/bí mật được đưa vào sử dụng. Với mật mã khóa công khai/bí mật, mỗi bên có hai khóa: một khóa công khai và một khoá bí mật, một văn bản bất kỳ được mã bằng khóa công khai và giải mã bằng khóa bí mật. Khoá bí mật chỉ người nhận mới có và không thể tính toán suy được khoá mật từ khoá công khai. Nếu bên giao hàng muốn gửi thông báo bí mật cho bên nhận hàng, bên giao hàng lấy khóa công khai của bên nhận hàng rồi mã hóa thông báo đó. Chỉ bên nhận hàng có mã khóa bí mật của mình mới giải mã được thông báo đó và nhận được văn bản gốc.

Tuy nhiên, bản thân các mã bí mật cũng có thể bị khám phá bởi các kỹ thuật giải mã tinh vi, nhất là kỹ thuật của bên có đẳng cấp công nghệ cao hơn hẳn. Vì vậy, nếu không có các luật và các phương tiện thích đáng để bảo vệ thông tin, thì một doanh nghiệp giao nhận rất có thể sẽ bị cách ly khỏi hoạt động kinh doanh giao nhận trong thương mại điện tử quốc tế.

3.5. Hệ thống thanh toán tài chính tự động

Thương mại điện tử chỉ có thể thực hiện khi đã tồn tại một hệ thống thanh toán tài chính (financial payment) phát triển cho phép thực hiện thanh toán tự động. Như vậy cần phải xây dựng một hệ thống mạng thanh toán liên ngân hàng. Để đảm bảo an ninh, mạng liên ngân hàng là mạng riêng, không kết nối với Internet và không xây dựng trên chuẩn TCP/CP (giao thức chuẩn quốc tế). Với việc thiết lập một mạng nghiệp vụ tài chính ngân hàng toàn cầu đã cung cấp các dịch vụ ngân hàng trong đó thông tin trao đổi đã được chuẩn hóa như dịch vụ mở tín dụng thư, dịch vụ chuyển tiền. Ngoài ra, hệ thống thương mại điện tử cung cấp dịch vụ thanh toán cho Internet user (người sử dụng Internet) từ Internet thanh toán vào mạng riêng của ngân hàng. Hệ thống thương mại điện tử sẽ đóng vai trò như một cổng (Gateway) giữa Internet và mạng ngân hàng. Khi chưa có hệ thống này thì doanh nghiệp giao nhận chỉ ứng dụng được phần trao đổi thông tin, thanh toán vẫn phải kết thúc bằng các phương tiện thanh toán truyền thống, khi ấy hiệu quả của kinh doanh giao nhận trong thương mại điện tử bị giảm thấp và có thể không đủ để bù lại các chi phí trang bị công nghệ đã bỏ ra. Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp giao nhận phải có sự hội nhập và thiết lập một hệ thống thanh toán tài chính hoàn thiện trên nền tảng của thương mại điện tử.

3.6. Bảo vệ sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng

Giá trị sản phẩm ngày càng chứa trong nó hàm lượng chất xám ngày càng cao, và giá trị sản phẩm được quyết định bởi giá trị tri thức kết tinh trong đó. Chất xám (tài sản cơ bản của từng đất nước, từng tổ chức, và từng con người) đã và đang chuyển thành “tài sản chất xám”. Thông tin trở thành tài sản, bảo vệ tài sản cuối cùng sẽ có nghĩa là bảo vệ thông tin.

Ngày nay, bảo vệ sở hữu trí tuệ và bản quyền chính là bảo vệ các giá trị thông tin trên Internet/Web. Các thông tin trên mạng như: quảng cáo, nhãn hiệu thương mại, tên sản phẩm, tên công ty, tên miền, sơ sở dữ liệu, các dung liệu truyền gửi qua mạng … đang đặt trước tình hình cần phải có một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, qui định cụ thể.

Trong thương mại điện tử, thông tin về hàng hóa đều là thông tin số hóa, khách hàng không được tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, không được nhìn, sờ mó, nếm thử … Còn thông tin về các dịch vụ thì khách hàng không thể kiểm tra hay kiểm định chất lượng dịch vụ dẫn đến không có khả năng đánh giá chính xác chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Hoặc với các cơ sở dữ liệu, tính chính xác của nguồn thông tin cung cấp, của bản thân những thông tin đó có trung thực và có giá trị hay không là vô cùng khó xác định. Vì vậy cần thiết phải có một tổ chức, hay một trung gian đảm bảo về chất lượng hoạt động có hiệu quả. Nhà nước có thể xây dựng một khung luật pháp về chương trình hành động để có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín của doanh nghiệp.

CHƯƠNG III.

KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG GIAO NHẬN HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM.

I. PHƯƠNG HƯỚNG ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM.

Nghiên cứu một mô hình thương mại điện tử tại Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ môi trường hiện tại, chiều hướng thay đổi của môi trường, điều kiện cần và đủ cho thương mại điện tử trong nước và điểm mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp. Cho đến nay, thương mại điện tử ở nước ta còn mới, thực tiễn chưa có nhiều. Vì vậy, bên cạnh tìm hiểu kỹ thực trạng phát triển thương mại điện tử trong nước, chúng ta phải kết hợp xem xét thực tiễn thương mại điện tử ở các nước đi trước, những nước phát triển nhất đồng thời có những điều kiện mô hình tương tự như chúng ta, để có thể đưa ra được một giải pháp phù hợp sát thực tiễn và khả thi, cụ thể:

  • Tích cực chủ động song tiến hành từng bước vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ phạm vi hẹp rồi mở rộng dần.
  • Triển khai đan xen các khâu chuẩn bị, ứng dụng, từng bước hoàn thiện các hạ tầng cơ sở cho thương mại điện tử, đồng thời tiến hành các hoạt động thử nghiệm ứng dụng, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp và dân chúng về thương mại điện tử, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
  • Tích cực tham gia hợp tác quốc tế để tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn kinh phí.
  • Nhà nước đề ra mục tiêu phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý, xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin; doanh nghiệp chủ động tham gia vào thương mại điện tử.

 

Trở lại với thực tiễn: Hiện nay các ứng dụng Internet của ta chủ yếu ở các hoạt động: mua bán hàng hoá, trao đổi thông tin, quảng cáo, triển lãm trên mạng … đang nhắm tới các đối tượng thuê bao Internet. Trong khi số lượng thuê bao Internet ở nước ta hiện nay lại rất thấp. Điều này khiến cho các siêu thị điện tử ở Việt Nam thất vọng vì vắng khách, do dung lượng thị trường còn quá nhỏ bé. Năm 1998 công ty trách nhiệm hữu hạn Duy Việt đã thử nghiệm bán hàng qua mạng nhưng, đến nay đã ngừng hoạt động. Vietnam Cybermall thì cũng gặp khó khăn với quy mô lớn nhưng khách thì chỉ có khoảng 200 người một tháng. FPT huỷ bỏ kế hoạch khai trương siêu thị điện tử lớn nhất với khoảng 1000 mặt hàng… Thực tế có không ít các doanh nghiệp muốn tham gia vào kinh doanh điện tử, thực hiện bán hàng qua mạng, nhưng một phần ngưng lại, một phần chuyển hướng, còn lại hoạt động cầm chừng vì vắng khách.

Tại sao “Chợ điện tử” “Siêu thị điện tử” lại chưa hợp trong điều kiện nước ta? Hiện số người sử dụng Internet chưa nhiều, giá cước truy cập cao, phương tiện thanh toán chưa phát triển. Ở nước ta đa phần người làm việc trên máy tính là nam giới, trong khi đó đa số công việc mua sắm là do phụ nữ đảm nhiệm … Như vậy mô hình thích hợp cho thương mại điện tử ở nước ta trong giai đoạn đầu là gì?

Trước tiên, một điều dễ nhận thấy là với điều kiện hiện nay, một giải pháp áp dụng toàn diện là chưa thể vận dụng được khi điều kiện và phương tiện kỹ thuật của chúng ta chưa cho phép.

Hiện vẫn chưa có tài liệu nào đề cập đến vấn đề sử dụng Internet trong ngoại thương của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy rằng ở nước ta đã có một số công ty xuất hiện trên Internet với mục đích kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm … Song đó chưa phải là một kế hoạch tập trung hướng thị trường nước ngoài. Đây mới chính là phương hướng mà khóa luận nhắm tới, bởi vì trước mắt số người nối kết Internet ở Việt Nam còn rất ít, hơn nữa bằng những phương pháp cũ doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải rất nhiều bế tắc trong tiếp cận thị trường nước ngoài.

Ở nước ta, nếu trông chờ ở những người mua hàng trên Internet trong nước, thì con số này thật khó có thể sinh lời. Với kinh doanh quốc tế và thị trường nước ngoài khó tiếp cận bằng phương pháp thông thường thì lại dễ dàng hơn nếu tiếp cận bằng phương pháp kinh doanh điện tử. Trong điều kiện tiềm lực kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, khó có điều kiện thiết lập hệ thống đại lý ở nước ngoài. Internet và những ưu thế vốn có của nó, có thể là rất phù hợp với các doanh nghiệp giao nhận nói riêng ở nước ta.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN, THUẬN LỢI KHI ÁP DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỂN TỬ

   TRONG GIAO NHẬN HÀNG HÓA.

 

2.1. Những khó khăn

Ngoài những khó khăn mà thương mại điện tử Việt Nam nói chung và áp dụng trong giao nhận hàng hóa nói riêng đã gặp phải, trong những năm tới để đề ra những kiến nghị vừa khắc phục được những khó khăn hiện tại lại vừa tránh được những rào cản tương lai. Phần này khoá luận sẽ phân tích những khía cạnh khó khăn khi áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa có thể phải có biện pháp khắc phục để vượt qua.

2.1.1/ Thiếu nguồn nhân lực:

Rất có thể, đây sẽ là một trở ngại lớn cho việc phát triển thương mại điện tử của chúng ta trong giai đoạn tới. Cho đến nay,  nước ta chưa hề có loại hình đào tạo thương mại điện tử. Trước xu thế phát triển rất nhanh của phương thức kinh doanh này có lẽ chúng ta sẽ cần tới một đội ngũ nhân viên lao động trong lĩnh vực này khá lớn. Song thực sự thì ở nước ta chưa hề thấy xuất hiện dấu hiệu nào về việc chuẩn bị nguồn lực ấy trong những năm tới đây. Hiện nay, ngay cả các sinh viên của các trường đại học được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin cũng không hề được đào tạo ứng dụng, và được thực hành về mạng, thương mại điện tử. Hơn nữa để có một nhân viên thực sự vận hành và áp dụng được thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa, ngoài kiến thức về công nghệ thông tin thông thường, còn cần phải có một kỹ năng xuất nhập khẩu, nghiệp vụ giao nhận cần thiết.  Nếu chúng ta không có một biện pháp tiếp cận vấn đề này một cách kịp thời, rất có thể đây sẽ là một lỗ hổng lớn trong vài năm tới.

2.1.2/ Thiếu ph­ương thức thanh toán thuận lợi: 

Dịch vụ tài chính, hệ thống ngân hàng và thanh toán điện tử sẽ là một thách thức lớn trong việc phát triển thương mại điện tử áp dụng trong kinh doanh giao nhận ở nước ta cả hiện tại và trong vài năm tới đây. Trong tương lai gần, tình trạng này rất khó có thể khắc phục. Các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa thể chuyển đổi từ mô hình giao dịch cũ sang mô hình ngân hàng hiện đại, phục vụ cho thương mại điện tử qua Internet. Trong khi đó vấn đề thanh toán điện tử đòi hỏi an toàn và bảo mật rất cao, vấn đề này còn nan giải với ngay cả những nước phát triển. Ngoài yếu tố từ phía ngân hàng và hình thành hệ thống thanh toán, ở nước ta số người sử dụng thẻ tín dụng cũng rất ít, trong khi ở nhiều nước thẻ tín dụng, séc điện tử, thẻ thông minh (smart card) đư­ợc sử dụng hết sức rộng rãi. Tâm lý người tiêu dùng còn e ngại, còn thiếu tin tưởng vào ngân hàng, nhất là dư âm lịch sử về hệ thống ngân hàng quan liêu, yếu kém trước  đây, chưa xoá đi được mặc cảm của họ về hoạt động dịch vụ ngân hàng. Hơn nữa tiêu tiền mặt đã trở thành thói quen, ngay cả hình thức thanh toán cheque cũng còn chưa mấy ai sử dụng.

2.1.3/ Thiếu hiểu biết:

Vấn đề này tuy đơn giản, song cũng còn khá nan giải cả hiện nay và trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn và hiểu mập mờ về thương mại điện tử, nhiều người được hỏi, tỏ ra không hề quan tâm đến hình thức này. Tình trạng thiếu hiểu biết đầy đủ về thương mại điện tử của các nhân viên cũng có thể làm cho hoạt động giao nhận trong doanh nghiệp kém hiệu quả và lãng phí. Nhiều người chỉ nghĩ thương mại điện tử là để trao đổi tin tức với khách hàng, đối tác bằng thư điện tử. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin, mạng, thương mại điện tử còn khiến nhiều Công ty e ngại trư­ớc các thành tựu công nghệ mới. Thái độ luôn “nhìn nhau” tr­ước khi áp dụng cái mới d­ường nh­ư là một thuộc tính cố hữu của không ít ng­ười. Họ chờ xem những ngư­ời đi trư­ớc thành công hay thất bại, rồi mới có quyết định tiến hay thoái. Điều này cũng dễ hiểu bởi nhận thức của họ là hết sức mơ hồ, song lại ảnh h­ưởng không nhỏ đến tốc độ tăng tr­ưởng của th­ương mại điện tử cũng nh­ư Internet và các ứng dụng công nghệ thông tin khác.

2.1.4/ Cơ sở pháp lý chuẩn bị hành lang cho thương mại điện tử chưa đựơc hình thành.                                                                                                                         

Luật pháp là chỗ dựa cho các doanh nghiệp giao nhận hoạt động một cách hợp pháp. Các bên tham gia thương mại điện tử áp dụng trong giao nhận hàng hóa cần phải được bảo vệ về tính hợp pháp, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, tài liệu điện tử, hợp đồng điện tử. Hiện nay ở nước ta chưa hề thấy xuất hiện một dấu hiệu nào về việc nghiên cứu và triển khai vấn đề này. Vì vậy, các doanh nghiệp giao nhận sẽ phải nhờ vào luật pháp nước ngoài để giải quyết, nếu như doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh điện tử với đối tác nước ngoài. Nếu như vậy không phải trong trường hợp nào cũng có thể thực hiện được và những điều bất lợi chắc chắn sẽ xảy ra về phía doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp cũng hết sức nghi ngại khi tham gia vào phương thức kinh doanh này.

2.1.5/ Khía cạnh chính trị:                                                                               

Nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa. Sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, trong khi đó thì chủ nghĩa tư bản đồng thời tạm lắng dịu những mâu thuẫn vốn có của nó, tạm thời đạt được những thành tựu rất lớn về nhiều mặt. Do đó có thể nói rằng nước ta đang và sẽ là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực trong và ngoài nước. Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng là hết sức quyết liệt. Những công cụ mà bọn phản động thường sử dụng là các phương tiện truyền tin, và đặc biệt lại càng nguy hiểm hơn trước sự phát triển của Internet. Internet –  một phương thức trao đổi phổ biến tin tức không biên giới, rất khó kiểm soát. Vì vậy, mặc dù phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Internet và thương mại điện tử thì đồng thời phải có những biện pháp che chắn cần thiết, nhằm quản lý việc sử dụng và kiểm soát nội dung thông tin trao đổi trên Internet.

Rõ ràng để quản lý và kiểm soát thành công Internet-phương tiện của thương mại điện tử không phải là một vấn đề dễ dàng. Tuy nhiên vấn đề này thiên nhiều về mặt kỹ thuật, Nhà nước và các bên hữu quan nhất thiết phải tránh quan điểm kiểm soát, quản lý bằng các biện pháp nhằm hạn chế việc tăng cường sử dụng Internet kể cả về mặt kinh tế lẫn hành chính, chẳng hạn như ban hành cước cao để hạn chế truy cập.

Trên đây là những khó khăn chủ yếu mà chúng ta đang và sẽ gặp phải. Tất nhiên đây hoàn toàn là những trở ngại không phải là cố hữu, bản chất. Do đó chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Việc mở đường cho Internet cũng là việc chúng ta đẩy mạnh hội nhập vào thế giới, tạo điều kiện để mở rộng phát triển kinh tế đối ngoại, đặc biệt là hoạt động giao nhận ngoại thương.

2.2. Những thuận lợi

Một chiến lược phù hợp không thể không tính đến những diễn biến tương lai. Việc nhìn nhận và dự báo những thuận lợi khi áp dụng thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa vì vậy là hết sức cần thiết để đề ra phương hướng ứng dụng thích hợp. Phần này khoá luận trình bày một số nhận định về những thuận lợi có thể có trong điều kiện ở nước ta vào thời gian tới.

Trong tương lai cùng với tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin, tin học, khả năng cuộc sống sinh hoạt của con người chuyển sang một giai đoạn mới. Công nghệ thông tin sẽ còn phát triển với một tốc độ nhanh chóng không thể dự báo trước. Điều này rõ ràng là một thuận lợi lớn nếu như nước ta kịp thời, nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng và áp dụng biện pháp cần thiết nâng đỡ phát triển hình thức thương mại này. Song đó cũng là một thách thức, bởi vì rất có thể chúng ta lại gia tăng khoảng cách với các quốc gia khác. Hiện tại chúng ta có thể chứng kiến vấn đề này từ một nước anh em Singapore. Ngay từ giai đoạn đầu, chính phủ nước này đã nhanh chóng nhìn nhận vấn đề và cho tới nay Singapore đã chuẩn bị tươm tất hành trang để bước vào kỷ nguyên nền kinh tế Internet và thương mại điện tử.

Một trong những thuận lợi mà chúng ta có thể dự báo, cần phải nhận thấy, và nắm bắt đó là: “Xu hướng toàn cầu hoá”. Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề này một cách sâu sắc thì sẽ thấy được tầm quan trọng của phát triển thương mại điện tử. Internet ra đời, cùng với nó là thương mại điện tử áp dụng trong các loại hình kinh doanh là một trong những công cụ phục vụ đắc lực cho nước ta tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào quá trình toàn cầu hoá và phân công lao động quốc tế một cách dễ dàng hơn. Nhờ thương mại điện tử, các nước nhỏ, các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp giao nhận với điều kiện như nước ta có thể tham gia vào thương mại quốc tế, giao nhận hàng hóa quốc tế không còn khó khăn như trước đây.

Sự giúp đỡ và cộng tác từ khu vực, từ các tổ chức quốc tế cũng có thể là một thuận lợi trong tương lai mà chúng ta có thể khai thác. Nếu trong khu vực chúng ta vốn được coi là một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, thì trong giai đoạn bước vào nền kinh tế toàn cầu Internet, ASEAN cũng đã khẳng định được mình. Nhiều nước trong khu vực đã đạt được những kết quả rất đáng khâm phục về thương mại điện tử, Singapore đã được cả thế giới biết đến. Vì vậy, chúng ta có thể học tập, dựa vào họ và kêu gọi sự giúp đỡ phát triển thương mại điện tử từ các nước trong khu vực. Các chương trình về thương mại điện tử áp dụng trong kinh doanh giao nhận mà khu vực đã, đang và sẽ tiến hành, chúng ta có thể tham gia một cách tích cực và cùng với các nước đề ra các phương hướng phát triển cho cả khối. Sự hợp tác mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta có thể tiết kiệm được cả nhân lực và đầu tư cho thương mại điện tử. Kinh nghiệm này có thể học tập từ các nước EU, toàn khối này đã có những chương trình phát triển thương mại điện tử chung và áp dụng trong kinh doanh giao nhận một cách có hiệu quả.

Xét về nguồn lực trong nước: Tính cần cù và thông minh của dân tộc Việt Nam bộc lộ rất rõ trong lĩnh vực toán và tin học. Việc phát triển các phần mềm tin học, công nghệ mạng và thương mại điện tử chắc chắn sẽ là sở trường của chúng ta. Khuynh hướng này chắc chắn sẽ bộc lộ rõ hơn trong vài năm tới, khi chúng ta hoà nhập với thế giới mạnh hơn trong lĩnh vực này. Có một cơ sở đội ngũ tin học vững chắc, công nghệ thông tin mạnh sẽ là một lợi thế lớn cho phát triển thương mại điện tử ở nước ta.

Trước xu thế ứng dụng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa của các nước trong khu vực và trên thế giới, Nhà nước ta chắc chắn sẽ ngày càng cởi mở hơn, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho khu vực Internet và thương mại điện tử áp dụng loại hình kinh doanh này. Các doanh nghiệp giao nhận có thể nhận được những khuyến khích ưu đãi từ Nhà nước về việc triển khai chiến lược kinh doanh điện tử. Chi phí truy cập Internet, cước điện thoại chắc chẵn sẽ còn tiếp tục giảm xuống, điều này sẽ tạo ra lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp. Số người truy cập Internet tăng lên sẽ tạo ra dung lượng thị trường tiêu thụ ảo lớn hơn, các doanh nghiệp có khả năng tăng lượng hàng hoá tiêu thụ, tăng các dịch vụ quảng cáo, tiếp thị qua Internet không chỉ ở nước ngoài mà ngay tại trong nước.

Khung pháp lý về thương mại điện tử rồi sẽ được hình thành, các giao dịch điện tử, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử sẽ được thừa nhận giá trị pháp lý. Môi trường hoạt động cho thương mại điện tử sẽ được pháp luật bảo vệ.  Điều này chắc chắn sẽ tạo nhiều thuận lợi và làm cho thương mại điện tử ngày càng tăng lên ở nước ta.

Trang bị kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện hơn. Ngành công nghệ thông tin nước ta rõ ràng trong những năm gần đây đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ. Xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, trong xu thế hợp tác, hội nhập, đầu tư quốc tế như hiện nay. Hành trang kỹ thuật hoàn thiện hơn trong tương lai sẽ tạo dễ dàng hơn cho thương mại điện tử áp dụng các nghiệp vụ kinh doanh giao nhận.

III. KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG GIAO NHẬN HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM.

3.1. Giải pháp của doanh nghiệp kinh doanh giao nhận

3.1.1. Quảng cáo, tiếp thị dịch vụ ra thị trường thế giới

Thiết lập các đại lý hay thuê các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm thường tốn chi phí rất lớn, điều mà chẳng mấy doanh nghiệp Việt Nam nào có thể thực hiện được. Như vậy quảng cáo qua Internet có những ưu điểm gì so với quảng cáo thông thường. Lợi ích và hiệu quả của nó phải rõ ràng trước khi đề xuất áp dụng cho doanh nghiệp.

Nếu như xét về số người sử dụng, thì toàn thế giới hiện nay có lẽ số lượng máy thu hình là lớn nhất. Do số người sử dụng lớn, khiến cho truyền hình trở thành một trong những công cụ điện tử phổ biến nhất ngày nay. Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng truyền hình là phương tiện quảng cáo hữu hiệu nhất. Song hạn chế của nó là gì? Truyền hình chỉ là công cụ quảng cáo viễn thông một chiều. Qua truyền hình người mua không thể tìm kiếm được các chào hàng, không đàm phán đựơc với người bán về các điều khoản mua bán cụ thể. Hơn nữa, ngày nay qua máy tính và mạng Internet người ta vẫn có thể xem được truyền hình.

Khác với truyền hình, khi quảng cáo trên Internet doanh nghiệp có thể tạo ra được những quảng cáo hai chiều, không có sự tách rời giữa chủ thể quảng cáo và đối tượng mà quảng cáo nhắm tới. Quảng cáo trên Internet là quảng cáo sống, nó không tĩnh như các phương tiện quảng cáo khác. Vừa quảng cáo song lại vừa là thật khi khách hàng có yêu cầu gì về sản phẩm lập tức sẽ được đáp lại ngay.

Doanh nghiệp kinh doanh Giao nhận có thể khai thác việc quảng cáo qua Internet trên các phương diện sau:

  • Quảng cáo trên Internet thì cũng như việc đồng thời cung cấp cho khách hàng một chào hàng dịch vụ và nếu muốn khách hàng có thể đặt hàng sử dụng dịch vụ ngay.
  • Quảng cáo có khả năng nhắm vào từng đối tượng bạn hàng một cách thích hợp nhất. Để khai thác được khía cạnh này bộ phận lưu trữ dữ liệu của doanh nghiệp phải được tổ chức một cách hợp lý. Chú ý đến khả năng lưu trữ, xử lý dữ liệu tự động của máy tính.
  • Khả năng quảng cáo với nội dung thông tin chi tiết hơn tất cả các phương tiện quảng cáo khác, vì vậy doanh nghiệp có thể kết hợp giữa quảng cáo đơn thuần và cung cấp thông tin cho khách hàng về môi trường đầu tư trong nước cũng như cung cấp một số trang Web giới thiệu về Việt nam…
  • Quảng cáo trên Internet là quảng cáo trên khắp hành tinh với thời lượng liên tục 24/24h vào tất cả các ngày.
  • Có thể tự đánh giá quảng cáo của mình bằng cách xem số lượt truy cập của khách hàng vào Website của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh cho thích hợp hơn. Đặc điểm của quảng cáo trên Internet là nếu như có bao nhiêu lượt truy cập vào Website thì máy tính có thể xác định được. Qua đó doanh nghiệp có thể tự hoàn thiện các chương trình quảng cáo của mình.

3.1.2. Nghiên cứu tiếp cận thị trường thế giới

Nghiên cứu thị trường thế giới truyền thống có thể thực hiện bằng hai phương pháp: Nghiên cứu tại bàn và Nghiên cứu tại hiện trường (Bài giảng môn Marketing Quốc Tế – Đại Học Ngoại Thương). Ngày nay với thương mại điện tử các doanh nghiệp xuất nhập khẩu  hay doanh nghiệp kinh doanh giao nhận nói riêng được mở ra một phương pháp mới: hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Phương pháp này là: Nghiên cứu thị trường Quốc tế qua Internet. Có thể nói phương pháp này là sự tổng hợp của cả hai phương pháp Nghiên cứu tại bàn và Nghiên cứu tại hiện trường.

Đối với phương pháp nghiên cứu tại bàn:

Đây là phương pháp đọc và nghiên cứu tài liệu. Như vậy, nếu sử dụng Internet sẽ thuận tiện hơn nhiều phương pháp thu thập tài liệu qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình… Internet là một thư viện ảo cập nhật nhất với vô vàn các loại thông tin, do đó việc tìm kiếm tin tức thị trường thế giới trên Internet là có thể thực hiện nhanh chóng bất cứ lúc nào.

Internet có thể được dùng như một phương tiện nghiên cứu tại hiện trường.

Trên Internet doanh nghiệp có thể điều tra trực tiếp khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Việc điều tra khách hàng có thể thực hiện thông qua e-mail hoặc có thể thông qua các câu hỏi đã được soạn sẵn trên cơ sở kinh doanh ảo của doanh nghiệp. Những câu hỏi mà khi khách hàng trả lời thì câu trả lời đó sẽ được tự động chuyển về doanh nghiệp ngay lập tức, đồng thời nó lại có thể tự động lưu giữ như một cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Đây là tài sản hết sức quý báu cho doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm sát với đòi hỏi của khách hàng, đối tác.

Những lợi ích như vậy là rất rõ ràng vì vậy người giao nhận cần chú trọng khai thác khía cạnh này.

 

3.1.3.  Ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế.

Thực hiện ký kết các hợp đồng điện tử là vấn đề hoàn toàn có thể thực hiện được và sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao nhận trong giao thương quốc tế (điều này chưa thể áp dụng trong các giao dịch hợp đồng trong nước vì ở nước ta chưa có luật điều chỉnh vấn đề này). Việc thực hiện các giao dịch đàm phán ký kết qua mạng Internet có thể đem lại thuận lợi và hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp, giảm chi phí về chuyển giao giấy tờ, đi lại, đàm phán. Đặc biệt là các hợp đồng đại lý với các hãng giao nhận lớn trên thế giới.

Khi ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ quốc tế trong thương mại điện tử, các doanh nghiệp có thể tham chiếu tới luật điều chỉnh ở những nước khác hay luật quốc tế có quy phạm điều chỉnh lĩnh vực này.

Một sự kiện mà các doanh nghiệp nước ta cần phải hết sức quan tâm và  nên xem xét nghiên cứu kỹ đó là các điều khoản trong E-terms sắp được đưa ra bởi sự hợp tác giữc ICC và Nhóm làm việc về thực tiễn về thương mại điện tử (Electronic Trade Practices Working Group). Những quy định trong E-Terms sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho việc soạn thảo các hợp đồng trực tuyến. Trong  E-Terms có rất nhiều điều khoản mẫu có thể được quy định trong các hợp đồng điện tử. Các doanh nghiệp cần thông tin thêm về E-Terms liên hệ theo email [email protected].

Trong Luật mẫu của Liên Hợp Quốc về thương mại điện tử Điều 16 đề cập đến hợp đồng vận tải hàng hoá điện tử. Điều 17 trình bày về các chứng từ vận tải trong đó nêu rõ rằng: ở nơi nào mà luật pháp bắt buộc các hợp đồng vận tải hàng hoá phải bằng văn bản hay phải bằng các tài liệu giấy tờ thì sự đòi hỏi này sẽ được đáp ứng nếu như các văn bản tài liệu dưới dạng các thông điệp dữ liệu. Thông điệp dữ liệu “Data Message” được xác định: Đây là thông tin được hình thành, gửi, nhận hoặc lưu giữ bằng các phương tiện điện tử, quang học, và các phương tiện có ý nghĩa tương tự bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Trao đổi dữ liệu (EDI), thư điện tử (E-mail), điện tín (Telegram), điện báo (Telex), hoặc sao chép từ xa (Telecopy). Đây cũng là nguồn luật quốc tế mà người giao nhận có thể tham chiếu.

Bên cạnh việc thừa nhận hợp đồng điện tử, ở những nước có luật chữ ký điện tử, luật thương mại điện tử và Luật mẫu của Liên Hợp Quốc còn thừa nhận cả những bằng chứng là các tài liệu, phụ kiện của hợp đồng dưới dạng điện tử. Thông thường để đi đến một hợp đồng thương mại quốc tế hoàn chỉnh, các bên giao dịch phải trải qua rất nhiều các trao đổi chứng từ thương mại khác nhau. Đồng thời, trong quá trình thực hiện hợp đồng điện tử, thì cũng có thể phát sinh rất nhiều các tài liệu điện tử chẳng hạn như: Thông báo gặp bất khả kháng, đề nghị kéo dài thời hạn hiệu lực hợp đồng, gia hạn hợp đồng, thông báo giao hàng, thông báo ngày tàu rời cảng, thông báo dỡ hàng, hoá đơn cước phí …. Tất cả những chứng từ này đều được thừa nhận giá trị pháp lý và có thể xem như là một bằng chứng để chứng minh thực hiện hợp đồng tại Toà án. Vì vậy các doanh nghiệp Ngoại Thương có thể hoàn toàn yên tâm ký kết và thực hiện hoàn chỉnh một hợp đồng điện tử trong thương mại quốc tế.

 

3.1.4. Trao đổi tài liệu, chứng từ với bạn hàng nước ngoài

Đây là khía cạnh mà doanh nghiệp giao nhận cần phải khai thác triệt để nhằm tiết kiệm chi phí giao dịch. Các trao đổi trong thương mại quốc tế, khi các chủ thể ở những nước có khoảng cách xa nhau, thường rất tốn kém chi phí và thời gian nếu sử dụng các phương pháp trao đổi thông thường như bưu điện, điện thoại, fax… hơn nữa lại không truyền tải được một lượng thông tin, tài liệu lớn. Với thương mại điện tử, các doanh nghiệp giao nhận có thể lợi dụng Internet như một phương thức hiệu quả nhất để tiến hành các trao đổi này, nhờ vào các chức năng xử lý và lưu trữ của máy tính, khả năng luân chuyển thông tin tốc độ cao và chi phí rẻ.

Song một vấn đề gây e ngại cho các doanh nghiệp khi trao đổi các tài liệu quan trọng trên Internet, đó là hiệu lực pháp lý của nó. Ở nước ta chưa có quy chế nào chính thức thừa nhận vấn đề này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp giao nhận có thể dựa vào nguồn luật quốc tế điều chỉnh lĩnh vực này. Hiện nay, hầu hết các luật về thương mại điện tử đều thừa nhận giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử. Cả người gửi và người nhận các tài liệu này không thể từ chối hiệu lực pháp lý của nó và cũng không thể từ chối rằng mình đã gửi hay đã nhận tài liệu đó.

 

3.1.5. Tiếp cận chính sách, quy định xuất khâủ, nhập khâủ của nước ngoài.

Bằng việc truy cập tới các địa chỉ thuộc các trung tâm thương mại ở nước ngoài, người giao nhận có thể thu thập được các quy định của thị trường đó về xuất nhập khâủ như: chính sách về thuế xuất nhập khâủ, chính sách khuyến khích hay hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu v.v… Đây là những vấn đề rất quan trọng đối với một doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường  và người giao nhận sẽ cung cấp những hiểu biết của mình về thị trường quốc tế cho khách hàng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp .

 

3.1.6. Sử dụng thư điện tử trong các hoạt động giao nhận ngoại thương

Thư điện tử là ứng dụng rộng rãi nhất của Internet và thương mại điện tử. Trong giao nhận ngoại thương khi khoảng cách địa lý giữa người giao nhận và khách hàng rất lớn thì thư điện tử càng thể hiện ưu thế của mình do chi phí hạ và tính kịp thời. Sử dụng thư điện tử có thể thay thế được hoàn toàn những giao dịch thông thường. Ngoài ra dưới đây xin đề xuất một số ứng dụng khác của thư điện tử trong các ứng dụng của các nghiệp vụ Ngoại thương nói chung và giao nhận nói riêng:

Dùng thư điện tử để đàm phán với bạn hàng nước ngoài

Đàm phán thông thường được thực hiện dưới 3 hình thức, đàm phán bằng gặp mặt trực tiếp, đàm phán bằng điện thoại và đàm phán bằng thư. Trong đàm phán bằng gặp mặt trực tiếp thì rất tốn kém về chi phí đi lại, chi phí chuẩn bị, đồng thời chậm về mặt thời gian. Đàm phán bằng điện thoại giữa những nước khác nhau cũng hêt sức tốn kém, với những vấn đề lớn phức tạp thì không thể sử dụng điện thoại để đàm phán, hình thức này phổ biến với những vấn đề nhỏ đơn giản. Phương pháp đàm phán bằng thư đảm bảo chi tiết, có thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng song lại hết sức chậm chạp mất thời gian chờ đợi hơn nữa chi phí cũng rất lớn.

Sử dụng thư điện tử trong đàm phán quốc tế mang lại rất nhiều lợi ích cho người giao nhận. Những ưu điểm nổi bật của phương thức này là:

 Có thể chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trước khi đàm phán. Ưu điểm này cũng giống như đàm phán bằng thư thông thường.

‚ Đảm bảo nhanh chóng. Thư điện tử được truyền với tốc độ điện thoại.  Ưu điểm này cũng giống như đàm phán bằng điện thoại.

ƒ Tiết kiệm hơn tất cả 3 hình thức trên.

„ Có thể xem xét kỹ lưỡng thư điện tử của của đối tác.

… Gửi thư điện tử có thể gửi kèm cả âm thanh, hình ảnh một cách liên tục. Do vậy nó cũng có những ưu điểm của hình thức đàm phán bằng gặp mặt trực tiếp.

Dùng để gửi chào hàng:

Đặc điểm của thư điện tử là chỉ cần gửi một lần có thể đến được rất nhiều địa chỉ. Vì vậy có thể sử dụng Email để gửi chào hàng tới nhiều khách hàng cùng một lúc.

Gửi các tài liệu thương mại khác:

Với tính năng nhanh kịp thời, không có sự khác biệt giữa trong nước và quốc tế của thư điện tử mà nó có thể được sử dụng để gửi các thông báo về hàng hải, thời gian vận chuyển, ngày dự kiến hàng hoá tới, số lượng hàng giao… đảm bảo nhanh chóng, chính xác và chi tiết.

3.2. Giải pháp của chính phủ:

Qua nghiên cứu thương mại điện tử ở phần trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng đặc biệt của thương mại điện tử, tình hình phát triển thương mại điện tử trong giao nhận hàng hóa. Để thương mại điện tử nói chung và áp dụng trong giao nhận hàng hóa nói riêng ở nước ta không bị tụt hậu, ngoài nhận thức của các doanh nghiệp, cá nhân thì Nhà nước đóng một vai trò quyết định thông qua sự đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ, định hướng và chính sách. Những nỗ lực mà chúng ta đã thực hiện thực sự còn chưa đủ để có thể tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Trên cơ sở điều kiện thực tiễn ở nước ta kết hợp với một số kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử của các nước, cộng với mong muốn của khoá luận là nước ta có thể bước vào nền kinh tế và thương mại số hoá trong thế kỷ tới một cách thành công, theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần có những hỗ trợ như:

3.2.1. Tạo khuôn khổ pháp lý cho thương mại điện tử ở nước ta

Cho đến nay chúng ta chưa hề có một văn bản pháp lý nào về thương mại điện tử. Mặc dù trên thực tế, chúng ta đã có một số văn bản pháp lý về quản lý mạng Internet nhưng đó chỉ là những quy chế thiên về tính kiểm soát việc sử dụng Internet. Quyết định 136/ TTg ngày 05 tháng 3 năm 1997 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Ban điều phối quốc gia về mạng Internet. Hai công văn của Thủ tướng chính phủ về thương mại điện tử, mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết vấn đề thuộc cơ sở hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, hoàn toàn chưa phải là chỗ dựa pháp lý cho các chủ thể hoạt động thương mại điện tử. Hiện nay ở nước ta thương mại điện tử đang được hình thành và chắc chắn sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong tương lai. Cùng với sự hình thành của thương mại điện tử thì có rất nhiều các mối quan hệ cần phải được điều chỉnh.

Có thể nói chừng nào chưa có hành lang pháp lý, chưa được thừa nhận tính hợp pháp thì chưa thể ra đời được thương mại điện tử. Rõ ràng điều này là hoàn toàn chính xác. Ở nước ta “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật“, như vậy nếu như nước ta chưa có pháp luật cho thương mại điện tử thì chưa thể coi là thương mại điện tử đã được hình thành theo đúng nghĩa của nó.

Chính vì vậy việc chuẩn bị hành lang pháp lý cho thương mại điện tử là hết sức cần thiết. Khung pháp lý là môi trường chính thức hoá, hợp pháp hoá hoạt động của các chủ thể. Môi trường ấy phải đơn giản, nhất quán, tối thiểu, và có thể tiên liệu được. Đây là một công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy có ban hành một hành lang pháp luật thì thương mại điện tử mới có chỗ dựa để phát triển.

Trên cơ sở thực tiễn Việt Nam và xem xét một số quy định về thương mại điện tử ở một số nước, khu vực và quốc tế khoá luận có những đề xuất về quan điểm và phương hướng cho việc hình thành khung pháp lý cho thương mại điện tử ở Việt Nam.

Để có thể tạo một chỗ dựa trước mắt cho thương mại điện tử trước khi ban hành điều luật chính thức. Nhà nước nên ban hành quy chế tạm thời về việc công nhận giá trị pháp lý của các dữ liệu tài liệu điện tử. Điều  này sẽ tạo tâm lý tin tưởng cho các doanh nghiệp khi áp dụng thương mại điện tử hiện nay, đặc biệt trong các hoạt động giao dịch đối ngoại.

Đảm bảo tính đồng bộ của luật pháp

Khi đặt ra những quy chế về thương mại điện tử thì vấn đề là làm thế nào để đảm bảo tính đồng bộ của luật pháp. Luật pháp ở nước ta từ trước, vốn được thiết kế để điều chỉnh cho thương mại chưa tính đến thương mại điện tử. Vì vậy các luật hiện có của chúng ta đòi hỏi phải được đánh giá lại, đảm bảo rằng các quy chế về thương mại điện tử không bị phá vỡ bởi những quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay hầu hết các văn bản pháp luật của chúng ta đều có cách hiểu về  “Văn bản được ký””Thoả thuận bằng văn bản””Chứng từ gốc”…  không phù hợp với thời đại thương mại điện tử. Do đó cùng với việc ban hành khung pháp lý cho thương mại điện tử cần phải tính đến loại bỏ những quy định trên. “Ký””Văn bản””Gốc” cần giải thích rõ là như thế nào trong môi trường thương mại điện tử vì nếu không sẽ gây ra sự không ổn định trong các quy chế và hiệu lực của các tài liệu điện tử.

Đảm bảo tính hợp với thông lệ quốc tế.

Thương mại điện tử có tính toàn cầu rất cao bởi nó xuất hiện từ một phương tiện thông tin toàn cầu Internet. Tính quốc tế của nó, đòi hỏi các chế định pháp lý cũng cần hợp với thông lệ quốc tế điều chỉnh lĩnh vực này, không phân biệt đối xử giữa những người mua và người bán ở các quốc gia khác nhau. Vì vậy khi nghiên cứu đưa ra các văn bản pháp luật về thương mại điện tử cần phải xem xét kỹ đó là các điều luật có liên quan, của các tổ chức quốc tế, khu vực và những nước phát triển khác. Hiện nay nguồn luật đặc biệt quan trọng mà chúng ta cần nghiên cứu rất kỹ đó là: Luật mẫu của Liên Hợp Quốc về thương mại điện tử. Luật này được xem là một định hướng quốc tế cho các quy chế về thương mại điện tử mà nước ta có thể tham khảo, áp dụng.

Nên ban hành riêng một đạo luật cho thương mại điện tử ở nước ta.

Hiện nay có một số quan điểm cho rằng thương mại điện tử nên được chỉ ở mức Nghị định. Tính phức tạp trong thương mại điện tử đòi hỏi phải có những quy định mới, những quy định phức tạp hơn. Đối với thương mại điện tử không chỉ liên quan đơn thuần đến khía cạnh thương mại mà còn khía cạnh kỹ thuật. Một khi đã thừa nhận các tài liệu điện tử, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử… thì có thể nói là về căn bản các quy định có hiệu lực, cách giải quyết pháp lý trước đây đã bị thay đổi. Hiệu lực của các chế định pháp lý còn phải được hỗ trợ, đảm bảo bằng những công nghệ khoa học, chẳng hạn như chữ  ký điện tử, an toàn tài liệu phải được đảm bảo bằng khoa học mật mã. Hiện nay ở hầu hết các nước đều để riêng luật cho thương mại điện tử, thậm chí nhiều nước còn có cả luật riêng về chữ ký điện tử. Vì vậy nên để riêng luật thương mại điện tử và luật thương mại. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt nước ta có thể xem xét khả năng đưa các quy định về thương mại điện tử vào một Chương trong Luật thương mại.

 

3.2.2. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia.

  • Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam cần nghiên cứu tiến hành nâng cấp hệ thống truyền thông quốc gia lên ngang tầm với các nước trung bình trong khu vực ASEAN.
  • Giảm thuế nhập khẩu đối với các loại linh kiện máy tính
  • Xây dựng chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị công nghệ thông tin.
  • Giảm cước sử dụng Internet xuống ngang bằng hoặc thấp hơn so với giá cước trung bình của các nước ASEAN.
  • Khuyến khích các hoạt động liên doanh liên kết với nước ngoài, đầu tư vào nước ta trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
  • Lập dự án nghiên cứu và sản xuất các loại sản phẩm mật mã (trong đó có mã khóa công khai (PKI) nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng cho hệ thống thương mại điện tử.

 

3.2.3. Xúc tiến các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức về thương mại điện tử.

Một trong những trở ngại lớn nhất cho thương mại điện tử ở Việt Nam là vấn đề đào tạo và nâng cao nhận thức về thương mại điện tử. Nếu xét thực trạng hiện nay của chúng ta về vấn đề đào tạo nhân lực cho thương mại điện tử thì quả là một vấn đề rất đáng báo động.

Hiện nay hầu hết các sinh viên ở nước ta, đội ngũ tri thức tiếp quản xã hội trong tương lai, ngay cả với những sinh viên được đào tạo chuyên ngành tin học cũng nhiều người còn chưa hiểu Internet là gì, thương mại điện tử là gì. Đây vẫn còn là một công cụ xa vời. Trong khi ở những nước tiên tiến, Internet được truy cập miễn phí thì ở nước ta ngay cả máy tính nhiều sinh viên cũng không có, thực hành ở trường thì eo hẹp, các máy tính ở trường học thì thậm chí cũng chẳng có hoà mạng Internet. Vấn đề này, ở nước ta cho đến nay vẫn phải chờ vào con mắt mủi lòng của người nước ngoài chẳng hạn như kế hoạch hỗ trợ Internet của hãng Intel giúp trường đại học kỹ thuật dân lập thành phố Hồ Chí Minh giúp sinh viên được truy cập Internet miễn phí.

Nếu chúng ta cứ để tình trạng này diễn ra thì có lẽ còn rất lâu sau Việt Nam mới có thể hoà nhập vào thương mại điện tử toàn cầu.

Thiết nghĩ đây là một vấn đề phải nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước một cách thiết thực và mạnh mẽ, để chúng ta có thể có được lớp người tới đây có đủ khả năng làm chủ công nghệ và tham gia tích cực vào thương mại điện tử. Theo quan điểm của khoá luận, phương hướng hỗ trợ của Nhà nước nên tập trung vào một số khía cạnh sau:

Thứ nhất: Hỗ trợ các trường đại học thực hiện dự án: Các máy tính ở trường dành cho sinh viên thực hành được nối mạng Internet. Kỹ năng sử dụng Internet sẽ quyết định sự tiếp cận với thương mại điện tử. Các sinh viên khi thực tập tin học tại trường có thể được phép truy cập Internet theo thời lượng quy định.

Thứ hai: Thực hiện kế hoạch: Hỗ trợ sinh viên truy cập Internet tại nhà: Nếu như sinh viên nào tự trang bị được máy tính và có mong muốn nối mạng Internet. Nhà nước khi đó sẽ cho các sinh viên này hưởng phí ưu đãi truy cập Internet.

Thứ ba: Mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho những người có nhu cầu, các doanh nghiệp, đặc biệt là các cán bộ đang làm việc trong các cơ quan hành chính, doanh nghiệp Nhà nước những kiến thức cơ bản về Internet và thương mại điện tử và kỹ năng làm việc trên mạng máy tính. Đồng thời khuyến khích tư nhân mở những lớp như vậy.

Thứ tư: Giao cho Bộ Thương mại chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về thương mại điện tử và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ tất cả các Bộ, ngành và doanh nghiệp.

Thứ năm: Phổ biến rộng rãi về thương mại điện tử trên báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Có cơ quan giải đáp thắc mắc về kỹ thuật và các pháp lý khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử.

Thứ sáu: Có kế hoạch đào tạo các doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử như một công cụ kinh doanh mới bên cạnh các công cụ kinh doanh truyền thống.

 

3.2.4. Nhà nước nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc xúc tiến hình thành một hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Để có thể phát triển thương mại điện tử một cách toàn diện, đòi hỏi phải có một hệ thống thanh toán điện tử hoàn chỉnh. Cho đến nay, thanh toán điện tử ở Việt Nam mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư của chính phủ, song khoản đầu tư này còn quá hạn chế để có thể tạo ra những chuyển biến đáng kể đối với một hệ thống thanh toán còn quá lạc hậu như ở nước ta.

Để chuẩn bị một cơ sở vững chắc cho những ứng dụng rộng rãi của thương mại điện tử, Nhà nước nên đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa theo các hướng sau đây:

Thứ nhất: Hỗ trợ, đầu tư, và khuyến khích trong việc hiện đại hoá hệ thống ngân hàng và nâng cao nhận thức. Đầu tư phát triển những ứng dụng về công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. Hỗ trợ đào tạo các cán bộ ngân hàng nắm vững những kiến thức về mạng và công nghệ thông tin. Nâng cao nhận thức cho chính các ngân hàng, chính họ phải thấy được những lợi ích, tầm quan trọng trong việc khẩn trương chuẩn bị hình thức thanh toán này.

Thứ hai: Hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh hình thức thanh toán dùng thẻ ở Việt Nam. Tập trung phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phổ biến những lợi ích của việc thanh toán thẻ để khuyến khích sử dụng rộng rãi trong nhân dân.

Thứ 3: Tạo hành lang pháp lý, chỗ dựa cho hoạt động thanh toán điện tử để khuyến khích các ngân hàng áp dụng. Hoàn cảnh mới thì cần phải có những quy chế mới. Khi xem xét nghiên cứu hành lang pháp lý cho thanh toán điện tử cũng cần lưu ý thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này.

3.2.5. Vấn đề bảo mật thông tin và bảo đảm an ninh, an toàn trong thương mại điện tử.

Tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Cơ yếu đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 4/4/2001, nhanh chóng ban hành Nghị định của Chính phủ thi hành Pháp lệnh Cơ yếu về quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc bí mật Nhà nước nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho mật mã thương mại phát triển. Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì xây dựng chính sách mật mã quốc gia và hạ tầng mật mã khóa công khai (PKI) sử dụng trong thương mại điện tử; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu về “tiền điện tử”. Có chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm mật mã của Việt Nam đáp ứng cho yêu cầu bảo mật thông tin trong thương mại điện tử.

3.2.6. Bảo vệ sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng.

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ Ngành liên quan nghiên cứu việc chấp nhận và tham gia các Hiệp ước của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Rà soát các văn bản pháp lý hiện hành về bảo vệ sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng, sửa đổi cho phù hợp với ứng dụng trong thương mại điện tử.

3.2.7. Các vấn đề tài chính và thuế trong thương mại điện tử

Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong khu vực và các dự án thử nghiệm, nghiên cứu xây dựng các chính sách tài chính và thuế trong thương mại điện tử.

3.2.8. Thành lập một Website tập hợp tất cả các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận tại Việt nam.

Hiệp hội giao nhận kho vận Việt nam VIFFAS (Vietnam Freight Forwarders Association) nên đứng ra thành lập một Website có tính chất là một sợi dây liên kết các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận của Việt Nam với các hiệp hội giao nhận khác hay khách hàng trên toàn thế giới.

Website sẽ tập hợp tất cả các doanh nghiệp giao nhận và sẽ có một góc tra cứu các ngành nghề cũng như doanh nghiệp xuất khâủ, nhập khâủ của Việt Nam. Địa chỉ của Website này sẽ được phổ biến trên khắp các công cụ tìm kiếm toàn cầu, Yahoo, Excite, Altavista, Lycos… đồng thời tạo các liên kết với các Website nổi tiếng của thế giới. Qua đây các doanh nghiệp Giao nhận Việt Nam có thể đẩy mạnh việc quảng cáo dịch vụ, đồng thời qua đó truyền bá một cái nhìn toàn diện của nước ngoài về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tiềm năng Việt Nam. Một mặt đẩy mạnh sự phát triển của dịch vụ, mặt khác các nhà đầu tư quốc tế khi truy cập vào đây sẽ hiểu biết kỹ hơn về môi trường đầu tư Việt Nam và thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Trên Website này cũng tạo các liên kết tới các Website của các cơ quan kinh tế thương mại khác, chẳng hạn như Khu công nghiệp, Khu chế xuất v.v..

Phương án này, có thể áp dụng cho các bộ ngành khác. Chẳng hạn như Bộ kế hoạch và đầu tư sẽ thiết lập một trang chủ tập hợp tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và giới thiệu môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cũng sẽ có một trang chủ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…. Giải pháp này sẽ giúp cho các đối tác nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước tiếp cận, tìm hiểu nhau dễ dàng hơn rất nhiều so với tình trạng lộn xộn như hiện nay.

* Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên phủ định những gì Đảng và Nhà nước đã hết sức cố gắng thể hiện quyết tâm thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển, đã công bố một loạt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định nhằm động viên, thúc đẩy và tạo điều kiện cho công nghệ thông tin phát triển.

Chính phủ ra Quyết định số 211/TTg ngày 07/04/1995 phê duyệt kế hoạch tổng thể về phát triển công nghệ thông tin Việt Nam cho đến năm 2000.

Quyết định số 212/TTg ngày 06/05/1994 và quyết định số 154/TTg ngày 11/03/1995 của Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình quốc Gia về công nghệ thông tin. Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về công nghệ thông tin triển khai hoạt động giai đoạn 1996-1999.

Ngày 11/05/1999 Chính phủ ra Quyết định số 123/1999/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Kỹ thuật-Kinh tế về công nghệ thông tin (Chính phủ đã ra Quyết định số 192/1999/QĐ-TTg ngày 20/9/1999 giải thể Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về công nghệ thông tin).

Ngày 05/06/2000 Chính phủ ban hành nghị quyết số 07/2000/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005.

Tháng 10/2000 Bộ Chính trị đã ra chỉ thị 58CT/TƯ về đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp theo đó tháng 11/2000 Thủ tướng đã ra quyết định 128/2000/QĐ-TTg về một số chính sách và biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển công nghệ phần mềm.

Tại các Bộ, Ngành, các Hội Trung ương và địa phương đã có nhiều hoạt động phối hợp với các công ty đa quốc gia, công ty tin học hàng đầu trong nước tạo ra các diễn đàn trao đổi, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và các dự án cụ thể để khuyến khích phát triển ứng dụng thương mại điện tử trong các lĩnh vực ngoại thương, đặc biệt là hoạt động giao nhận hàng hóa.

Ngày 06/06/2000 tại thành phố Hồ Chí Minh và ngày 09/06/2000 tại Hà Nội, các hãng Compaq, Intel và VASC đã tổ chức hội thảo “Intel động lực cho sự thành công của bạn trong trào lưu kinh doanh điện tử”. Các chủ để được nêu ra là các giải pháp có liên quan tới kinh doanh điện tử và thương mại điện tử trong nền kinh tế mới. Intel Việt Nam dự báo doanh thu thương mại thực hiện qua thương mại điện tử vào năm 2004 trên toàn cầu là 7292 tỷ USD. Công ty phát triển phần mềm VASC đưa ra các giải pháp giúp triển khai thương mại điện tử cho các doanh nghiệp và hiện trạng thương mại điện tử ở Việt Nam.

Tại Hải Phòng ngày 17/04/2000, Trung tâm tin học Bưu điện và công ty Intel đã phối hợp tổ chức buổi Hội thảo mang tên “Thương mại điện tử trên thế giới và triển vọng tại Việt Nam”, vấn đề được quan tâm nhiều trong Hội thảo là sự phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng một khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Hiện nay, ngoài hạ tầng truy cập Internet, Bưu điện Hải phòng đang có kế hoạch xây dựng một mạng Intranet riêng của thành phố phục vụ cho các Web quảng cáo thương mại, góp phần thực hiện bước đầu cho hoạt động thương mại điện tử của Hải Phòng.

Tại Hải Dương, hội thảo triển khai thương mại điện tử do Hội Tin học- Điện tử Hải Dương tổ chức ngày 24/07/2000, với sự tham gia của nhiều công ty tin học địa phương, trong và ngoài nước. Theo tin từ Hội thảo này, đã có 30 doanh nghiệp giữ chỗ trên mạng ETCNet để chào bán sản phẩm và tự giới thiệu mình. ETCNet là mạng intranet hoàn toàn miễn phí, cung cấp các cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế, xã hội của địa phương, các báo, tạp trí, … do công ty Điện tử và công nghệ Hải Dương (ETC) xây dựng, đã có trên 500 người sử dụng. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hải Dương tiếp cận với thương mại điện tử.

Ngày 15/03/2000, Trung tâm tin học Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thương mại tổ chức Hội thảo về thương mại điện tử. Trong hội thảo các tham luận đã đề cập đến các hình thái hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, vấn đề hạ tầng cơ sở công nghệ và pháp lý cho thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Tiếp sau hội thảo còn có ba khóa học liên tiếp về đào tạo một số kỹ năng thương mại điện tử như: khái quát về thương mại điện tử, các kiến thức về Internet, Web, kỹ năng sử dụng trình duyệt Internet, gửi nhận e-mail, thử tra cứu, cách mua bán, quảng cáo trên một trang thương mại điện tử, cách đăng ký account Internet, e-mail.

Ban thương mại điện tử (Bộ Thương mại) đã triển khai dự án Quốc gia về kỹ thuật thương mại điện tử. Dự án gồm nhiều tiểu dự án:

  • Dự án phát triển nâng cao nhận thức về thương mại điện tử,
  • Dự án bảo hộ trí tuệ và người tiêu dùng,
  • Dự án nghiên cứu về các khía cạnh xã hội liên quan,
  • Dự án về vai trò Nhà nước và quản lý của Chính phủ trong thương mại điện tử,
  • Dự án về hạ tầng cơ sở tiêu chuẩn hóa công nghiệp và thương mại trong thương mại điện tử,…

Trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính (theo tin của Thương Hiền, báo Khoa học và Phát triển ngày 10/01/2001), việc chuyển dần từ phương pháp giao dịch giữa người với người sang người với máy và máy với máy đã cho phép ngành Tài chính-Ngân hàng có thêm nhiều dịch vụ hơn. Chính những thuận tiện trong giao dịch tài chính là môi trường tốt nhất cho phát triển thương mại điện tử. Các dự án ứng dụng thương mại điện tử trong ngành tài chính-ngân hàng đã từng bước được ứng dụng tại Việt Nam và thu được những kết quả khả quan. Các Website của Bảo Việt, Ngân hàng công thương Việt Nam, Intranet của Kho bạc Nhà nước, … sẽ là những bước thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của Internet và thương mại điện tử ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang triển khai giai đoạn đầu của thương mại điện tử.

Một trong những hình thức tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển đó là: công ty phát triển phần mềm VASC đã khai trương công viên công nghệ thông tin ảo (Itpark), là công viên đầu tiên thuộc loại này ở Việt Nam, (theo tin của Nguyễn Thanh Lâm, báo Khoa học và phát triển, 14/01/2000) công viên được thiết kế theo bốn mảng chính: nghiên cứu phát triển, đào tạo, thương mại-dịch vụ và giải trí.

Việc tham gia công viên ảo dễ dàng và thuận lợi, có thể ngồi tại nhà hoặc ở nơi nào đó (thông qua Internet) đều có thể tham gia công viên. Các chuyên gia phần cứng và phần mềm trong nước có thể trực tiếp làm việc cho đối tác nước ngoài thông qua dịch vụ tư vấn trên công viên ảo. Đặc biệt với sự tham gia của nhiều trường đại học lớn trong và ngoài nước như: Viện Hàn lâm khoa học Nga, Đại học quốc gia Hà Nội, … Công viên ảo sẽ là thư viện công nghệ thông tin trực tuyến lớn nhất ở Việt Nam. Công viên ảo cũng là nơi để các doanh nghiệp tin học Việt Nam giới thiệu thử nghiệm các phần mềm của mình. Các đơn vị có nhu cầu chỉ cần truy cập vào mạng là có thể đặt mua các loại sản phẩm về công nghệ thông tin. Mảng giáo dục-đào tạo, các đối tượng có nhu cầu học tập nghiên cứu về công nghệ thông tin sẽ được cung cấp qua dịch vụ đào tạo trực tuyến. Mảng thông tin quảng cáo, các doanh nghiệp có nhu cầu lựa chọn mua bán bất kỳ sản phẩm gì, tư vấn dùng bất kỳ dịch vụ gì cho hoạt động kinh doanh của mình đều có thể tra cứu nhanh. Trong giao nhận hàng hóa, khách hàng có thể lựa chọn, tìm hiểu công ty kinh doanh giao nhận nào có uy tín thông qua tra cứu về lịch sử và quá trình hoạt động của Công ty đó. Mảng vui chơi giải trí sẽ tập hợp những trò chơi hấp dẫn được đông đảo người chơi ưa thích. Người tham gia có thể chọn các trò chơi trực tuyến hay tải xuống lưu vào máy riêng của mình. Mảng nghiên cứu phát triển là mảng lớn nhất trong Itpark. Thông qua công viên ảo, các thành viên tham gia có thể trình bày các ý tưởng, dự định nghiên cứu của mình để mọi người cùng tham gia bàn luận, hoàn thiện.

KẾT LUẬN

Kinh doanh giao nhận kho vận thực sự là một dịch vụ quan trọng trong sự phát triển của giao lưu buôn bán quốc tế nói chung. Không có công tác giao nhận kho vận tốt cùng với việc tổ chức loại hình kinh doanh giao nhận kho vận hợp lý thì việc buôn bán hàng hoá giữa các nước sẽ gặp vô vàn khó khăn cản trở, tốn kém thời gian, kinh phí cho các nhà xuất nhập khẩu đặc biệt là trong thời buổi mà công nghệ thông tin, thương mại điện tử phát triển như hiện nay .

Ngày nay, một số chuyên gia của thế giới định nghĩa kinh doanh giao nhận kho vận là: “Làm tất cả những gì có thể được để phục vụ cho việc di chuyển, lưu kho, và phân phối hàng hoá từ khâu tiền sản xuất tới tay người tiêu dùng cuối cùng”. Do đó, việc xây dựng một cơ cấu giao nhận khoa học, một đội ngũ các nhà kinh doanh giao nhận kho vận tài ba là một trong những mối quan tâm lớn của các  nhà kinh doanh trong lĩnh vực giao nhận trên toàn thế giới. Hoạt động kinh doanh kho vận không những chỉ phát triển trong lĩnh vực vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển, mà còn vươn tới các cảng sân bay, các nhà ga, không những liên quan đến các nhà xuất nhập khẩu mà còn có ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước.

Trước những yêu cầu và đòi hỏi của nghề nghiệp, trong thời gian tới đây, khi quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, việc giao lưu hàng hoá ngày càng lớn, đòi hỏi người làm công tác kinh doanh giao nhận kho vận phải không ngừng mở mang, nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm về nghề nghiệp của mình không những chỉ trong lĩnh vực giao nhận, mà còn phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực khác có liên quan đến công việc giao nhận như công nghệ thông tin, vận tải biển, vận tải hàng không, kiến thức về hàng nguy hiểm… Đó là một phần trong vô vàn công việc mà người giao nhận phải nắm vững để có thể phát triển trong xu thế toàn cầu hoá trên mọi lĩnh vực như hiện nay để phát triển loại hình dịch vụ này trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương”. Tập thể các tác giả, Trường Đại học Ngoại thương – xuất bản năm 1991.
  2. Luật sư Võ Nhật Thăng và các tác giả. “Dự thảo Bộ luật thương mại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam”. 10/1996
  3. Jan Ramberg – Professor of Private Law. “The Law of freight forwarding and the 1992 FIATA Multimodal transport Bill of Lading”.  Stockholm University.
  4. Jones Peter. “FIATA Legal Handbook on Freight Forwarding”. Canadian Cataloguing in Publication Data.
  5. Http://www.commercenet.com;
  6. Http://www.thuongmaidientu.com
  7. http://www.un.or.at/unictral; http://www.gov.sg
  8. Thương mại điện tử – Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải, Hà Nội.
  9. Giao nhận vận tải hàng hoá quốc tế”. Tập thể các tác giả PGS.TS Đinh Ngọc Viện chủ biên, NXB Giao thông Vận tải Hà nội – năm 2002
  10. VASC – Mạng và Internet, E-Commerce, E-Business
  11. “Incoterm 2000” . Phòng Thương mại Công nghiệp Việt nam – 2000
  12. “Thương mại điện tử” NXB Thống kê
  13. Bản tin điện tử của Trung tâm tin học tư liệu khoa học công nghệ Quốc gia.
  14. Tin học và đời sống – Hội tin học Việt Nam
  15. PC World – Hội tin học thành phố Hồ Chí Minh.

 


Tải xuống tài liệu học tập PDF miễn phí

[sociallocker id=”19555″] Tải Xuống Tại Đây [/sociallocker]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here